28/07/2013 07:01 GMT+7

Rùng mình với nước uống đường phố Hà Nội

QUỲNH LIÊN - LAN ANH
QUỲNH LIÊN - LAN ANH

TT - Sau khi Viện Thực phẩm chức năng VN công bố hàng loạt thức uống đường phố tại Hà Nội nhiễm khuẩn và kim loại nặng (Tuổi Trẻ 24-7), nhiều chủ tiệm kinh doanh nước uống đường phố khẳng định mỗi ngày vẫn bán ra không dưới... 1.000 cốc nước.

Phát hiện thêm nhiều loại thực phẩm nhiễm độc

JNXRaayw.jpgPhóng to
Rất đông học sinh, sinh viên và giới văn phòng đi “trà chanh chém gió vỉa hè” (ảnh chụp chiều 26-7 tại cửa hàng trà chanh trên phố Lương Ngọc Quyến, Hà Nội) - Ảnh: Việt Dũng

Trước thông tin về trà chanh làm từ hóa chất nhiễm vi khuẩn E.coli, nấm men nấm mốc, những chủ quán trà chanh lớn trên phố Nhà Thờ, phố Đào Duy Từ, Ngã Tư Sở... dường như đề phòng hơn hẳn. Đặc biệt, chủ quán không bao giờ pha chế trước mặt khách, khu vực pha chế thường ở những nơi kín đáo hoặc có người canh phòng cẩn mật.

“Chưa biết, chưa nghe...”, vẫn vô tư!

Trưa 25-7, dù tiết trời khá mát mẻ nhưng tại những quán trà chanh trên các phố Nhà Thờ, Đào Duy Từ, Ngã Tư Sở... vẫn nhộn nhịp khách, chủ yếu là học sinh sinh viên tìm đến giải khát. Trao đổi với chúng tôi, Thảo - một sinh viên đang ngồi nhâm nhi cốc trà chanh tại một quán trên phố Đào Duy Từ trước khi đến lớp - cho biết: “Chưa nghe thông tin trà chanh nhiễm khuẫn hay có hóa chất độc hại gì”.

Một nhóm bạn trẻ khác là học sinh cũng ngạc nhiên khi nghe chúng tôi đề cập thông tin nước giải khát nhiễm bẩn. Một học sinh tên Minh cố tỏ ra tự tin cho rằng dù chất lượng ly trà chanh mình đang uống không đảm bảo, nhưng cũng không tác động gì đến sức khỏe vì “lâu lâu tụi cháu mới uống”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Bá Do - phó viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng VN - cho rằng mặc dù lần này chỉ lấy và kiểm nghiệm chín mẫu cả đồ uống thành phẩm và nguyên liệu đồ uống đường phố nhưng đã có giá trị cảnh báo. “Thực phẩm đường phố đã được đưa vào “tầm ngắm” và được kiểm tra từ lâu, nhưng đồ uống đường phố thì chưa được chú ý lắm, chúng tôi mong cơ quan quản lý nhà nước mở rộng kiểm tra để đánh giá sát hơn nguy cơ từ đồ uống đường phố” - ông Do cho hay.

Theo ông Do, đồ uống đường phố bị ô nhiễm một phần từ nguyên liệu đầu vào đã ô nhiễm như đá, nhân trần khô thu hái phơi sao thủ công, từ bàn tay người bán hàng. “Kiểm nghiệm rau muống trồng hai bên quốc lộ thấy tồn dư lượng chì khá lớn từ khói xe. Nước uống đường phố nhiễm chì cũng có khi từ căn nguyên này” - ông Do lý giải.

L.ANH

Theo một chủ quán trà chanh trên phố Nhà Thờ, lượng khách những ngày đầu mở quán đông nghẹt, đến mức khách phải ngồi tràn xuống lòng đường và hầu như không có khoảng trống, 20 người chạy bàn mà không phục vụ kịp... Tuy nhiên, những ngày gần đây số lượng khách có vẻ vắng hơn hẳn nhưng mỗi ngày quán vẫn bán được khoảng... 1.000 cốc trà chanh, chưa kể trà đá, nước me, nước giải khát các loại!

Khảo sát tại những cửa hàng bán trà đá, trà chanh quanh khu vực hồ Đền Lừ (Q.Hoàng Mai), Hồ Đắc Di (Q.Đống Đa) có thể thấy đặc điểm chung của các quán nước này không hề có ấm pha trà, cũng không có dấu hiệu bã trà xung quanh. Lý do là vì những người bán dùng dung dịch “nước trà” thay vì trà khô, trà tươi thông thường.

Tại một cửa hàng trà chanh bên hồ Đền Lừ, chúng tôi kín đáo quan sát và rùng mình khi tận mục sở thị phương thức pha trà chanh. Để có một ly trà chanh, nhân viên quán pha một cốc nước đường thêm vài giọt chanh, bỏ thêm một chút dung dịch màu vàng nâu được đựng trong can nhựa cũ gọi là nước trà, sau đó cho thêm mấy viên đá là có ly trà chanh cho khách! Cách pha trà đá tại quán này lại càng đơn giản, chỉ cần một chút nước lọc thêm ít dung dịch nước trà và đá là có một cốc trà đá thành phẩm.

Điều đáng nói là rất khó tin vào dung dịch nước trà đựng trong can nhựa là làm từ trà thật bởi vì không giống như nước trà thông thường, dung dịch này không đều màu mà có lắng cặn giống bột dưới đáy chai, miệng chai. Khi ngửi dung dịch có mùi trà hương nhài hăng hắc. Khi uống trà chanh được pha thêm nhiều nước trà hơn bình thường xuất hiện cảm giác đắng, hăng nơi cuống họng.

Tràn lan phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc

Được biết đến như một địa chỉ chuyên kinh doanh hàng phụ gia thực phẩm và nước giải khát, phố Hàng Buồm những ngày gần đây vẫn tấp nập khách. Với hàng chục cửa hàng bày bán hàng ngàn loại phụ gia thực phẩm, một số chủ cửa hàng thừa nhận thường sang chiết đồ phụ gia thành túi hoặc chai nhỏ để bán lẻ. Điều đáng nói, hầu như những loại phụ gia thực phẩm bán lẻ được đóng gói thủ công, không có bất kỳ thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, hạn sử dụng... Thông tin duy nhất chỉ là tên sản phẩm ghi chữ viết tay hoặc chữ in như bột gelatin, bột trà xanh, tinh chất trà chanh, tinh chất nước bưởi, xirô dâu, xirô nho...

Chúng tôi thử ghé một cửa hàng chuyên kinh doanh phụ gia thực phẩm trên phố Hàng Buồm để hỏi mua nguyên liệu làm trà chanh. Nhân viên tại cửa hàng này đưa ra một chai nhựa nhỏ 100ml màu nâu vàng sánh với dòng chữ “tinh chất trà chanh”. Theo lời nhân viên, chai này có giá 200.000 đồng và có thể pha ra 100 lít trà chanh. “Cứ 100ml tinh chất trà chanh pha với 100 lít nước lọc sẽ cho ra 100 lít trà chanh thành phẩm, nếu như pha loãng quá sẽ không có vị trà, còn pha đặc quá trà chanh sẽ có vị chát, đắng” - nhân viên này khuyến cáo.

Ngoài tinh chất trà chanh, người bán còn giới thiệu thêm một số hương liệu khác như chất tạo màu, hương chanh để có được cốc trà xanh thành phẩm. Toàn bộ số tiền hương liệu để có 100 lít trà chanh thành phẩm chỉ 300.000-400.000 đồng. Khi nhận được câu hỏi liệu cốc trà chanh lúc được pha bằng hương liệu như vậy có đảm bảo chất lượng như trà chanh nguyên chất, chủ quán liền trả lời kèm theo cái nguýt dài: “Bán hàng này cả chục năm nay, tôi có thể khẳng định 100% trà chanh bây giờ đều làm từ hương liệu nhân tạo chứ làm gì có trà chanh nguyên chất. Người ta vẫn uống ầm ầm mà đã có ai bị làm sao?”.

Tại một cửa hàng khác chuyên bán phụ gia thực phẩm trên phố Lãn Ông, khi chúng tôi giới thiệu là nhân viên quán nước đến tìm hiểu để mua số lượng lớn nhân trần, bà chủ cửa hàng nhanh nhẹn đưa ra hàng loạt lựa chọn: nhân trần đóng thành bịch lớn 1kg với giá 40.000 đồng hoặc bịch nhân trần chia thành 50 túi nhỏ (500g) giá 30.000 đồng. Vì được đóng túi thủ công nên có một số gói nhân trần bị bục rơi ra nhiều đám bụi nhỏ, có gói lại ẩm mốc, khi ngửi không còn mùi thơm của thảo mộc. Quan sát phía trong, bịch nhân trần gồm một số loại cành, lá, hạt màu nâu, đen... Tuy nhiên, phía ngoài không hề có các thông số cho biết thành phần nguyên liệu, nhà sản xuất, hạn sử dụng...

QUỲNH LIÊN - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên