Phóng to |
Bàn ghế không phù hợp đã làm học sinh Trường tiểu học Bình Minh (Hà Nội) phải nhón cao người khi ngồi - Ảnh: Việt Thanh |
Phụ huynh có thể lựa chọn bàn ghế học tập cho con em mình theo tiêu chuẩn: - Chọn bàn học nghiêng hoặc có thể điều chỉnh nghiêng được khoảng 15O; - Chiều cao từ mặt ghế lên mép bàn chỉ nên đủ cao dưới khuỷu tay của trẻ giúp trẻ dễ dàng thả lỏng cơ thể, không cần đến sự cố gắng của các cơ; - Chiều sâu của mặt ghế 2/3 và <3/4 chiều dài của mông để nếu trẻ ngồi sâu vào phía trong tựa lưng cũng không chạm bắp chân vào ghế gây co cứng; - Chiều cao của ghế không nên quá cao; - Phần tựa lưng của ghế nằm dưới mỏm xương bả vai. Theo TS Lê Anh Dũng, quy chuẩn chọn lựa này có thể áp dụng phù hợp cho cả các công việc của người lớn nhằm hạn chế các bệnh lý liên quan đến “hội chứng nhà cao tầng” như đau mỏi xương khớp, thoái hóa đốt sống... mà “dân văn phòng” vẫn thường than phiền. |
Hệ thống bàn ghế liền nhau với cấu trúc bàn theo mặt phẳng thực tế nằm trong tiêu chuẩn thiết kế về nội thất trong trường học của Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành từ năm 1990. Trước đó, từ năm 1975 đến những năm 1980, hệ thống bàn học của VN được thiết kế theo kiểu bàn nghiêng.
Song trong chiến dịch “đổi mới phương pháp học tập”, chuyển từ học tập thụ động sang học tập tích cực, với chủ điểm nêu cao “tinh thần học nhóm”, Bộ Giáo dục - đào tạo quyết định thiết kế bàn phẳng.
“Bạn đồng hành” của cận thị, cong vẹo cột sống
Trong đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo bàn ghế học sinh tiểu học Hà Nội vừa được nghiệm thu xuất sắc, TS Lê Anh Dũng - giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị trường học VN - đã chỉ rõ những bất cập của thiết kế bàn phẳng thiếu khoa học này.
Về nguyên tắc, mắt luôn hướng đến tiêu điểm là trang giấy. Người ngồi thẳng và đọc sách để trên một mặt phẳng nghiêng là hợp chuẩn. Trường hợp sách vở phải để trên mặt phẳng tất yếu học sinh phải cúi thấp. “Phải cúi xuống đọc trên một mặt phẳng lâu dài sẽ dẫn đến tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ vận động” - TS Dũng khẳng định.
Sau quyết định đổi mới của ngành giáo dục năm 1990, đến năm 2000 Bộ Y tế ban hành quy định về vệ sinh trường học kèm theo quyết định 1221, trong đó có quy định chiều cao bàn ghế, nhưng chỉ giới hạn thiết kế phù hợp với chiều cao cơ thể từ 1-1,55m trở lên.
Đến năm 2005, Bộ Khoa học - công nghệ ban hành tiêu chuẩn TCVN 7490: 2005 và TCVN 7491: 2005 về kích thước theo chỉ số nhân trắc học sinh và bố trí bàn ghế học sinh đã rút xuống tiêu chuẩn chiều cao phù hợp hơn.
Bản thân ngành giáo dục, sau năm năm có “tiêu chuẩn VN” vẫn loay hoay chưa thể tự “dựng khung” cho thiết kế bàn học trong trường học! Chính vì thế, mới phổ biến chuyện một học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 vẫn “kiên trì” ngồi một bộ bàn ghế, mặc kệ tốc độ phát triển của cơ thể. Ngay cả phụ huynh muốn chọn cho con em mình một bộ bàn ghế để học ở nhà cũng rơi vào thế bí vì không có chuẩn, dù chủng loại sản phẩm bàn ghế trên thị trường rất đa dạng.
Xoay người cũng khó!
Hầu hết trường học ở Hà Nội vẫn sử dụng bàn học thiết kế phẳng và liền với ghế. Học sinh lúc viết và đọc, đầu đều gục xuống. Nhiều giáo viên và phụ huynh nghĩ là bàn thấp nên con em họ phải cúi xuống, nhưng khi bàn cao thì trẻ càng gục đầu sát hơn. PGS.TS Trần Văn Chương - giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng chính tư thế “gục đầu để học” của trẻ khiến cột sống cổ C5, C6 bị chèn ép, làm tổn thương dây thần kinh, có thể gây rối loạn chức năng của các cơ quan hệ vận động.
Nghiên cứu về bệnh cong vẹo cột sống ở học sinh phổ thông Hà Nội (trên 16.000 học sinh) của Đại học Y Hà Nội cho thấy tỉ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống chiếm đến 1/5. Theo TS Lê Anh Tuấn - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tỉ lệ cận thị trong học sinh thủ đô cũng tăng không ngừng, với số liệu thống kê năm 2010 là 20-35% số học sinh nội thành phải đeo kính vì cận thị.
Bà Nguyễn Thị Bích Dung, hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Mỗ (Hà Nội), chia sẻ: “Hệ thống bàn ghế được đầu tư mới sau này có vẻ dễ di chuyển hơn, chỉ dành cho hai người ngồi vẫn gây khó khăn cho học sinh trong học tập. Các em không thể tự xoay người xuống bàn dưới để thảo luận học nhóm vì vướng thành ghế, không có chỗ để cặp sách. Chưa kể vì bàn ghế liền và cố định, phù hợp với em này lại không phù hợp với em kia dẫn đến sự mất cân đối trong tư thế ngồi”. Khó có thể tin ngay tại Hà Nội, hệ thống bàn ghế liền nhiều chỗ lạc hậu và cũ kỹ, tồn tại từ năm 1990 vẫn chiếm đến 14%!
Nhiều phụ huynh đã trang bị cho con cái “thiết bị chống cận”, nhưng theo bác sĩ Đỗ Như Hơn - Bệnh viện Mắt T.Ư, “thiết bị chống cận “ép” tư thế ngồi của học sinh cố định chính xác khoảng cách giữa mắt và mặt bàn là không khoa học. Mắt cần điều tiết, cơ thể cũng cần thay đổi tư thế khi làm việc lâu, viết nhiều, nếu cố định, máu không lưu thông rất khó chịu. Mấu chốt vấn đề vẫn là bàn phẳng khiến trẻ phải cúi xuống, khoảng cách mặt không chuẩn, rồi ánh sáng phòng học không đủ tiêu chuẩn”.
Năng lượng sẽ hao phí 22-46% Khảo sát 21 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội (trên 300 lớp), vừa được Công ty cổ phần Thiết bị trường học VN công bố vào tháng 7-2010, chỉ có 6% số lớp học đạt thông số kích thước độ chênh lệch giữa bàn và ghế phù hợp với TCVN 7490. Theo tiêu chuẩn, với tiểu học, độ chênh này chỉ giới hạn từ 19-23cm, nhưng thực tế đa số bàn ghế chênh 22-28cm, thậm chí 30cm. Các chuyên gia y tế học đường cũng cho rằng tư thế ngồi có tính ổn định cao, cơ bắp ít phải cố gắng, song người ngồi nhanh chóng bị mệt nếu ghế ngồi không thuận tiện. Khi chiều cao ghế ngồi không phù hợp với kích thước cơ thể thì năng lượng sẽ tốn hơn 22%, còn khi ngồi gập quá mức, mức tiêu thụ năng lượng phí hoài lên đến 46%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận