19/11/2008 06:00 GMT+7

Mẹ Do

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Nhiều thế hệ học trò Trường mầm non 7A, Q.Bình Thạnh, TP.HCM xem cô như người mẹ thứ hai.

pcNPjr2Q.jpgPhóng to
Vệ sinh và thay quần áo cho bé - một trong những công việc thường ngày của cô Đoàn Thị Tự Do - Ảnh: H.HG.

Lập gia đình và có một đứa con 2 tuổi, cô Đoàn Thị Tự Do mới bước chân vào nghề nuôi dạy trẻ (sau khi trải qua lớp đào tạo cấp tốc chỉ trong 45 ngày). Thế nhưng “Ngày đầu tiên nhận lớp mình bị sốc. Ở nhà chỉ chăm sóc một bé lại là con mình nên biết tính, biết nết. Đằng này lớp học gần 20 bé 12-18 tháng tuổi, các bé khóc la rền rĩ, mình luýnh quýnh không biết làm sao nữa” - cô Do kể.

Từ chuyện đi học không khóc

Từ một giáo viên có trình độ sơ cấp, cô đã lấy bằng cử nhân cao đẳng sư phạm và hiện đang học đại học sư phạm ngành sư phạm mầm non. Buổi tối về nhà, sau khi làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ, cô còn làm học cụ, soạn giáo án, lên mạng tìm tư liệu cho tiết dạy, tìm thông tin mới để tuyên truyền cho phụ huynh... đến khuya mới đi ngủ. “Đọc báo mạng thấy nói về dịch bệnh tay - chân - miệng hay vụ sữa có melamine mình in ra ngay, sáng hôm sau đem dán trên tường để phụ huynh xem rồi yêu cầu họ hợp tác với nhà trường phòng bệnh cho các bé” - cô Do cho biết.

“Qua hai năm đứng lớp, mình tự rút ra một số biện pháp giúp trẻ thích nghi nhanh với việc đi học. Bé ở nhà thường là con một, được ông bà, bố mẹ cưng chiều. Khi đến trường, lớp thường đông HS nhưng chỉ có hai hoặc ba cô chăm sóc, bé rất dễ bị hụt hẫng”. Cô Do đề nghị cho phụ huynh được vào lớp chơi cùng con mỗi ngày một giờ, rồi giảm xuống từ từ.

Trước khi nhận HS, cô trao đổi rất kỹ với phụ huynh, từ việc ở nhà bé thích ăn món gì đến việc đi ngủ ra sao, các thói quen thường ngày như thế nào... Thời gian đầu cô cố gắng chiều bé để mọi sinh hoạt ở lớp gần giống ở nhà. Ngay cả những vật dụng thân thương của bé như cái gối, cái mền cô cũng đề nghị phụ huynh mang vào lớp cho bé dùng.

Đầu năm học, tất cả HS trong lớp đều được đến làm quen với trường, cô Do coi trong số đó bé nào dễ thích nghi sẽ được nhận vào trước. Những bé còn lại sẽ được phụ huynh đưa vào lớp chơi 1-2 giờ/ngày rồi lại về. “Trẻ nhỏ có đặc điểm dây chuyền: thấy bạn chơi sẽ vui vẻ chơi theo, thấy bạn khóc cũng khóc theo.

Bởi thế mình phải huấn luyện được một nhóm HS đầu tiên thích nghi tốt. Nhóm này sẽ làm nhiệm vụ “nòng cốt” lôi cuốn các bạn khác làm theo”. Theo lời cô Do, trước khi nhận cháu chính thức, giáo viên phải làm công tác tư tưởng với phụ huynh. Các ông bố, bà mẹ không nên đem cô giáo ra hù dọa mỗi khi bé biếng ăn hoặc làm sai lời, ví dụ như: “Không ăn ngày mai đem vô bỏ trong trường”, “Không chịu ăn ngày mai méc cô giáo cho cô phạt”... Vì như vậy bé sẽ ác cảm với cô giáo và rất sợ đi học.

Đến chuyện những đứa con

Một ngày làm việc của cô Do bắt đầu lúc 6g30: giáo viên có mặt ở trường để quét dọn phòng ốc, rửa ly, ca (dụng cụ ăn uống của cháu)... chuẩn bị đón HS. Khi các bé bắt đầu vào lớp cho đến 17g được bố mẹ đón về là khoảng thời gian người giáo viên mầm non lao động cật lực.

Những công việc cứ nối tiếp nhau: bê thức ăn từ dưới bếp lên lớp, chia phần và đút cho từng bé ăn sáng, dọn dẹp bàn ăn, lên tiết dạy, lau mặt, rửa tay, thay quần áo và giúp các bé đi vệ sinh, tổ chức hoạt động ngoài trời, cho trẻ ăn trưa, dọn dẹp bàn ghế, lau phòng, kê giường, giăng mùng cho bé ngủ trưa, chà phòng vệ sinh...

Không những thế cô Do còn theo dõi rất sát từng bé, hôm nay bé ăn có hết suất không, ngủ có ngon không... “Ngay cả chất thải của cháu lúc đi vệ sinh mình cũng phải để ý để báo cho phụ huynh biết ngay nếu thấy bất thường. Có cháu đi tiểu ra mủ, có cháu đi tiêu ra máu... Biết bệnh sớm chữa trị sẽ dễ dàng hơn”.

Ai cũng biết giáo viên lớp cơm nát (18-24 tháng tuổi) rất cực: phải phục vụ mọi hoạt động của bé; bé đi tiêu tiểu liên tục, ói mửa thường xuyên. Với cô Do: “Mình làm riết rồi thấy cũng bình thường, không thấy vất vả. Phải coi học trò như những đứa con của mình thì mới không gớm khi rửa ráy cho các cháu, không khó chịu khi các cháu nhõng nhẽo”.

Cô cười rất tươi: “Đừng tưởng trẻ nhỏ không biết gì. Bé nhìn vào mắt cô giáo sẽ biết ngay cô nào thương, cô nào không thương. Nếu được cô yêu thương, các bé sẽ nghe lời cô răm rắp. Hồi mới vào nghề mình nói gì bé cũng ngơ ngác, không hiểu. Sau này mới nhận ra khi nói cô phải nhìn vào mắt bé, vừa nói vừa làm, lần sau bé sẽ ngoan”.

Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được tin vui: cô Do vừa được bình chọn giải thưởng Võ Trường Toản - một giải thưởng cao quý dành cho các nhà giáo giỏi tay nghề, có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên