25/06/2014 04:05 GMT+7

Bé nặng 4,8kg vẫn cho sinh thường?

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TT - Ngày 26-5, vợ tôi tên Nguyễn Thúy Hằng, 23 tuổi, ở Đức Hòa (Long An), được Bệnh viện Hậu Nghĩa, Long An chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) do thai lớn.

Tại đây, mặc dù gia đình tôi đã nhiều lần yêu cầu bác sĩ cho sinh mổ vì thai lớn nhưng bác sĩ vẫn quyết định cho vợ tôi sinh thường. Trong lúc sinh, do thai quá to nên bác sĩ đã dùng kẹp kéo con tôi, còn vợ tôi được gây tê ở tủy sống dù vợ tôi sinh thường.

Con gái tôi ra đời nặng 4,8kg. Hiện cánh tay phải con tôi không cử động được, trán bị sưng và có thẹo. Còn vợ tôi phải khâu rất nhiều mũi ở tầng sinh môn do em bé quá lớn. Hiện gia đình tôi rất lo lắng cho sức khỏe vợ con tôi. Có phải do bác sĩ không chịu mổ nên vợ con tôi mới bị như vậy không?

Nguyễn Duy Tân (Long An)

* TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) trả lời:

- Sản phụ Nguyễn Thúy Hằng được khám, theo dõi tại phòng sinh, với chẩn đoán thai 38,5 tuần, chuyển dạ, ước lượng thai 3,8kg. Sản phụ được làm nghiệm pháp lọt (nghiệm pháp này được chỉ định khi nghi ngờ con to trong quá trình chuyển dạ) và được sinh giúp lúc 9g40 ngày 27-5-2014. Con của sản phụ là một bé gái, cân nặng 4,8kg.

Bệnh viện đã chẩn đoán sản phụ mang thai to nhưng có khung chậu rộng nên đã thực hiện nghiệm pháp lọt và giúp sinh. Tuy nhiên khi sinh con to có thể có những biến chứng cho mẹ và con. Sau khi sinh con, sức khỏe và diễn tiến hậu sản của sản phụ Thúy Hằng bình thường, hiện đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện. Con của sản phụ hiện đang được theo dõi tổn thương đám rối cánh tay. Tỉ lệ tổn thương đám rối cánh tay do sang chấn sản khoa là 1/1.000 ca (theo y văn thế giới và theo nghiên cứu của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM). Đây là một trong những biến chứng sinh ngả âm đạo gặp ở cả con to và con nhỏ nhưng gặp ở con to nhiều hơn. Hiện tại bé đã xuất viện.

Những diễn tiến trên đã xảy ra ngoài ý muốn do sự ước lượng cân thai qua lâm sàng và siêu âm đều sai khi ước lượng bé nặng 3,8kg... Đây là những rủi ro trong y khoa, cả sản phụ, bệnh viện không ai muốn, tuy nhiên đã xảy ra nên bệnh viện đã cố gắng phối hợp với gia đình để khắc phục một cách hiệu quả nhất. Bệnh viện đã làm việc với sản phụ và gia đình để giải thích tình trạng bệnh lý của bé, đã mời Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hội chẩn cho bé. Bệnh viện đã hướng dẫn gia đình tập vật lý trị liệu cho bé mỗi ngày và tái khám cho bé mỗi tuần tại bệnh viện. Đến khi bé tròn 3 tháng tuổi, bệnh viện sẽ kiểm tra lại tình trạng tổn thương đám rối cánh tay cho bé theo y lệnh của chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh cho sản phụ, chi phí tập vật lý trị liệu cho bé trong ba tháng theo dõi, tái khám tại bệnh viện.

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên