31/12/2007 15:36 GMT+7

Hồ Chí Minh: Dân là tối thượng

PGS, TS Vũ Quang Đạo - Website Đảng cộng sản Việt Nam
PGS, TS Vũ Quang Đạo - Website Đảng cộng sản Việt Nam

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân là tối thượng. Người thường nhắc cán bộ, đảng viên phải “dĩ dân vi thượng”. Nhân dân trước hết là những người lao động, là nông dân, công nhân, trí thức và tất cả những người Việt Nam yêu nước, bị áp bức, bóc lột, “bị đoạ đày đau khổ”...

.................................

Năm 1947, trước khi viết “Sửa đổi lối làm việc” - một tác phẩm có giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực to lớn đối với Đảng ta, nhân dân ta - Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Đời sống mới”, cuốn sách mà Người mong rằng “đồng bào ta mỗi người có một cuốn”, “để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới”.

Cuốn sách do Uỷ ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947, nhân một năm phát động xây dựng đời sống mới. Mặc dù dung lượng cuốn sách chỉ có 17 trang, với 19 câu hỏi và trả lời, được Người viết đơn giản, dễ hiểu, nhưng đó là cả một vấn đề lớn, có giá trị cho đến tận hôm nay và mai này.

Trong cuốn sách, Hồ Chí Minh khẳng định, “đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính” ; “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới” .

Giải thích cho câu hỏi: “Sao gọi là đời sống mới”, Người cho rằng “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.

Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ…

Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…

Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm…

Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm” .

Mấy lời giải thích trên đây của Người, dường như không phải chỉ nói về đời sống mới theo một nghĩa hẹp. Đó là tư duy của Người về cách mạng, về đổi mới. Cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại là nhờ đi theo con đường cách mạng của Người. Rất tiếc, về sau này, nhiều khi chúng ta không nhớ lời Người dạy, dẫn đến bảo thủ, trì trệ. Và nhiều khi có nhớ cũng làm chưa thật đúng, chưa triệt để và sáng tạo. Cho đến Đại hội VI, Đảng ta mới đưa ra quan niệm đúng về đổi mới, như Hồ Chí Minh đã chỉ ra trước đó. Một lần nữa, tư duy đổi mới của Đảng đã vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, và nhờ đó đưa đất nước vượt qua được khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Nhắc lại mấy điều trên đây, chúng tôi muốn khẳng định, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đời sống mới vừa là cái đích mà chúng ta cần vươn tới, vừa là những điều cần và có thể thực hiện ngay. Trong sự nghiệp đó, Đảng và cán bộ của Đảng phải là người đi đầu. Hồ Chí Minh yêu cầu như vậy và Người đã đi đầu trong thực hành đời sống mới ở Việt Nam.

Cũng phải nói rằng, Hồ Chí Minh không phải là người đầu tiên đưa ra những từ “cần, kiệm, liêm, chính”. Nhưng đến Hồ Chí Minh, những từ “cần, kiệm, liêm, chính” mới được Người thổi vào luồng sinh khí mới, tạo nên một chất mới, có ý nghĩa cách mạng. Người nói rằng, “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới” . Cội nguồn mọi suy nghĩ và hành động của Người là luôn luôn vì dân.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Hồ Chí Minh không phải là người đầu tiên đứng lên chống Pháp, cũng không phải là người Việt Nam đầu tiên ra đi tìm đường cứu nước. Nhưng Hồ Chí Minh là người đầu tiên, bằng lòng yêu nước, thương dân và trí tuệ mẫn tiệp của mình đã đến với tư tưởng tiên tiến của thời đại, tư tưởng giải phóng triệt để nhân dân lao động. Và cũng từ đó, những từ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” đã được Người nâng lên một tầm cao mới, với một nội hàm căn bản: vì Dân, vì Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, mà trong đó Dân có vị trí quan trọng bậc nhất.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân là tối thượng. Người thường nhắc cán bộ, đảng viên phải “dĩ dân vi thượng”, điều mà trước đó các bậc tiền bối đã nhắc đến, nhưng đến Người, thì đã có sự khác biệt căn bản: Nhân dân trước hết là những người lao động, là nông dân, công nhân, trí thức và tất cả những người Việt Nam yêu nước, bị áp bức, bóc lột, “bị đoạ đày đau khổ”. Trong hành động, Người thật sự là một tấm gương mẫu mực, đầy sức thuyết phục về “dĩ dân vi thượng”, không màng danh lợi cho riêng mình. Nếu nói tiêu chí hàng đầu của đời sống mới là hết lòng vì dân, thì Hồ Chí Minh là Người tiêu biểu nhất của đời sống mới.

Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” . Cũng vì “ham muốn tột bậc” đó, Người đã dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho nhân dân.

Người nói “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, trong công việc, trong sinh hoạt, Người luôn làm kiểu mẫu về những đức tính ấy. Không những thế, Người còn đi đầu trong chống chủ nghĩa cá nhân - một thứ giặc nội xâm, đối lập với đạo đức cách mạng, đối lập với “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Để xây dựng đời sống mới mà không chống chủ nghĩa cá nhân thì không bao giờ đạt được mục đích. Để có đời sống mới, theo Người “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước” . Cuộc đời Người là mẫu mực về sự làm gương cho người khác.

Tác phẩm “Đời sống mới” Hồ Chí Minh viết vào đầu năm 1947. Trước đó một năm, Người và Chính phủ đã phát động xây dựng đời sống mới. Theo Hồ Chí Minh, đời sống mới là lo cho dân có ăn, có mặc, được học hành trong tư thế một người dân độc lập. Và để lo được việc đó, không phải đến 1947, mà ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã thực hành công việc lo đời sống mới cho dân. Đó cũng là quá trình Người đấu tranh chống lại thực dân, phong kiến - những kẻ muốn dìm dân ta trong sự nghèo đói, ngu dốt, lạc hậu và những hủ tục.

Đời sống mới là văn hoá, là một biểu hiện và là nét bản chất của văn hoá. Dân tộc ta đã đứng vững trước những thách thức của thiên nhiên khắc nghiệt, những cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại xâm hùng mạnh là nhờ chúng ta khẳng định và không ngừng làm giàu thêm bản sắc văn hoá của mình. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử luôn luôn đổi mới và phát triển. Hồ Chí Minh đã góp phần quyết định làm cho văn hoá Việt Nam có sự phát triển về chất trong thời đại mới.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đảng ta cũng khẳng định văn hoá là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Lịch sử của dân tộc chứng minh rằng, văn hoá là một yếu tố bền vững, một sức mạnh không gì cản nổi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thiết nghĩ, trong thời điểm hiện nay cũng như mai sau, cùng đọc, cùng suy ngẫm về tác phẩm “Đời sống mới” của Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết của chúng ta.

PGS, TS Vũ Quang Đạo - Website Đảng cộng sản Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên