23/11/2005 06:00 GMT+7

ĐH Quốc tế chưa xứng tầm... quốc tế

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - “Đóng vai trò là một bộ phận đột phá, phát triển vượt bậc, đạt chuẩn khu vực và quốc tế ở mọi mặt hoạt động”.

c0H38dUh.jpgPhóng to
Giờ học của sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Đó là một phần trong nhiều sứ mệnh mà xã hội gửi gắm, mong chờ ở Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TP.HCM. Thế nhưng...

Sau gần hai năm hoạt động, ngôi trường ĐH quốc tế đầu tiên của VN này vẫn chưa tạo được sự yên tâm trong lòng người học. Bằng chứng là ngày càng có nhiều lời ta thán của cả sinh viên (SV) lẫn phụ huynh. Mới đây, một SV nữa lại tiếp tục gửi thư nhờ chuyển nỗi bức xúc của mình lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Chuyện gì đang xảy ra ở đây?

Phòng thực hành để tập múa

Sau một thời gian dài thai nghén, đến ngày 5-12-2003, Trường ĐH Quốc tế chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định khai sinh. Quyết định này đã xác nhận sự hình thành của một trường ĐH quốc tế công lập đầu tiên của VN, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Tính quốc tế được yêu cầu thể hiện qua "môi trường học thuật đạt trình độ quốc tế về mọi mặt bao gồm các chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, ngôn ngữ giảng dạy, cơ sở vật chất".

Và đó cũng chính là thông tin mấu chốt khiến trường ĐH này thu hút sự hào hứng của không ít người trước kỳ tuyển sinh từ năm 2004. Để rồi sau một năm vào học không ít SV buộc phải lên tiếng.

Một SV bày tỏ ngay trên diễn đàn của Bộ GD-ĐT: "Chúng tôi thấy những điều được học chưa xứng đáng với cái tên quốc tế và với mức học phí cao ngất mà chúng tôi phải đóng hằng năm" (1.500 USD đối với chương trình do Trường ĐH Quốc tế cấp bằng). Sẽ là khập khiễng nếu đem số tiền này so sánh với học phí mà SV các trường thành viên khác của ĐHQG TP.HCM phải đóng.

Tuy nhiên, nếu thấy rằng sự chênh lệch về học phí của hai bên lên đến cả chục lần thì cũng dễ hiểu vì sao SV Trường ĐH Quốc tế đặt ra những đòi hỏi về quyền lợi. Dĩ nhiên, đó là những quyền lợi phục vụ học tập, nghiên cứu.

Thiệt thòi trước tiên mà SV trường này phải chịu là việc trường không có một cơ sở riêng thật sự. Những phòng ốc, giảng đường đang được sử dụng là cơ sở của nhà điều hành ĐHQG TP.HCM. Nhưng đó là chuyện quá nhỏ so với việc cho đến nay trường vẫn chưa có lấy một phòng thí nghiệm nào.

Một phòng có thiết bị duy nhất, khác với các giảng đường còn lại là phòng lap dùng để học tiếng Anh. Một số phòng phục vụ thực nghiệm như phòng điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính... thì trống trơn, mặc cho bụi phủ. Hiện tại nó chỉ hữu ích khi thỉnh thoảng SV trường dùng làm chỗ... tập múa phục vụ các hoạt động hội hè. Còn khi thực hành, SV trường này phải đi đến cơ sở khác do trường thuê mướn.

Chưa hết, giảng viên cũng là vấn đề mà SV của trường không ít lần ta thán. Một SV của trường đã phải thốt lên: "Giáo viên giảng bài tôi không thể hiểu. Nói chính xác hơn là cả lớp không ai hiểu vì thầy là người Việt, nói tiếng Anh chưa rõ, mà thầy lại luôn nói tiếng Anh. Trong khi nói thầy phạm rất nhiều lỗi khiến chúng tôi không thể hiểu được thầy đang nói những gì".

Trao đổi với chúng tôi, GS -TSKH Phan Quốc Khánh, hiệu trưởng nhà trường, cũng thừa nhận: "Giáo viên người Việt rất khó tuyển. Cho nên tất nhiên là có người này người khác. Trường muốn làm một cuộc khảo sát để tìm hiểu về đánh giá của SV đối với giáo viên nhưng vẫn còn đang cân nhắc".

Chỉ tại khách quan?

GS-TSKH Phan Quốc Khánh khẳng định chương trình của trường được xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT có tham khảo chương trình của các trường ĐH tiên tiến, chủ yếu là các trường đối tác. Không biết mức độ tiên tiến và tầm quốc tế của chương trình đào tạo này đến đâu, nhưng ngay trong thông báo (ra ngày 16-9-2005) qui định về chuyển đổi từ chương trình Trường ĐH Quốc tế cấp bằng sang chương trình liên kết đã khiến SV nản lòng.

Thông báo này viết: "Do chương trình đào tạo của ĐH Nottingham khác của Trường ĐH Quốc tế nên khi chuyển sang SV phải học lại từ đầu". Oái oăm hơn, thông báo này còn viết rõ: "Sau thời gian học hai năm tại VN, việc chuyển sang học ở ĐH Nottingham ở Anh hay tại cơ sở ở Malaysia phụ thuộc điều kiện cụ thể của ĐH Nottingham (sẽ có thông báo vào thời điểm tương ứng)".

Điều này lại một lần nữa đẩy phụ huynh đến chỗ thêm ngờ vực, lưỡng lự. Họ không biết chính xác tương lai của con em sẽ như thế nào. Học ở Malaysia và học ở Anh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Chưa hết, trường này còn "chua" thêm: "Các điều khoản trên đây có thể sẽ được thay đổi từng năm học tùy thuộc tình hình cụ thể và yêu cầu của trường liên kết". Phụ huynh, SV hoàn toàn có thể đặt vấn đề về chương trình đào tạo của Trường ĐH Quốc tế. Họ đã thật sự được thụ hưởng xứng đáng với số tiền bỏ ra? Trả lời câu hỏi này, GS - TSKH Phan Quốc Khánh cho rằng đó là tiếng Anh và giáo viên nước ngoài (?!).

Nhưng liệu với hai sự khác biệt này thôi, trường đã xứng đáng mang cái tên quốc tế hay chưa? Lý giải về điều này, GS - TSKH Phan Quốc Khánh cho rằng tiêu chí của trường đưa ra rất cao nhưng tốc độ thực hiện chậm do phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan.

Cho dù là lý do gì nhưng trước liên tục những bức xúc của SV, phụ huynh như thế, những người có trách nhiệm liên quan cũng không thể xem thường.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên