10/05/2013 14:54 GMT+7

Tỉ lệ người Mỹ tự tử tăng cao

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Tỉ lệ các vụ tự tử tăng một cách đáng kể tại 39 trong tổng số 53 bang nước Mỹ trong thập niên qua.

OjmsVK1y.jpgPhóng to
Súng là công cụ tự tử phổ biến nhất của người Mỹ. Ảnh: Daily Mail

Bài điều tra của phóng viên báo Anh Daily Mail phối hợp với Hãng tin Mỹ AP công bố ngày 9-5 có thể gây sốc cho cả người Mỹ lẫn thế giới. Có nhiều phát hiện hoàn toàn không như trước nay người ta thường nghĩ, cũng như có nhiều sự thật mà người ta chưa hề nghĩ tới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có 38.350 người Mỹ tự sát trong năm 2010. Tự tử trở thành nguyên nhân thứ 10 gây nên chết chóc cho người Mỹ.

Báo cáo của CDC cho biết gần một nửa số vụ tự tử là dùng súng. Kế đó là treo cổ và uống thuốc quá liều.

Tính chung cả nước Mỹ, số vụ tự tử bình quân mỗi 100.000 dân đã tăng 15% (từ 12 người hồi năm 1999 lên 14 người vào năm 2010).

Wyoming là bang có tỉ lệ các vụ tự tử tăng cao nhất nước Mỹ trong vòng 10 năm qua, tới 78,8%. Kế đó là bang North Dakota - cũng thuộc vùng Trung Tây - với mức độ tăng 70,5%. Các bang khác nằm trong bảng "phong thần" top 10 bang có tỉ lệ tự tử tăng cao nhất lần lượt là Rhode Island (69,1%), Hawaii (61,2%), Vermont (57,9%), Arkansas (54,2%), Idaho (53,9%), Indiana (53,8%), Oregon (49,3%) và South Dakota (48%).

Nếu tính theo khu vực, các bang vùng Trung Tây có tỉ lệ gia tăng các vụ tự sát cao nhất với 35,6%. Theo sát đó là vùng Đông Bắc với 32,7%.

Các nhà nghiên cứu không rõ nguyên nhân tại sao miền Tây và miền Nam có tỉ lệ tự tử cao nhất nước Mỹ. Theo Thomas Simon, một trong các tác giả của bản báo cáo CDC, một trong những nhân tố có thể là do khi cảm thấy bế tắc cùng cực, người ta chọn giải pháp tiêu cực nhất chứ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Cũng có thể do khó tìm được các dịch vụ tư vấn và sức khỏe tâm thần ở những địa phương trên.

Chính phủ Mỹ cũng vừa công khai một báo cáo cho thấy tỉ lệ tự sát trong những người Mỹ tuổi trung niên (35-64 tuổi) đã nhảy vọt lên tới 28% chỉ trong vòng một thập niên (từ bình quân 14 vụ trong mỗi 100.000 dân hồi năm 1999 lên 18 vụ vào năm 2010). Nhóm tuổi này chiếm tới 57% trong tổng số các vụ tự tử ở Mỹ.

Càng gây ngạc nhiên hơn khi tỉ lệ gia tăng các vụ tự tử từ năm 1999 tới 2010 vọt lên tới 40% trong nhóm nam nữ da trắng ở tuổi trung niên. Trong khi đó, tỉ lệ này ở người da đen, châu Á và người nói tiếng Tây Ban Nha tăng không đáng kể.

Vì sao người Mỹ lại chán sống, nơi mà nhiều người tự xem là “thiên đường”? Các báo cáo cho hay gồm các nguyên nhân suy thoái kinh tế tệ hại từ cuối năm 2007 tới nay kéo theo khủng hoảng thế chấp, thị trường nhà đất suy sụp, thất nghiệp hàng loạt. Bị ảnh hưởng nặng nhất là giới trung niên còn trong tuổi lao động, vì thế tỉ lệ tự tử trong lứa tuổi này cao hơn các nhóm trẻ hay già.

Trước đây, những nỗ lực ngăn ngừa tự tử được tập trung vào nhóm thiếu niên và người già. Trong những năm sau này, người Mỹ bắt đầu tập trung vào tuổi trung niên - nhóm bị tổn thương nặng nhất và có nhiều người chán đời nhất.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên