27/11/2013 08:06 GMT+7

Tiêm văcxin Quinvaxem: Bộ nói an toàn trẻ vẫn tử vong

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Nỗi lo của phụ huynh còn đó khi có thêm trẻ tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem.

Ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chủ tịch hội đồng tư vấn về phản ứng sau tiêm văcxin - cho biết việc tiếp tục tiêm hay dừng văcxin phải xem xét kỹ trên cơ sở khoa học.

mXun7EEl.jpgPhóng to
Cha mẹ và người thân bàng hoàng sau cái chết của bé Trần Mỹ Ngọc (5 tháng tuổi, ở Hưng Phú, Phước Long, Bạc Liêu) - Ảnh: Lê Vân

Ông Phu nói:

- Sáng 26-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp với các cục, vụ liên quan và Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về nguyên nhân trường hợp tử vong (bé Trần Mỹ Ngọc, 5 tháng tuổi - PV) hôm 24-11 ở Bạc Liêu. Nhận định ban đầu của tôi thì nguyên nhân không phải do văcxin, vì lô văcxin này cả nước đã dùng khoảng 400.000 liều và ngay tại xã Hưng Phú, huyện Phước Long - nơi bé gái được tiêm văcxin rồi tử vong - cũng đã có 77 liều Quinvaxem được tiêm.

Về khả năng bé có bệnh trùng lặp hoặc quá mẫn cảm với văcxin thì phải đợi điều tra nguyên nhân. Nhưng một điều khó khăn so với trường hợp tử vong ở Quảng Trị đầu tháng 11 là gia đình bé không đồng ý cho giải phẫu tử thi, vì thế xác định nguyên nhân chính xác cũng khó khăn hơn.

GHiCr5HJ.jpgPhóng to
Hội đồng chuyên môn họp về ca tử vong của bé Trần Mỹ Ngọc (5 tháng tuổi) tại Bạc Liêu chiều 26-11 - Ảnh: Phương Nguyên

* Thưa ông, mới sử dụng văcxin Quinvaxem trở lại từ cuối tháng 10 mà đã có hàng loạt trường hợp gặp phản ứng sau tiêm và hai bé tử vong (một bé sau này xác định là do viêm phổi) có là quá cao?

- Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới thống kê với văcxin ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván, tỉ lệ có sốc phản vệ có thể lên đến 20 trường hợp/1 triệu mũi tiêm. Ở VN, trong vòng một tháng qua đã có 400.000 mũi tiêm Quinvaxem, phản ứng nặng sau tiêm có bé gái ở Bạc Liêu kể trên. Các phản ứng khác là sưng, đau chỗ tiêm, sốt sau tiêm, tím tái, khó thở, ban toàn thân, nhưng với tỉ lệ trong mức giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới. Như ở Hà Nội có 134 ca có phản ứng sau tiêm/47.000 mũi tiêm, Bạc Liêu chín ca phản ứng, Thái Nguyên 22 ca có phản ứng, Bà Rịa - Vũng Tàu bốn ca có phản ứng, Hà Nam ba ca có phản ứng, Quảng Ngãi một ca có phản ứng...

* Nếu tính theo mức Tổ chức Y tế thế giới chấp nhận được thì VN mỗi năm tiêm 4,5 triệu mũi Quinvaxem, có thể đến gần 100 ca sốc phản vệ, như vậy mức “cho phép” có phải là quá cao, thưa ông?

- Ý tôi muốn nói không phải 20 trường hợp sốc phản vệ đều là trường hợp tử vong. Chỉ một số rất ít trong này có phản ứng nặng. Nếu phản ứng sau tiêm cao đến mức này thì chắc chắn phải xem xét dừng sử dụng văcxin rồi. Còn trong tình hình hiện thời, phải tiếp tục theo dõi và quyết định dừng hay tiếp tục sử dụng Quinvaxem đều phải dựa trên quan điểm khoa học.

Mặc dù tôi không dám nói an tâm hoàn toàn về cấp cứu chống sốc nếu có tai biến, nhưng tôi có thể nói việc triển khai tổ chức tiêm chủng đã tốt hơn trước đây. Ví dụ các trường hợp có phản ứng vừa qua đều được vào bệnh viện điều trị, có hồ sơ y khoa rõ ràng. Mỗi năm VN tiêm chủng cho 1,6 triệu trẻ, những bệnh đã có văcxin phòng giảm rõ rệt, nhìn trên phương diện nguy cơ và lợi ích thì tiêm ngừa có lợi ích phòng bệnh rất rõ.

* Gần đây khi trao đổi với báo chí, Chương trình tiêm chủng mở rộng có nói từng tính đến phương án thay thế văcxin Quinvaxem. Trong tình huống cứ tiêm lại Quinvaxem là có tử vong, ông thấy có nên nhắc lại phương án này?

- Như tôi đã nói, quyết định tiêm hay dừng tiêm Quinvaxem đều phải dựa trên những xem xét khoa học. Nếu văcxin này có vấn đề thì Bộ Y tế cũng không dám đề xuất Chính phủ cho sử dụng lại văcxin từ tháng 10 vừa qua. Đó mới là lý do chính chứ không phải nguyên nhân tài chính.

* Vậy thưa ông, còn vấn đề hội đồng và các tổ chức quyết định việc tiêm chủng. Hiện nay ngành y tế tổ chức tiêm chủng, điều tra nguyên nhân tai biến, quyết định tiêm hay không tiêm nữa... Vậy có đảm bảo khách quan?

- Tôi cũng phải nói thật cách chọn các thành viên trong hội đồng chuyên gia về tư vấn và sử dụng văcxin, hay xử lý tai biến sau tiêm đều phải chọn những chuyên gia giỏi nhất. Hội đồng này có thành viên về văcxin, dược, kiểm định văcxin... các ngành bên ngoài không có những chuyên gia như vậy.

Tiền Giang: giám sát kỹ trong đợt tiêm sắp tới

Ngày 26-11, bác sĩ Nguyễn Thị Như Mai, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang, cho biết do có nhiều trẻ bị phản ứng sau khi tiêm văcxin Quinvaxem hồi cuối tháng 10-2013 nên trong đợt tiêm chủng mở rộng cuối tháng 11-2013, ngành y tế đã siết chặt quy trình tiêm ở các trạm y tế.

Theo thông lệ, tỉnh Tiền Giang tiến hành tiêm chủng mở rộng vào hai ngày 25 và 26 hằng tháng. Tuy nhiên tháng 11-2013, ngành y tế đã chủ động kéo giãn thời gian tiêm ra năm ngày để các trạm y tế không bị áp lực mà tiêm nhiều hơn 50 trẻ/bàn/buổi để có thể sai sót. Bác sĩ Trần Thanh Thảo, quyền giám đốc Sở Y tế, cho biết do sự cố, một số trạm y tế tiêm văcxin Quinvaxem nhiều hơn 50 trẻ/bàn/buổi, không giải thích cặn kẽ cho phụ huynh trước khi tiêm hồi cuối tháng 10-2013 như báo Tuổi Trẻ đưa tin nên Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tiền Giang đã kiểm điểm ban giám đốc Sở Y tế. Chính vì vậy trong đợt tiêm chủng tháng 11-2013, ngành y tế tổ chức kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ.

* Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết sau nửa tháng TP.HCM triển khai tiêm ngừa trở lại văcxin Quinvaxem, đến nay có gần 30.000 trẻ em ở TP được tiêm. Theo bác sĩ Thọ, tại TP ghi nhận một số trẻ có phản ứng sau tiêm Quinvaxem nhưng những trường hợp phản ứng đa số là nhẹ. Có vài trẻ sốt cao, quấy khóc nhiều hơn bình thường, gia đình đã đưa đến trạm y tế hoặc bệnh viện để kiểm tra nhưng đều không có vấn đề gì nghiêm trọng.

* Phản ứng sau tiêm Quinvaxem cao nhất trong số ca tai biến

Năm 2013, có 32 báo cáo liên quan đến văcxin được gửi đến Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Trong số này, có 19 báo cáo liên quan đến văcxin 5 trong 1 thì 14/19 báo cáo liên quan đến văcxin Quinvaxem.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia của Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng có hại của thuốc cho biết phản ứng sau tiêm Quinvaxem là nặng nhất và nhiều nhất so với các báo cáo sau tiêm văcxin cùng loại và khác loại được gửi đến trung tâm. Trong đó, một tỉ lệ khá lớn trong số 14 báo cáo liên quan đến Quinvaxem là báo cáo trường hợp tử vong hoặc sốc phản vệ dạng nặng, còn 5 báo cáo về văcxin 5 trong 1 tương tự như Quinvaxem nhưng có thành phần ho gà vô bào (Quinvaxem sử dụng thành phần ho gà toàn tế bào dễ gây dị ứng hơn) thì các phản ứng chỉ là sốt, bỏ bú, buồn nôn... ở mức độ nhẹ.

Theo Trung tâm quốc gia theo dõi phản ứng có hại của thuốc, tất cả báo cáo liên quan đến Quinvaxem đều do Công ty phân phối Quinvaxem tại VN cung cấp.

* Một số ca phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem

- Từ tháng 11-2012 đến 1-2013: 9 trẻ tử vong, 3 trẻ phản ứng nặng.

- 4-5-2013: Bộ Y tế cho tạm dừng tiêm Quinvaxem.

- Cuối tháng 10-2013: một số địa phương tiêm trở lại.

- Tính đến ngày 26-11-2013: 2 trẻ tử vong, trong đó 1 trẻ có kết luận do viêm phổi, 1 trẻ loại trừ nguyên nhân do văcxin, cùng với hàng trăm ca phản ứng được ghi nhận như sốt, tím tái...

* Số trẻ tử vong sau tiêm chủng tại Việt Nam gần đây

- Năm 2005: chưa dùng văcxin Quinvaxem

- Năm 2007: 21 trẻ

- Năm 2011: 10 trẻ

- Năm 2012: 15 trẻ

- Đến tháng 11-2013: 15 trẻ.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên