10/01/2013 06:20 GMT+7

Tính phương án tìm văcxin thay thế Quinvaxem

LAN ANH
LAN ANH

TT - Năm ca tử vong và ba ca phản ứng nặng sau tiêm văcxin Quinvaxem trong vòng một tháng qua đã đặt ra nhiều nghi vấn liên quan đến khả năng gây dị ứng, do thành phần ho gà toàn tế bào trong văcxin 5 trong 1 Quinvaxem.

Brcvi1at.jpgPhóng to
Trẻ cần được theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng sau khi tiêm ngừa - Ảnh: T.Đạm

Ngày 9-1, tại phiên họp lần thứ hai trong vòng 15 ngày của hội đồng chuyên môn xử lý tai biến sau tiêm (Bộ Y tế), phương án tìm văcxin thay thế đã được đặt ra.

Dồn dập tai biến

Năm trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem tính từ ngày 20-12-2012 đến nay tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đều có điểm chung là tiền sử sức khỏe đều khỏe mạnh.

Trong đó ba trường hợp phản ứng nặng sau tiêm ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đều gặp hiện tượng sau tiêm Quinvaxem 3-5 giờ, trẻ khóc thét, co giật, tím tái, có cơn ngừng thở. Rất may các bé đều được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời và ra viện sau đó một ngày.

Song hai trường hợp tai biến sau tiêm tại Kiên Giang (ngày 26-12-2012) và Hà Nội (4-1-2013) không may mắn như thế. Theo anh Nguyễn Văn Bồi, cha bé Long (3 tháng tuổi, ngụ Gia Lâm, Hà Nội, tử vong 20 giờ sau tiêm Quinvaxem mũi 1) thì bé Long vốn rất khỏe mạnh, từ khi sinh ra đến khi được tiêm chủng ngày 4-1 hoàn toàn chưa bị ốm, kể cả ốm nhẹ như ho hắng cảm sốt thông thường.

Trường hợp bé trai hai tháng tuổi ở huyện An Minh, Kiên Giang cũng vốn rất khỏe mạnh, nhưng sau tiêm Quinvaxem ba ngày bé có hiện tượng sốt, quấy khóc và tử vong tại nhà sau tiêm chủng 96 giờ, tương tự ba bé ở Quỳ Hợp, Nghệ An tử vong sau tiêm Quinvaxem đầu tháng 12 vừa qua.

Tại phiên họp hội đồng chuyên môn ngày 9-1, có ý kiến cho rằng không nên “ru ngủ” bằng tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem ở mức 0,69/1 triệu mũi tiêm, tỉ lệ tử vong 0,17/1 triệu mũi tiêm là còn thấp so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Bởi phải tính đến tình trạng dồn dập xuất hiện các phản ứng sau tiêm trong hơn hai tháng qua, với 10 trường hợp phản ứng nặng, trong đó bảy bé ở Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nội và Kiên Giang đã tử vong. “Chúng tôi đi đâu cũng nghe người dân nói về chuyện này, người dân rất quan tâm và minh bạch về nguyên nhân các trường hợp tai biến mới giữ được chương trình tiêm chủng rộng không bị giảm sút”- một chuyên gia về văcxin nói với Tuổi Trẻ.

3/8 lô văcxin Quinvaxem bị dừng lưu hành

Ông Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết hai năm rưỡi sử dụng Quinvaxem, VN nhập về khoảng 15 triệu liều và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều. Theo ông Bình, tại cuộc họp của hội đồng chuyên môn, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các vụ, cục chức năng tìm nguồn văcxin thay thế để sẵn sàng có phương án trong trường hợp tiếp tục xuất hiện các ca tai biến nghiêm trọng sau tiêm Quinvaxem.

Tuy nhiên, ông Bình nêu rõ khó khăn tài chính nếu sử dụng văcxin thay thế, do giá Quinvaxem khoảng 70.000 đồng/liều, trong khi các văcxin 5 trong 1 tương tự nhưng có thành phần ho gà vô bào giá thành bán lẻ lên đến 500.000 đồng/liều.

“Nguồn tài chính do Liên minh văcxin và tiêm chủng toàn cầu hỗ trợ trong năm năm từ 2010-2015 khoảng 38-39 triệu USD, số trẻ cần tiêm ngừa cố định khoảng 1,5 triệu bé/năm với 4,5 triệu mũi tiêm riêng văcxin này, không thể tiêm cho một số bé và hoãn một số bé”- ông Bình trần tình.

Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng toàn bộ các lô văcxin liên quan đến các trường hợp tai biến tại Bình Định, Hà Nội, Kiên Giang và tại tất cả các địa phương có sử dụng văcxin cùng lô. Một khó khăn hiện nay là tìm nguyên nhân tai biến, khi ngoài ba bé tử vong tại Nghệ An không có hồ sơ, không thể xác định được nguyên nhân, thì bé hai tháng tử vong tại Kiên Giang cũng không thể xác định được nguyên nhân do bé không được đưa đến cơ sở y tế và không có giám định pháp y.

Bộ Y tế đang bị “tắc” khi chưa biết gửi văcxin Quinvaxem đi kiểm định ở labo độc lập, uy tín nào ngoài VN, sau khi dự định gửi kiểm định ở Nhật Bản gặp khó vì Nhật Bản chỉ kiểm định văcxin sản xuất trong nước, trong khi Quinvaxem sản xuất ở Hàn Quốc.

Chưa có kết quả kiểm định độc lập, chưa có bằng chứng về sự liên quan giữa phản ứng sau tiêm và chất lượng văc xin, nhưng chưa có đủ cơ sở để loại trừ nguyên nhân này.

Tại VN hiện có tám lô văcxin Quinvaxem, nhưng có đến ba lô đang bị tạm dừng lưu hành do liên quan đến tai biến. Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia đều nói “khó” khi cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của việc tiêm chủng, song đều cảnh báo Bộ Y tế xem xét thật kỹ lưỡng và có biện pháp phù hợp sớm. Hãy đặt vị trí người thân của mình sắp đi tiêm chủng để biết nỗi lo ngại của người dân và từ đó có quyết định phù hợp.

Những lưu ý khi cho trẻ chích ngừa

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, trưởng phòng khám bệnh và tiêm ngừa Viện Pasteur TP.HCM, giải thích văcxin 5 trong 1 Quinvaxem (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do HIB) là loại văcxin có năm thành phần văcxin đơn lẻ gộp vào, ngừa được năm bệnh kể trên.

Trước đây, trẻ đi chích ngừa thường được chích ba mũi DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm gan B, viêm màng não mủ do HIB thì hiện nay ba mũi này được gộp thành văcxin 5 trong 1. Văcxin 5 trong 1 giúp trẻ chích gộp một lần đỡ đau hơn thay vì chích nhiều lần với từng văcxin đơn lẻ.

Bác sĩ Anh Tuấn lưu ý các bà mẹ khi thấy trẻ thật sự khỏe mạnh mới đưa đi chích ngừa, trong trường hợp thấy trẻ có vấn đề nhưng tới ngày chích cũng nên đưa trẻ đến địa điểm tiêm ngừa để bác sĩ khám. Khi bác sĩ thấy sức khỏe của trẻ vẫn chích ngừa được sẽ cho chích, còn nếu không sẽ hẹn ngày khác.

Sau khi trẻ được chích ngừa xong, các bà mẹ cần cho trẻ ở lại nơi chích ngừa 30 phút xem trẻ có những phản ứng hay không. Nếu thấy trẻ có điều gì bất thường phải đưa ngay vào cho bác sĩ, nhân viên y tế xử lý. Khi trẻ về nhà, tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24 giờ đầu tính từ lúc trẻ được chích ngừa. Nếu trẻ bị sốt kéo dài, khóc thét dai dẳng, tím tái, ngưng tim ngưng thở... lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Với những trẻ khi đi chích ngừa đợt đầu có những phản ứng nặng như tím tái, ngưng thở, dị ứng... thì lần thứ hai đưa trẻ đi chích ngừa các bậc cha mẹ cần báo tình trạng này cho bác sĩ biết. (THÙY DƯƠNG)

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên