Phóng to |
Phụ huynh cần theo dõi tư thế ngồi học của trẻ để giúp trẻ tránh các bệnh về mắt - Ảnh: Thanh Đạm |
- Trẻ phải học suốt từ sáng đến chiều, tối học thêm ngoại ngữ, toán... Thứ bảy, chủ nhật lại học thêm. Phụ huynh thường ít theo dõi để hướng dẫn trẻ cách học, dẫn đến tư thế ngồi của trẻ không đúng... Có bé còn trốn cha mẹ chui vào góc tối đọc truyện in lem nhem trên giấy xấu.
Để phòng tật khúc xạ cho trẻ, môi trường học tập phải đủ sáng. Tránh nhìn gần quá nhiều: đọc sách, xem tivi, chơi game, xem truyện tranh..., cần giữ đúng khoảng cách từ mắt tới mặt bàn (trên 33cm), nên xen kẽ giữa học với nghỉ ngơi, chơi thể thao, vận động.
* Có phụ huynh hỏi: Con gái tôi 9 tuổi đã cận 3 độ, mới ba tháng lại tăng 1 độ, khi coi tivi cháu phải nghiêng đầu...
- Trẻ có tư thế đầu khi nhìn (nghiêng đầu, xoay mặt, ngước cằm, cúi đầu...) chứng tỏ trẻ có vấn đề về cơ vận nhãn. Cần đi khám lé trẻ em. Trẻ 9 tuổi mà mỗi ba tháng tăng 1 độ là quá nhanh, cần cho cháu sinh hoạt nơi đủ ánh sáng, vận động thể thao kết hợp với học tập sao cho hợp lý.
Phóng to |
PGS TSBS Trần Anh Tuấn - Ảnh: K.S. |
- Giác mạc mắt có hình dạng chỏm cầu nên tia sáng qua giác mạc sẽ hội tiêu vào đúng một điểm. Nếu giác mạc mắt lúc sinh ra không tròn dạng chỏm cầu, hoặc bị chấn thương giác mạc thì trẻ sẽ bị loạn thị (nhìn có nét rõ, nét mờ). Trẻ nhỏ tuổi bị loạn thị chỉ đeo kính điều chỉnh để mắt nhìn rõ, đường dẫn truyền thị giác hoạt động ở mức tối đa, chính xác, giúp thị giác phát triển tốt. Sau này khi mắt đã phát triển hoàn chỉnh, độ loạn không tiến triển nữa thì có thể phẫu thuật điều chỉnh bằng laser excimer.
* Với trẻ 6-7 tuổi cận thị, có bác sĩ nói chỉ đeo kính khi học, không mang thường xuyên vì mắt sẽ “dại” đi, nhưng có bác sĩ bảo nếu không mang kính thường xuyên thì độ cận sẽ tăng nhanh hơn. Vậy cách nào đúng?
- Khi trẻ được xác định cận thị thì nên mang kính thường xuyên. Vì khi mang kính thì hình ảnh luôn được hội tụ đúng ngay hoàng điểm, mắt sẽ nhìn rõ nét, các đường dẫn truyền ánh sáng được hoạt động ở mức tốt nhất, giúp trẻ phát triển thị giác ở mức tốt nhất.
Nếu cận thị mà không mang kính thì khi nhìn gần mắt sẽ không điều tiết, không còn phản xạ quy tụ, mắt nhìn có vẻ không tinh anh. Một số người cho rằng nếu không mang kính thường xuyên hoặc một số khác lại cho rằng nếu mang kính thường xuyên thì sẽ tăng độ nhanh - cả hai đều không đúng. Độ cận tăng nhanh thường do làm việc bằng mắt nhiều, điều kiện thiếu ánh sáng, không tham gia hoạt động ngoài trời, thể dục thể thao.
* Hiện có nhiều quảng cáo quả việt quất, cốm bổ mắt K, C... ngăn ngừa và giảm được cận thị tiến triển ở trẻ, có thật sự hiệu quả không?
- Những thuốc nói trên thật ra cũng chỉ là trái cây, sinh tố. Các chất này hỗ trợ sức khỏe cho đỡ mỏi mệt. Còn tác dụng trên mắt cận thị thì phải nghiên cứu cụ thể.
* Thưa bác sĩ, một bệnh nhân cận thị đi khám bác sĩ bảo nên mổ lasik, một bác sĩ nơi khác bảo không nên mổ?
- Cả hai nơi đều trả lời đúng! Bác sĩ nói chưa nên mổ vì sợ mổ sẽ không tốt hơn hoặc có khả năng kết quả không ổn định lâu dài. Phẫu thuật lasik chỉ định ở các trường hợp: trên 18 tuổi, độ cận ổn định hoặc tăng chậm (kính đeo 2-3 năm không tăng độ hoặc chỉ thay đổi 0,5 diop trong một năm). Không bị các bệnh giác mạc: viêm giác mạc, giác mạc chóp. Không bị glaucoma (bệnh cườm nước), theo dõi glaucoma. Không bị đục thủy tinh thể, bong võng mạc, tiểu đường. Chống chỉ định trong các trường hợp: bệnh lý biểu mô giác mạc: loạn dưỡng, khô mắt. Nhiễm herpes giác mạc cũ. Bị glaucoma, theo dõi glaucoma. Bệnh nhân đang mang thai.
Phẫu thuật có thể gặp biến chứng: rách vạt giác mạc, đứt vạt, thủng vạt, vạt giác mạc không đủ rộng, lệch tâm. Cần lưu ý là phẫu thuật lasik chỉ điều trị các độ đang có chứ không “cắt đứt, cắt tận gốc” cận thị, nếu sau mổ không giữ gìn (làm việc những nơi thiếu ánh sáng, nhìn gần nhiều) thì mắt có thể bị tăng độ trở lại.
* Ở người lớn tuổi, bị lão thị có nên mổ lasik?
- Để khắc phục tình trạng lão thị, chúng ta phải mang kính lão, nếu không mắt sẽ nhìn mờ khi đọc sách, mau mỏi mắt, nhức đầu, buồn ngủ. Cách đây 5-6 năm phẫu thuật lasik lão thị khá phổ biến, nhưng gần đây người ta phát hiện hiệu quả không cao, mắt có thể bị hiệu ứng chói hoặc lóa đèn vào ban đêm và cuối cùng bệnh nhân vẫn phải mang kính khi đọc sách.
Phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu để phát hiện sớm tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) ở trẻ như: trẻ thường nheo mắt khi nhìn, mắt có vẻ bị lé ngoài (tròng mắt chạy ra ngoài phía thái dương), lé trong (tròng mắt chạy vào phía trong sống mũi). Đưa trẻ đi kiểm tra thị lực hằng năm nhằm phát hiện và mang kính để giúp thị giác hoạt động trong điều kiện tối ưu nhất, tránh được nhược thị (mắt không nhìn rõ vật nên không hình thành phản xạ dẫn truyền thị giác, không còn chức năng nhìn - dù mắt không có tổn thương gì). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận