12/02/2013 10:00 GMT+7

Mất da đầu ngón tay: vết thương nhỏ, hậu quả lớn

Th.s, BS TĂNG HÀ NAM ANH
Th.s, BS TĂNG HÀ NAM ANH

TTO - Da vùng đầu ngón tay tập trung rất nhiều đầu thần kinh cảm giác, cho phép chúng ta cảm nhận được đồ vật, đôi khi nó thay thế con mắt để “nhìn” một vật nào đó bằng cách rờ vào vật ấy.

Thế nhưng da vùng đầu ngón tay lại là nơi dễ bị thương tổn nhất.

jmUFY1zk.jpgPhóng to

Vạt da chéo ngón để phục hồi da vùng đầu ngón tay. Ảnh: Nam Anh

NQCkFPNw.jpgPhóng to
Kết quả cuối cùng bệnh nhân đã có thể sử dụng lại đầu ngón tay của mình. Ảnh: Nam Anh

Trong công việc hàng ngày, da đầu ngón tay tiếp xúc nhiều vật, làm nhiều động tác khác nhau nên có thể bị các thương tổn như bỏng da do tiếp xúc vật quá nóng hoặc quá lạnh. Da đầu ngón ta bị cắt đứt do dao, kéo hay các vật sắc nhọn khác.

Vùng đầu ngón cũng có thể bị kẹt trong các vật cứng như khe cửa, giữa các máy cuốn hay máy ép. Đôi khi da vùng đầu ngón bị lột ra hoặc đứt mất hoàn toàn. Vết thương tuy không lớn nhưng việc xử lí lại hết sức phức tạp.

Khi bị vết thương như vậy, chúng ta cần bình tĩnh xem xét mảnh da còn dính với đầu ngón tay hay không, có thể giữ lại miếng da nếu được, miếng da này có thể sẽ được các bác sĩ ghép vào lại đầu ngón tay bằng phương pháp ghép da dày tức là sẽ nạo bỏ phần mỡ bên dưới, giữ lại phần da và khâu ghép vào đầu ngón tay.

Vùng đầu ngón máu chảy rất nhiều nên cần dùng gạc sạch hoặc vô trùng có sẵn trong tủ thuốc cấp cứu của nhà băng lại. Không nên dùng ga rô cột chặt cẳng tay hay cổ tay sẽ làm cho thiếu máu nuôi ngón tay.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ xem xét vết thương và sẽ thông báo mổ để làm vạt da che đầu ngón tay cho bạn. Bạn đừng hốt hoảng cũng như đừng coi thường việc này. Một số bệnh nhân vì coi thường nên sẽ không đồng ý mổ mà chỉ muốn khâu túm đầu ngón tay lại để về nhà cho sớm mà không phải nằm bệnh viện.

Khi làm vạt da cho đầu ngón tay, bạn sẽ phải nằm lại bệnh viện vài ngày để theo dõi xem vạt da có sống được hay không. Việc này rất quan trọng vì nếu vạt da bị chết thì bác sĩ phải làm lại vạt da khác. Nhất thiết là không được khâu túm đầu ngón tay lại vì hậu quả sau này bệnh nhân sẽ rất đau và không làm việc được.

Những bệnh nhân làm việc văn phòng với máy vi tính hoặc chơi đàn thì da vùng đầu ngón lại càng đặc biệt quan trọng hơn và sẽ không thể làm việc được trở lại vì sẽ xuất hiện các cơn đau chói khi họ dùng đầu ngón tay để làm việc.

Tai nạn không chỉ đặc biệt dành cho ngày tết, nhưng những ngày tết là những ngày hay xảy ra tai nạn nho nhỏ với hậu quả lớn như mất da đầu ngón tay. Ngày tết bệnh viện cũng hay quá tải vì tai nạn nên những tổn thương như vậy cũng hay bị coi thường nhất là các bác sĩ không thuộc chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. Do vậy mấy ngày tết càng phải nêu cao tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Th.s, BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đứt da ngón tay