Phóng to |
Chiều 8-3, bệnh nhân được ghép tim Trần Mậu Đức đã tự đi lại trong phòng và đọc sách - Ảnh: Đình Toàn |
Nhìn lại ca ghép tim lịch sử vừa thành công, hầu hết bác sĩ trong êkip thực hiện đều nói điều đầu tiên dẫn đến sự thành công này chính là công tác tổ chức. Êkip ghép tim với khoảng 100 bác sĩ, y tá với 10 tổ chuyên trách như tổ chuẩn bị trước ghép, tổ chẩn đoán chết não, tổ hồi sức chết não, tổ lấy tim, tổ ghép tim, tổ gây mê hồi sức, tổ hồi sức sau mổ... Tất cả đều là sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước và sau ca ghép, sự nhuần nhuyễn và chặt chẽ khi “vào trận”.
30 xét nghiệm cuối cùng
ThS.BS Đoàn Đức Hoằng - trưởng phòng nghiên cứu khoa học và đối ngoại thuộc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện T.Ư Huế), thư ký hội đồng ghép tim và cũng là vị bác sĩ trẻ gắn bó với đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não” của bệnh viện, kể: Khoảng 14g30 chiều 28-2, sau khi tập hợp những thông số cần thiết, 17g cùng ngày anh báo cáo cho chủ tịch hội đồng ghép tạng là GS.TS Bùi Đức Phú.
Đêm 28-2 các mũi nhọn gồm tổ chẩn đoán chết não, tổ hồi sức chết não, tổ chuẩn bị bệnh nhân trước ghép, tổ miễn dịch (thực hiện các xét nghiệm) được thông báo tiến hành công việc của mình. 9g sáng 1-3 ca ghép tim được báo cáo chính thức lên hội đồng ghép tim và được quyết định sẽ tiến hành vào tối 1-3. 14g cùng ngày, các bác sĩ “đầu mối” được thông báo, nhân lực được huy động. Một giờ sau, cuộc hội chẩn lần cuối có tính quyết định và bệnh nhân Trần Mậu Đức (26 tuổi, ở phường Phú Hội, TP Huế) - một trong số các bệnh nhân chờ ghép tim được lựa chọn để ghép tim do hội đủ các đặc điểm tương đồng miễn dịch, cũng như đáp ứng những yêu cầu chuyên môn của tạng hiến.
Để đi đến quyết định cuối cùng này, ngoài thăm khám lâm sàng cần phải thực hiện trên 30 xét nghiệm cận lâm sàng trung và cao cấp tiến hành cho cả người cho tim chết não và người sẽ nhận ghép tim tại hệ thống labo của bệnh viện... Đến 18g ngày 1-3 mọi khâu đã chuẩn bị, tất cả các xét nghiệm đều phù hợp và chấp nhận được, tuy vậy mọi người phải chờ kết quả xét nghiệm đọ chéo máu, dự kiến phải mất tám giờ mới có kết quả. Tất cả chờ đợi trong nỗi lo vì bệnh nhân chết não sắp tử vong thì không lấy được tạng và nếu kết quả đọ chéo dương tính thì chống chỉ định ghép. Có nghĩa là phải hoãn thực hiện.
“Lòng như lửa đốt”
“Khoảng 20g vẫn chưa có kết quả xét nghiệm. Tôi điện sang tổ hồi sức chết não thì biết được huyết áp bệnh nhân hiến tim đang dao động thấp. Lòng như lửa đốt nhưng vẫn không thể báo cáo để xin lệnh triển khai do chưa có kết quả đọ chéo. Khoảng 20g30, việc xét nghiệm đọ chéo máu bên cho và bên nhận có kết quả âm tính. Tôi báo cáo và ngay sau đó GS Phú phát lệnh, tổ lấy tim bắt đầu mở ngực người hiến. Khoảng 30 phút sau, một trái tim khỏe mạnh được đưa ra khỏi lồng ngực và đưa tới phòng ghép tim. Khoảng 22g, kíp ghép tim do GS Phú chủ trì bắt đầu thực hiện những thao tác đầu tiên và ca mổ kéo dài đến 3g sáng 2-3” - BS Hoằng kể, đôi mắt ngấn lệ.
“Từ khi được sự chấp thuận của Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Y tế triển khai chương trình ghép tim, chúng tôi đã mất hơn hai năm chờ đợi. Số bệnh nhân chờ ghép tim được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện lên đến hơn mười người và có người đã ra về. Có khi tưởng chừng như chúng tôi có thể bắt tay vào thực hiện nhưng rồi phải hoãn bởi nhiều lý do, trong đó có cả lý do trục trặc về phía người hiến tim và thân nhân người hiến. Là người gắn bó với bệnh nhân chờ ghép, ngày nào thức dậy chúng tôi cũng xem có ai hiến chưa...” - TS Nguyễn Cữu Lợi, phó giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế, thành viên tổ chuẩn bị bệnh nhân trước ghép, tâm sự.
TS Nguyễn Viết Quang, trưởng khoa gây mê hồi sức, người tham gia tổ hồi sức chết não, thuật lại: “Chúng tôi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân hiến tạng ngay khi vào viện, dù đã nỗ lực điều trị nhưng anh ấy vẫn không qua khỏi. Để xác định bệnh nhân chết não thật sự, chúng tôi phải đảm bảo ba lần xét nghiệm trong 12 giờ liền. Bên cạnh bệnh nhân ấy, từng phút qua đi là từng phút đe dọa nhịp đập của trái tim. Dù đã có những loại thuốc và thiết bị vào loại tiên tiến nhất, nhưng tôi không dám rời mắt khỏi màn hình máy tính”.
Giao lưu trực tuyến “Cơ hội ghép tim ở VN” Lúc 14g ngày 9-3, Tuổi Trẻ Online tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với êkip ghép tim của Bệnh viện T.Ư Huế và Hội Tim mạch VN, bàn về sự thành công bước đầu và mở ra những cơ hội ghép tim ở VN. Khách mời tham dự buổi trực tuyến gồm: - GS.TS Đặng Vạn Phước - chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM, phó chủ tịch Hội Tim mạch VN. - GS.TS Bùi Đức Phú - giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế (chủ trì êkip, phẫu thuật viên chính của ca ghép tim ngày 1-3 tại Bệnh viện T.Ư Huế). - Phó GS.TS Huỳnh Văn Minh - phó chủ tịch Hội Tim mạch VN. - ThS BS Đỗ Đức Hoằng - thư ký chương trình ghép tim Bệnh viện T.Ư Huế. - BS Đặng Thế Uyên - trưởng khoa gây mê hồi sức tim mạch Trung tâm Tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế. - BS Phạm Thọ Tuấn Anh - trưởng khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Các khách mời sẽ trả lời bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online (TP.HCM) và từ Bệnh viện T.Ư Huế. Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc vào trang tuoitre.vn để đặt câu hỏi giao lưu với khách mời của chúng tôi. TTO |
* Tin bài liên quan:
Ca ghép tim đầu tiên do người VN thực hiện đã thành côngBác sĩ Việt Nam đã ghép được tim ngườiBệnh nhân ghép tim phục hồi tốtKhoảng lặng tri ân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận