08/04/2014 05:49 GMT+7

Bệnh sởi vẫn chưa lui

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
THÙY DƯƠNG - LAN ANH

TT - Theo Bộ Y tế, so với cao điểm tháng 2 và đầu tháng 3-2014, số trẻ mắc sởi đã giảm, từ 300 ca/tuần lúc cao điểm nay xuống còn 25 ca/tuần.

TP.HCM, 90% số ca mắc bệnh sởi là trẻ dưới 10 tuổiĐưa trẻ đi tiêm “vét” văcxin sởi

TdhaqbQp.jpgPhóng to
Bệnh nhi sởi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư - Ảnh: Thúy Anh

Nhưng đáng ngại là bệnh cảnh của bệnh nhân sởi năm nay rất nặng, tỉ lệ tử vong cao hơn hẳn, đã có ý kiến đề xuất nên công bố dịch này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết những năm trước thỉnh thoảng khoa nhiễm mới tiếp nhận vài bệnh nhi mắc bệnh sởi với triệu chứng không điển hình, thì từ tháng 2-2014 đến nay khoa nhiễm liên tục tiếp nhận bệnh nhi mắc bệnh sởi nhập viện với những triệu chứng điển hình như sốt cao, ho nhiều, bỏ ăn, phát ban sởi...

Rất nhiều trẻ chưa được chích ngừa

"Sau khi mắc bệnh sởi, nhiều trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng lâu dài, còi cọc và mắc bệnh viêm tai giữa, dễ bị giảm thính lực"

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH(Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Ngày 7-4, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 có hơn 50 trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị, đa số trẻ mắc bệnh đều dưới 2 tuổi. Còn theo bác sĩ Phạm Mai Đằng, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, hiện khoa nhiễm bệnh viện có hơn 60 trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay một trong những lý do khiến trẻ mắc bệnh sởi tăng nhiều trong năm nay là do trước đó nhiều bậc cha mẹ sợ tai biến văcxin nên không đưa trẻ đi chích ngừa. Hầu hết bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều chưa được chích ngừa sởi trước đó.

Tại phòng 102 khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, mẹ của bé N.M.K., 17 tháng tuổi, ở Hòn Đất, Kiên Giang mắc bệnh sởi, kể chồng chị nhất định không cho con đi chích ngừa do thấy “truyền hình đưa tin chích văcxin chết hoài”, nên đến nay bé K. chỉ được chích văcxin ngừa lao.

Trong khi đó tại phòng 110, chị Nguyễn Thị Thúy Bình, 30 tuổi, ở Bình Tân, TP.HCM, kể con trai chị mắc bệnh sởi khi được 9 tháng 8 ngày tuổi. Đúng ra lúc 9 tháng tuổi là tới lịch chích ngừa sởi cho con nhưng vợ chồng chị cứ chần chừ, không biết nên cho con chích mũi sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay đợi bé đến 12 tháng tuổi chích văcxin dịch vụ 3 trong 1 gồm sởi - quai bị - rubella. Chị Bình nói cứ nghĩ tới chuyện đưa con đi chích văcxin là gia đình sợ lắm vì có nhiều bé bị tử vong sau khi chích văcxin.

Cũng trong chiều 7-4, khi phóng viên hỏi gần 10 bà mẹ có con mắc bệnh sởi đang nằm điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, thì ngoài bốn bà mẹ có con dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa chích ngừa văcxin sởi - PV), số còn lại đều không cho trẻ đi chích văc xin ngừa sởi. Lý do hầu hết bà mẹ đưa ra là gia đình lo sợ tai biến văcxin!

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định nhiều gia đình lo sợ về tai biến văcxin nên không đưa trẻ đi chích ngừa sởi theo đúng lịch tiêm chủng, làm số trẻ mắc bệnh sởi tăng cao. Không chỉ bỏ chích ngừa sởi mà các bậc cha mẹ còn bỏ qua nhiều loại văcxin khác. Tình hình này kéo dài dễ dẫn đến nguy cơ các dịch bệnh khác có thể xuất hiện trong những năm tới. Theo bác sĩ Khanh, bệnh sởi lây lan rất nhanh nên không phòng bệnh bằng biện pháp cách ly vì trước khi phát ban, trẻ mắc bệnh đã lây bệnh cho những trẻ khác, vì vậy biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất vẫn là chích ngừa sởi cho trẻ.

Sáng nhập viện, chiều trở nặng

Chỉ trong tháng qua, riêng Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận 345 bệnh nhi mắc sởi. Tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, hiện có 14 bệnh nhân mắc sởi có biến chứng nặng đang điều trị. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, bệnh cảnh nặng là điểm lạ nhất ở bệnh nhân sởi mùa dịch năm nay. “Nhiều trường hợp virút sởi tấn công thẳng vào phổi, sáng trẻ nhập viện chưa thấy khó thở, suy hô hấp, đến chiều chụp phim đã thấy phổi mờ trắng, nếu không có máy thở hỗ trợ hô hấp thì trẻ dễ nguy kịch, trong khi thông thường khi ban sởi bay hết mới xuất hiện biến chứng” - PGS Dũng giải thích.

Hầu hết các ca tử vong do biến chứng sởi giai đoạn qua là những bệnh nhân bị tấn công hình thức lạ, trong khi những nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay đến nay chưa phát hiện biến đổi ở type virút gây bệnh sởi. Trường hợp tử vong do sởi duy nhất trong mùa dịch này tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai thì biến chứng nặng xuất hiện chỉ sau khi bé nhập viện một ngày, sau đó tử vong. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, các trường hợp tử vong do biến chứng sởi xuất hiện nhiều trên nhóm trẻ có bệnh nền như sinh non, nhẹ cân... đặc biệt rất nhiều bệnh nhi mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, thời điểm trẻ chưa phải tiêm phòng sởi do còn có miễn dịch tự nhiên từ mẹ. Nhưng năm nay thì khác, trường hợp nhỏ nhất mắc sởi ghi nhận được chỉ mới ba tháng tuổi và có gia đình cả ba mẹ con mắc bệnh.

Trước tình hình kể trên, hiện có ý kiến đề xuất Bộ Y tế công bố dịch sởi trên toàn quốc, do bệnh đã xuất hiện ở 59/63 địa phương, với số mắc rất lớn (riêng số trẻ có xét nghiệm xác định mắc sởi là 5.000 trường hợp). Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-4, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng dịch sởi là dịch nhóm B, chỉ công bố dịch khi có sự thay đổi về tác nhân gây bệnh. Nhưng type virút gây bệnh lại chưa ghi nhận có biến đổi nên kể cả giai đoạn cao điểm của dịch là 300 ca mắc/tuần cũng không công bố dịch, giai đoạn hiện nay lại càng không có ý tưởng này.

Hôm nay 8-4, Bộ Y tế lại tổ chức một cuộc họp trực tuyến để chống dịch sởi, đây là cuộc họp trực tuyến thứ tư từ đầu mùa liên quan đến căn bệnh này. Người dân chờ những quyết định mạnh mẽ hơn, thực chất hơn để chống dịch hiệu quả hơn, vì không thể chịu đựng thêm nữa những cái chết do sởi, một căn bệnh vốn lành và giờ đã thay đổi.

Phải theo dõi trẻ một ngày sau tiêm chủng

Đó là hướng dẫn trong thông tư của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng văcxin tiêm chủng. Theo thông tư này, phải theo dõi trẻ ít nhất 30 phút sau tiêm và hướng dẫn gia đình theo dõi sức khỏe của trẻ trong một ngày sau tiêm, đến ngay cơ sở y tế để xử trí nếu có bất thường sau tiêm chủng. Trước tiêm chủng, cán bộ tiêm chủng phải tư vấn cho cha mẹ, người giám hộ của trẻ về loại văcxin, liều sử dụng, hạn sử dụng, tiến hành khám sàng lọc để có chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm chủng.

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên