10/10/2007 01:36 GMT+7

Ra khỏi cơn mê

BS.TS TRẦN TUẤN
BS.TS TRẦN TUẤN

TT - Có gì đó nằm trong cái làm nên “sự thờ ơ khủng khiếp” (silent scandal) của xã hội đối với chăm sóc sức khỏe tâm thần khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung vận hành lệch lạc.

OXHR0p1M.jpgPhóng to
Bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, Đồng Nai, học vẽ - một liệu pháp giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng - Ảnh: Thành Nam
TT - Có gì đó nằm trong cái làm nên “sự thờ ơ khủng khiếp” (silent scandal) của xã hội đối với chăm sóc sức khỏe tâm thần khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung vận hành lệch lạc.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Lancet, tờ báo khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực y học và y tế công cộng trên thế giới, đưa ra loạt bài hồi đầu tháng chín đề cập đến gánh nặng bệnh tâm thần đối với xã hội và thực tế đáng buồn về chăm sóc y tế trong những năm qua.

Theo Lancet, mỗi năm có tới 30% dân số thế giới bị rối nhiễu tâm trí (từ chung để chỉ mọi thể bệnh tâm thần - mental disorders), hầu hết không được phát hiện và chữa chạy, thực tế này lại xảy ra cả ở chính các nước giàu có. Chẳng hạn ở Mỹ, 31% dân chúng bị rối nhiễu tâm trí mỗi năm, 67% trong số họ không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Châu Âu: 27% có biểu hiện bệnh và 74% không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Tình hình ở các nước đang phát triển, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần còn kém phát triển hơn, thì tỉ lệ bệnh nhân không được phát hiện hoặc phát hiện mà không điều trị đúng còn cao hơn nhiều.

Xới lên chuyện cũ

Thật ra, những vấn đề Lancet đưa ra không hoàn toàn mới; họ chỉ lật lại, xới lên một vấn đề mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề cập trong bản báo cáo tình hình sức khỏe thế giới từ năm 2001. WHO xác định rõ tâm thần là loại bệnh phổ biến nhất, đứng đầu trong danh sách gánh nặng bệnh tật của con người, vượt trên cả HIV, các bệnh nhiễm trùng thông thường hay tim mạch.

Bệnh tâm thần ẩn giấu không được phát hiện làm tăng sự trầm trọng của bệnh tật khác, là nguyên nhân trực tiếp của nghèo đói. WHO cũng chỉ rõ phần lớn các bệnh tâm thần phổ biến có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, và việc phát hiện điều trị có thể làm tốt ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cụ thể hơn, WHO đưa ra mười khuyến cáo chung cho toàn thế giới giải quyết vấn đề này, trong đó có chỉ dẫn cụ thể cho từng nhóm nước cần tập trung vào giải quyết khuyến cáo nào trước.

Mặc dù vậy, thực tế những năm qua việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trên thế giới dường như cuốn theo chiều ngược lại. Hệ thống y tế trên thế giới đang hướng về phía củng cố hệ thống bệnh viện và lập mới các bệnh viện hiện đại. Các nhà tài trợ đổ tiền cho nghiên cứu đưa ra phương pháp, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị những bệnh xưa kia xem là nan y như u não, ung thư, thay bộ phận hỏng trong cơ thể, nối ghép tạng...

Đi song hành là hàng loạt máy móc hiện đại ra đời được các công ty trang bị cho các bệnh viện theo phương thức “dùng trước trả tiền sau” . Toàn cầu hóa thúc đẩy giao thương buôn bán, du lịch phát triển. Các nhà hoạch định chính sách y tế các nước bị cuốn theo những quan ngại về một đại dịch xảy ra về SARS, cúm H5N1... Đã bảy năm kể từ khi WHO khuyến cáo, chẳng nước nào có được mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở tuyến ban đầu như WHO đã chỉ dẫn.

Tác giả là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, trụ sở tại Hà Nội (www.rtccd.org.vn ), thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN. Tác giả sang công tác tại Đại học Melbourne, Úc, đi sâu về vấn đề thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần ở các nước đang phát triển.

Gáo nước lạnh

Loạt bài trên Lancet, 30% nhân loại có bệnh tâm thần và phần lớn không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, chẳng khác nào gáo nước lạnh giúp thế giới “ra khỏi cơn mê” nhìn nhận lại mục tiêu chăm sóc sức khỏe và sự vận hành của hệ thống y tế hiện nay.

Không chỉ đau ở gánh nặng xã hội đang mang và mất mát đưa lại về thể xác và tinh thần do việc không được phát hiện sớm và điều trị đúng, nỗi đau nằm ở tâm khảm những người có lương tri.

Vì sao thế giới tự nhận là văn minh này biết rõ mà không hành động? Vì sao ngay cả tại các nước giàu có, luôn nói đến nhân quyền, về quyền bình đẳng được chăm sóc sức khỏe của mọi người dân, lại để đến nỗi ba phần tư số người có bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng?

Khó mà đổ tại thiếu tiền hoặc thiếu kiến thức, nhất là đối với các nước Âu, Mỹ. Sẽ chẳng quá nếu gọi hệ thống chăm sóc sức khỏe trong thời gian qua bị rối nhiễu, bởi định nghĩa sức khỏe ai cũng hiểu là không thể thiếu chăm sóc sức khỏe tâm thần, và “sức khỏe cho mọi người” đã từng được quốc tế đặt thành mục tiêu thiên niên kỷ!

Trong y học, rối nhiễu chỉ trạng thái lệch lạc mất cân bằng, giai đoạn chớm bệnh còn điều chỉnh, chữa chạy được! Chỉ còn tám năm nữa đến kỳ đánh giá mục tiêu thiên niên kỷ (2001-2015). Lancet đã chọn đúng thời điểm, vào giữa chặng đường thực hiện, để nhắc nhở thế giới về một sự thất bại có thể phòng tránh được.Cái thiếu cho thế giới lúc này phải chăng là một niềm tin vững chắc để làm chỗ dựa cho hành động điều chỉnh hệ thống.

BS.TS TRẦN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên