Nam bộ nắng nóng 38 độ C, Sài Gòn 37 độ CGiữ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng Sài Gòn nóng rát mặt
Phóng to |
Nhiều trẻ chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch vân |
Ngày 17-3, khu khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 đông nghẹt các ông bố, bà mẹ ôm con chờ đến lượt khám bệnh. Hàng ghế chờ không còn chỗ nên nhiều người bế con ngồi bệt dưới nền hành lang. Chưa đến 9g mà nắng đã gay gắt, đổ tràn khắp lối đi của khu khám bệnh.
Chưa hết bệnh này đã thêm bệnh khác
"Khi nhiệt độ tăng cao, trẻ bị giãn các mạch máu dưới da, tăng tiết mồ hôi, trẻ nhanh mệt, sức đề kháng giảm, có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước và điện giải" |
“Cứ nắng nóng thế này thì đến khi nào mới hết bệnh!” - vừa bồng cậu con trai hơn 2 tuổi bước ra khỏi phòng khám hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Trần Thị Ngọc Thảo, ở Q.Tân Bình, TP.HCM vừa thốt lên như vậy. Chị Ngọc Thảo kể trời nắng nóng những ngày qua làm con chị mắc bệnh liên tục, chưa hết bệnh tay chân miệng giờ lại thêm bệnh viêm phế quản. Chị Ngọc Thảo phàn nàn trẻ mắc bệnh đã mệt, lại phải chịu thêm thời tiết nóng nực nên quấy khóc suốt.
Chăm sóc trẻ bệnh đã khó, chăm sóc trẻ bệnh trong những ngày nắng nóng càng khó hơn. Trời nóng quá muốn cho trẻ nằm máy lạnh nhưng lại không dám để lâu vì sợ ảnh hưởng đường hô hấp nên vài giờ chị lại đổi sang dùng quạt máy, vài giờ sau lại bật máy lạnh... Nhìn ra sân đầy nắng gắt, chị Thảo không khỏi lo lắng vì không biết con mình đến khi nào mới hết bệnh và còn mắc thêm bệnh nào nữa không?
Tại phòng khám tiêu hóa, chị Hồ Thị Mỹ Hạnh, ở Q.Tân Phú, TP.HCM đang ngồi cạnh cô con gái 3 tuổi chờ đến lượt khám bệnh. Chị Mỹ Hạnh kể chị có mỗi đứa con nên chăm sóc cháu kỹ lắm. Nhưng ba ngày trước con chị bị tiêu chảy. Ngày 16-3, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám thì được bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp, cho thuốc về uống, hôm sau bé lừ đừ, mệt mỏi nên chị lo lắng đưa con đến bệnh viện khám tiếp. Nguyên nhân mắc bệnh tiêu chảy của con được chị và bà ngoại cháu nghi ngờ là do món “kem dạo” bé ăn hôm đó. Chị Mỹ Hạnh cho biết hai năm trước vào mùa nắng nóng, con gái chị cũng bị tiêu chảy cấp thế này.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở Long Thành, Đồng Nai đang chờ khám bệnh hô hấp cho con cũng lo lắng trời nóng kéo dài thì người lớn cũng bệnh huống gì trẻ con.
Phóng to |
Người dân TP.HCM đang đau khổ với thời tiết nóng gay gắt. Trong ảnh: hai phụ nữ với thời trang chống nắng chạy xe trên đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Phóng to |
Người nhà rước trẻ đi học về trong buổi trưa nắng gắt - Ảnh: Quang Định |
Gần 7.000 trẻ đến khám/ngày
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, phó khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày qua làm số trẻ mắc bệnh đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng, trong đó bệnh hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng tăng nhiều nhất. Khi thời tiết mát mẻ, ngày cao điểm có gần 6.000 trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, còn cao điểm những ngày nắng nóng lên đến gần 7.000 trẻ/ngày. Bác sĩ Hoàng dự báo nếu thời tiết cứ tiếp tục nắng nóng gay gắt, số trẻ mắc bệnh có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Một bác sĩ trưởng khoa của Bệnh viện Nhi Đồng 1 còn nhận định thời tiết cứ nắng nóng gay gắt, hai tuần nữa số trẻ đến khám tại đây sẽ tăng vọt.
Theo bác sĩ Hoàng, khi nhiệt độ tăng cao, trẻ bị giãn các mạch máu dưới da, tăng tiết mồ hôi, trẻ nhanh mệt, sức đề kháng giảm, có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước và điện giải, khả năng điều hòa nhiệt độ lại kém hơn người lớn nên rất dễ mắc bệnh. Những bệnh trẻ thường mắc trong mùa nắng nóng là hô hấp, tiêu chảy, rôm sảy, tay chân miệng, say nắng, ngạt nước... Khi trời nắng nóng, các bậc cha mẹ thường cho trẻ nằm máy lạnh ở nhiệt độ thấp thời gian kéo dài, hoặc để quạt thổi thẳng vào người trẻ dễ làm trẻ bị khô niêm mạc đường hô hấp, nhiễm lạnh nên dễ mắc bệnh hô hấp. Chưa kể trời nắng nóng trẻ hay uống nước đá nên dễ bị viêm họng. Thức ăn trong mùa nắng nóng mau ôi thiu làm trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp. Nắng nóng, trẻ đi tắm, bơi ở hồ bơi, sông, suối nhiều cũng có nguy cơ bị ngạt nước... Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với tay chân trẻ bệnh, nguồn nước, thức ăn bị ô nhiễm khi thời tiết nắng nóng, mà thức ăn, nguồn nước dễ nhiễm khuẩn nên trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng tăng.
Để phòng tránh các bệnh trong mùa nắng nóng, bác sĩ Hoàng lưu ý người chăm sóc cần cho trẻ ở nơi thoáng mát, mặc đồ thoáng mát cho trẻ, tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột như đang nằm phòng máy lạnh lại đưa trẻ ngay ra chỗ nắng nóng, hoặc đang đi ở chỗ nắng nóng về đã tắm liền cho trẻ... Khi sử dụng máy lạnh, cần chỉnh nhiệt độ từ 27-28OC, không nên để nhiệt độ dưới 25OC sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Trong những ngày nắng nóng, ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau, trái cây để tăng cường sức đề kháng. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc mới đi chơi bên ngoài về. Khi trẻ có triệu chứng bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Nhiệt độ Nam bộ nhích lên từng ngày Theo ông Nguyễn Minh Giám - phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, Nam bộ đang bước vào thời gian cao điểm của mùa khô. Vì vậy, đặc điểm thời tiết có nhiều đợt nắng nóng, ít mưa, trời khá oi bức. Nếu trong các ngày 11 đến 13-3, nhiệt độ cao nhất tại Nam bộ ghi nhận được 38OC thì những ngày gần đây, nhiệt độ tiếp tục tăng thêm 1OC, đạt 39OC (ngày 16-3 tại Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước). Riêng TP.HCM nhiều ngày liên tục nhiệt độ đạt ngưỡng 37OC, ngày 17-3 nhiệt độ đã nhích lên đến 38OC (lúc 13g tại trạm Tân Sơn Nhất). Cũng theo ông Giám, đặc điểm thời tiết này còn duy trì thêm nhiều ngày nữa mới dịu bớt chút ít, sau đó các đợt nắng nóng tiếp tục thiết lập trở lại. Tình trạng nắng nóng, ít mưa còn kéo dài đến nửa cuối tháng 4 và nửa đầu tháng 5-2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận