16/07/2013 04:30 GMT+7

Lưu ý khi tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Sở Y tế TP.HCM vừa họp hội đồng khoa học lần 2 để đánh giá trường hợp nạn nhân Đ.K.C.,18 tuổi, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM đã tử vong sau khi tiêm văcxin Cervarix ngừa ung thư cổ tử cung tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.9 vào ngày 6-4. Hội đồng khoa học kết luận không đủ cơ sở để xác định trường hợp tử vong này có liên quan đến văcxin Cervarix.

Qua kết quả xét nghiệm độc chất định lượng propranolol trong mẫu máu, nước tiểu, dịch dạ dày của bệnh nhân, cho thấy nồng độ propranolol cao so với nồng độ gây ngộ độc. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, nhiều khả năng nạn nhân đã uống loại thuốc propranolol quá liều trước đó, gây ngưng tim và đây có thể là nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân.

Trong khi đó, TS.BS Lê Thị Thu Hà, phó khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết văcxin ngừa nhiễm HPV (Human papilloma virus) hiện có hai loại trên thị trường VN là Cervarix và Gardasil. Văcxin này được dùng để phòng ngừa ung thư cổ tử cung và những sang thương tiền ung thư do HPV gây ra. Giống như những văcxin khác, văcxin ngừa nhiễm HPV có thể gây tác dụng phụ: nôn mửa, đau cánh tay, rất hiếm gặp những trường hợp bị co thắt khí phế quản gây khó thở, thay đổi nhịp tim... Do đó, đối với người có bệnh tim, phổi, viêm khớp, cần thận trọng vì tác dụng phụ của thuốc tiêm ngừa, tuy hiếm gặp nhưng có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Riêng về propranolol, đây là thuốc được dùng trong tim mạch: cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, chứng run rẩy, cơn đau thắt ngực. Tình trạng tác dụng phụ do văcxin ngừa nhiễm HPV có thể sẽ nặng nề hơn khi bệnh nhân sử dụng propranolol.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên