01/04/2010 02:04 GMT+7

Bệnh mùa nóng ở trẻ em

(Nhiều bạn đọc)
(Nhiều bạn đọc)

TT * Xin cho biết những bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa nắng nóng, triệu chứng và cách phòng ngừa?

- Thời tiết nắng nóng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, siêu vi khuẩn cũng như ký sinh trùng phát triển... Cơ thể trẻ nhỏ rất mong manh dễ dàng bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Dưới đây là những bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa nắng nóng:

1. Ngộ độc thức ăn

Đứng đầu trong các bệnh thường gặp ở trẻ về mùa nắng:

* Làm sao biết trẻ bị ngộ độc thức ăn?

- Trẻ ói nhiều lần sau khi ăn thức ăn nhiễm khuẩn (từ 4-12 giờ).

- Đau bụng, trẻ lớn có thể ôm bụng khóc, rên la; trẻ nhỏ quấy khóc liên tục, không chịu bú.

- Trẻ có thể sốt rất cao hoặc sốt vừa.

- Trẻ có thể tiêu chảy sau đó vài giờ.

* Bạn sẽ làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn?

- Nếu trẻ ói nhiều không thể uống được, hoặc sốt cao, hoặc tiêu chảy xối xả, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đánh giá mức độ mất nước và quyết định đường bù nước cho trẻ.

- Nếu trẻ tỉnh táo, chỉ ói một vài lần và tiêu chảy vài lần, không sốt, đi tiểu được, bạn có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước, uống dung dịch Oresol.

* Cách phòng ngừa ngộ độc thức ăn:

- Cho trẻ ăn thức ăn tươi, nấu chín. Nấu xong phải cho trẻ ăn ngay, không nên để thức ăn ở nhiệt độ thường quá 4 giờ vì có thể nhiễm khuẩn. Thức ăn đã nấu nên bảo quản trong tủ lạnh trong ngày và phải hâm thật sôi mới cho trẻ ăn.

- Tập thói quen rửa tay trước khi chuẩn bị bữa ăn cho trẻ và sau khi thay tã cho trẻ. Nên hướng dẫn trẻ lớn rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

2. Say nắng

Do trẻ ham chơi, phơi người dưới ánh nắng mặt trời quá lâu, cha mẹ có thể nhận biết dấu hiệu say nắng ở trẻ:

- Mặt và toàn thân đỏ ửng, sốt cao, mệt mỏi, lờ đờ; nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, yếu; trường hợp nặng có thể co giật, hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng.

* Làm gì khi trẻ bị say nắng?

- Đưa trẻ vào trong phòng thoáng mát ngay, có thể mở máy điều hòa 26-27OC.

- Cởi ngay quần áo trẻ.

- Dùng khăn nhúng nước mát lau mặt, lau toàn thân cho trẻ.

- Nếu trẻ sốt cao cho trẻ uống Paracetamol liều 15mg/kg cân nặng. Liều này có thể lặp lại sau 6 giờ nếu trẻ còn sốt.

- Cho trẻ uống nhiều nước, nước chín, nước trái cây.

- Nếu trẻ vẫn sốt cao và lừ đừ hay co giật nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

* Phòng ngừa:

- Không nên cho trẻ chơi ngoài trời khi nắng gắt (10g-15g).

- Không nên cho trẻ di chuyển bằng xe máy quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.

- Thường xuyên nhắc nhở trẻ uống nước, đội nón khi tan trường hoặc đi học giờ trưa.

(Nhiều bạn đọc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên