24/05/2013 10:59 GMT+7

H7N9 có thể lây từ người sang người

TƯỜNG VY
TƯỜNG VY

TTO - Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học quốc tế, virút cúm gia cầm H7N9 có thể lây lan giữa các động vật có vú, trong đó có con người.

H7N9 có nguy cơ lây ở người caoH7N9 ở Trung Quốc: đã có 31 người tử vong

MY8IElTC.jpgPhóng to
Công nhân làm việc tại một lò giết mỏ gia cầm ở Đài Loan - Ảnh: EPA

Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 23-5 trên tạp chí khoa học uy tín Science.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Trung Quốc, Canada và Mỹ đã tiến hành nghiên cứu sự lây lan của H7N9 trên chồn sương - loài động vật thường được dùng trong nghiên cứu khả năng lây cúm ở người, bằng cách nhốt những con chồn sương lành mạnh và chồn sương nhiễm H7N9 vào chung lồng.

Kết quả họ phát hiện cúm H7N9 đã lây từ chồn bệnh sang chồn lành, cho thấy virút này cũng có thể lây từ người này sang người khác. “Trong những điều kiện nhất định, khả năng cúm H7N9 lây từ người sang người là có thể”, nhóm nghiên cứu viết.

“Điều kiện nhất định” đó là sự tiếp xúc gần gũi, trực tiếp giữa người bệnh và người lành. Nhóm nghiên cứu đã rút ra điều này sau khi thử nhốt chồn bệnh riêng một lồng, chồn lành riêng một lồng và đặt gần nhau. Kết quả chồn lành không bị nhiễm bệnh do không phải tiếp xúc trực tiếp với chồn bệnh, dù chúng có thể hít phải dịch do chồn bệnh ho hay hắt hơi làm văng ra.

Tuy nhiên theo ông Richard Webby - một nhà virút học tại Bệnh viện St Jude ở Memphis, Tennessee (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu, H7N9 có thể biến thể theo thời gian và ngày càng trở nên dễ lây lan ở người.

Nhóm cũng đã nghiên cứu H7N9 ở heo (lợn) nhằm tìm hiểu vai trò của loài động vật này trong việc “chứa chấp” H7N9 trong tự nhiên, nhưng không phát hiện H7N9 lây lan ở heo. “Điều này cho thấy heo không phải là yếu tố quan trọng trong dịch tễ học của bệnh cúm H7N9 vào thời điểm này”, Webby nói.

Theo cập nhật mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 8 đến 17-5 không có trường hợp người nhiễm H7N9 nào được xác nhận, cho thấy dịch bệnh “đang giảm dần”, có lẽ vì thị trường gia cầm sống đã bị đóng cửa ở khu vực, hoặc có lẽ virút này “ngủ yên” trong mùa hè.

Nhóm nghiên cứu cho rằng trong tương lai, khi các thị trường gia cầm sống mở cửa trở lại, nhà chức trách ở những nơi mà virút từng hoành hành có thể cần phải điều chỉnh cách quản lý thị trường gia cầm để ngăn ngừa virút lây lan.

Trong một bức thư đăng ngày 22-5 trên tạp chí New England Journal of Medicine cũng đề cập đến tầm quan trọng của thị trường gia cầm đối với sự lây lan H7N9 ở người.

Theo báo cáo chính thức, đến nay đã có hơn 130 người ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan nhiễm cúm H7N9, trong đó hơn 30 người đã tử vong.

TƯỜNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên