16/04/2008 01:37 GMT+7

Tiền là thủ phạm lây lan tiêu chảy cấp?

BS LÊ ĐÌNH PHƯƠNG (BV FV)
BS LÊ ĐÌNH PHƯƠNG (BV FV)

TT - Sao không khuyên người dân một cách đơn giản: rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thay vì vắt óc tìm cách khử khuẩn trên số tiền mặt khổng lồ đang lưu thông như TS Trần Đáng, cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, băn khoăn?

p7XjIanQ.jpgPhóng to
Khơi thông dòng chảy của hệ thống thoát nước tại tổ 14A, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, nơi xuất hiện bệnh nhân tả đầu tiên ở TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Báo chí dẫn lời TS Trần Đáng, xác nhận gần 100 mẫu tiền mà cục lấy ngẫu nhiên đều nhiễm khuẩn Escherichia coli (E.coli) rất cao. Theo lời TS Đáng, "kết quả xét nghiệm các mẫu tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng lấy từ các quán ăn đường phố thì 100% bị nhiễm khuẩn E.coli. Trong khi đó, các loại tiền mệnh giá lớn hơn như 5.000 đồng nhiễm 94%, 10.000 đồng nhiễm 86%, hai loại tiền mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng nhiễm khuẩn E.coli đều ở mức lần lượt là 65-70%".

Từ những số liệu này, TS Đáng kết luận: "Nếu như không kiểm soát được lượng tiền nhiễm khuẩn E.coli lưu thông thì nguy cơ mang mầm bệnh, chủ yếu là ảnh hưởng về đường tiêu hóa, sẽ lây lan cao. Đặc biệt là tiền ở các chợ, các cơ sở dịch vụ thực phẩm vỉa hè, lề đường".

Không do... tiền

Tính xác thực của các số liệu là đúng tuyệt đối, nếu như người ta biết rằng vi khuẩn E.coli, cùng với bảy vi khuẩn khác (Klebsiella, Proteus, Enterobacter, Serratia, Citrobacter, Morganella, Providencia, Edwardsiella) là những vi khuẩn thường trú, cộng sinh ở người và động vật. Trên người khỏe mạnh, E.coli là trực khuẩn gram âm vi trùng chủ đạo thường trú ở đường tiêu hóa và không gây bệnh.

Chỉ trong một số điều kiện nhất định với một vài á chủng nhất định, vi khuẩn E.coli mới có thể gây tiêu chảy. E.coli chưa bao giờ được ghi nhận là thủ phạm chính của bệnh tiêu chảy vì chỉ có khoảng 4% người bị nhiễm E.coli bị tiêu chảy mà thôi. Điều này giúp giải thích chứng tiêu chảy không phải là hậu quả tất yếu với thói quen xài tiền. Xét về mặt vi trùng học, không có đồng tiền nào là sạch, trừ phi nó được in ấn và lưu thông trong một môi trường vô trùng tuyệt đối như phòng mổ.

Đánh đồng hai bệnh

Người ta cũng tuyên bố: "Rau sống tại các nhà hàng được kiểm đều có vi khuẩn coliform, E.coli, Cl.perfringens, Staph.aureus với mật độ 50-500 vi khuẩn trong 1 gam rau. Điều đó chứng tỏ rau sống bị nhiễm phân đã lâu và mới nhiễm. Một số mẫu rau sống cũng có phát hiện vi khuẩn tả”.

Đọc những dòng tin trên, người ta có thể hiểu lầm rằng đây là những vi khuẩn dẫn đến bệnh tả.Phải xác định ngay các vi khuẩn nói trên không phải là Vibrio cholerae, thủ phạm duy nhất của bệnh tả. Việc phát hiện các vi khuẩn này với tỉ lệ cao trong thực phẩm, tiền như các công bố gần đây nhất của Bộ Y tế, có thể giúp ích cho việc đánh đồng cái gọi là "hội chứng tiêu chảy cấp" - vốn do nhiều nguyên nhân - và bệnh tả - chỉ do vi khuẩn V. cholerae.

Sự có mặt của các vi khuẩn này trong rau cải hay nước là tín hiệu cho thấy thực phẩm có thể bị phơi nhiễm khuẩn. Nhưng phơi nhiễm khuẩn không có nghĩa là nguyên nhân gây bệnh tả, bởi vì độ phơi nhiễm phải cao mới có khả năng gây bệnh. Đồng thời, các vi khuẩn dạng coliform này là các vi khuẩn cộng sinh, có thể hiện diện trong đất, da, nước ao hồ, rau cải... Ngay cả ở Mỹ cũng vậy.

Phát sinh từ nước

Quay về với bệnh tả, được y học xếp vào nhóm bệnh "phát sinh từ nước", bệnh sẽ phát tán thành dịch tả qua đường nước uống, khi hội đủ một số điều kiện về dịch tễ sau đây:

- Có một số lớn người bệnh và người lành mang vi trùng tả trong cộng đồng.

- Những người này, vì nhiều lý do, thải phân của mình một cách bừa bãi ra môi trường xung quanh.

- Nguồn nước uống bị ô nhiễm trầm trọng và rộng khắp bởi vi trùng tả và được những người khác, qua việc uống nước này, nuốt vào bụng một số lượng lớn vi trùng. Nên nhớ tính chất acid cao (pH=2) của dịch vị trong dạ dày đã giúp tiêu diệt khá lớn lượng vi trùng. Điều này giúp giải thích vì sao các bệnh đường ruột, trong đó có dịch tả thường phát tán vào mùa nắng nóng, khi người ta phải uống nước nhiều hơn.

Trên cơ sở này, việc phát hiện phẩy khuẩn tả ở hồ Linh Quang tại Hà Nội là không ngoài những hiểu biết kinh điển về dịch tễ học của bệnh tả. Điều ngạc nhiên ở đây là tại sao người ta không tiến đến phát hiện này sớm hơn, từ đợt dịch cuối năm trước.

Tuy nhiên, dịch tả không chỉ nổ ra ở những vùng dân cư cạnh hồ, mà đã lan tỏa khắp Hà Nội, ở những vị trí khá xa hồ Linh Quang. Dưới góc nhìn dịch tễ học, thủ phạm truyền bệnh vẫn là nguồn nước nhưng hoàn toàn không loại trừ được nguồn nước uống, chứ không phải chỉ mỗi cái hồ ao tù nước đọng. Nguồn nước uống có thể bị ô nhiễm ngay từ nhà máy, hệ thống ống dẫn, mạch nước ngầm... Phải truy tìm theo hướng này, chứ không chỉ tập trung làm sạch hồ Linh Quang mà bỏ qua các nguồn nước khác.

Do đó, không nên mất thời gian và phân tán dư luận bằng việc mở rộng nguyên nhân và danh sách các thủ phạm gây "tiêu chảy cấp nguy hiểm". Nguyên nhân của bệnh tả rất hẹp (chỉ do vi trùng tả) nhưng đường lây thì rất rộng, qua tất cả thực phẩm, nước uống kém vệ sinh, không được nấu chín. Không cứ chỉ thịt chó, mắm tôm và sáu loại thực phẩm mà Bộ Y tế "khuyên không nên dùng".

BS LÊ ĐÌNH PHƯƠNG (BV FV)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên