11/04/2013 05:01 GMT+7

Ban hành hướng dẫn phòng lây nhiễm cúm H7N9

L.ANH - L.TH.H.
L.ANH - L.TH.H.

TT - Ngày 10-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm H7N9 tại VN.

Trung Quốc: thêm hai bệnh nhân tử vong vì H7N9Ăn thịt gà có bị cúm gia cầm?

Theo đó, bệnh cúm H7N9 chủ yếu gây tình trạng viêm phổi tiến triển với tỉ lệ tử vong cao. Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân, cần cách ly sớm và không xếp chung bệnh nhân H7N9 với các bệnh nhân khác. Để phòng ngừa, người bệnh H7N9 (khi tình trạng bệnh cho phép), người nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa lúc ở phòng bệnh và ra ngoài phòng bệnh.

Hướng dẫn này cũng cho biết các biện pháp phòng bệnh chung là vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, sát khuẩn đường mũi họng bằng dung dịch sát khuẩn mũi họng. Virút cúm H7N9 là chủng virút mới, có nguồn gốc gen từ virút cúm gia cầm và một số loài chim.

* Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, các đơn vị trực thuộc và các bệnh viện ngoài công lập chủ động triển khai ngay công tác phòng chống dịch cúm H7N9 trên người.

Đối với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, ngoài việc giám sát chặt người nhập cảnh qua việc kiểm tra thân nhiệt từ xa còn phải chuẩn bị trang thiết bị tầm soát, hóa chất khử khuẩn để phòng chống dịch. Khi phát hiện ca nghi ngờ phải khám sàng lọc, cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống hạn chế sự lây lan...

Đối với Trung tâm Y tế dự phòng TP và 24 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phải xây dựng kế hoạch phòng chống chủ động, dự trữ thuốc, chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư, hóa chất phục vụ chống dịch, không để lây lan vào cộng đồng; giám sát chặt, phát hiện sớm ca mắc bệnh đầu tiên tại phường, xã, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời; triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế cũng giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP xây dựng kế hoạch điều trị bệnh nhân cúm H7N9, lấy mẫu bệnh phẩm ca nghi ngờ viêm phổi nặng do virút để xét nghiệm. Riêng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 phải có kế hoạch chuẩn bị khu vực cách ly để tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ do Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế chuyển đến và tổ chức điều trị khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP quá tải...

Các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế và các bệnh viện ngoài công lập cũng tổ chức và triển khai khu vực cách ly tại mỗi bệnh viện; tăng cường giám sát, khám phát hiện sớm...

L.ANH - L.TH.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên