20/10/2010 15:26 GMT+7

Trường hợp nào được xem là tai nạn lao động?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành

TTO - * Ngày 26-9-2010, khi công nhân A đang trực ca vận hành thì nhận được tin báo (qua điện thoại) trạm điện biến áp thanh long (trụ 41, tuyến 477.5A2) M. đã mất điện.

Đến 14g cùng ngày, hai công nhân A và B đến trạm điện biến áp thanh long M. xem xét hiện trường, sau khi kiểm tra thì đúng là trạm biến áp này đã mất điện và hẹn ngày hôm sau (27-9) sẽ tiến hành sửa vì phải báo cáo lãnh đạo trạm và xin ý kiến theo quy chế của trạm.

Sau đó hai công nhân ra về. Đi được khoảng 100m, A nói trạm bị mất điện mấy ngày, nếu không sửa chữa thì thanh long sẽ không kịp ra trái và cả hai quyết định trèo lên trụ sửa chữa mà không báo về tổ điện để xin ý kiến lãnh đạo, không thực hiện các thủ tục đăng ký làm việc, không có phiếu công tác, phiếu thao tác... để cắt FCO.

B nói điện hạ thế vẫn còn và bảo A đứng yên đó để đi cắt điện rồi sửa chữa. Tuy nhiên khi B quay lưng đi, A tiếp tục trèo lên trụ vượt qua dây hạ thế và bị rơi xuống đất. B quay lại tiến hành cấp cứu ban đầu và đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng nạn nhân đã chết trước khi vào bệnh viện. Như vậy, trường hợp tai nạn của công nhân A có phải là tai nạn lao động hay không?

(Một bạn đọc)

- Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với thực hiện công việc nhiệm vụ lao động.

Khoản 1, 2 Phần II Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18-4-2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao đông, bệnh nghề nghiệp quy định như sau:

Tai nạn lao động: là tai nạn xảy ra do tác động bởi các yếu tố, nguy hiểm độc hại trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong gắn liền với thực hiện công việc nhiệm vụ lao động (kể cả thời gian giải quyết các nhu cầu cần thiết trong thời gian làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc) kể cả trường hợp do lỗi trực tiếp của người lao động theo kết luận của Biên bản điều tra tai nạn lao động.

Tai nạn cũng được coi là tai nạn lao động: là tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở hoặc tai nạn do những nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp rủi ro khác gắn liền với thực hiện các công việc nhiệm vụ lao động hoặc không xác định được người gây ra tai nạn xảy ra tại nơi làm việc.

Vậy chiếu theo các quy định pháp luật nêu trên thì đối với trường hợp tai nạn của công nhân A được xem là tai nạn lao động.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên