04/11/2011 15:26 GMT+7

Người mẹ cao cả

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Bà là mẹ của nạn nhân, nhưng mọi người cứ tưởng là mẹ của thủ phạm khi đã mấy lần cầu xin tòa giảm án cho kẻ đã giết con trai duy nhất của mình.

AtPUi7xx.jpgPhóng to

Mẹ nạn nhân C.V.D. (giữa) và mẹ bị cáo Đặng Phi Trường trong sân tòa - Ảnh: T.L.

Phòng xử C phiên tòa sơ thẩm TAND TP.HCM hôm ấy có rất nhiều thanh thiếu niên tham dự. Ngồi giữa những cậu trai tóc xanh tóc đỏ là hai người phụ nữ. Một người cúi gằm với khuôn mặt đờ đẫn vô hồn. Người còn lại sụt sùi kéo tay áo lau dòng nước mắt không ngớt tuôn rơi. Đó là hai người mẹ của bị cáo và nạn nhân trong vụ án này.

Vụ án rất đơn giản: hai nhóm thanh niên gặp nhau trong quán karaoke, chỉ vì “nhìn mặt nhau thấy ghét” mà xông vào đánh nhau. Chỉ đến khi Đặng Phi Trường đâm ba nhát dao làm C.V.D. gục chết tại chỗ thì cả hai nhóm mới dừng ẩu đả.

Lời cầu xin bất ngờ

"Tôi nghĩ phải xem mặt mũi thằng hung ác thế nào mà giết chết con tôi, tôi giận tới mức nghĩ sẽ giết chết nó để đền mạng cho con mình. Nhưng tới đây nhìn bị cáo còn quá nhỏ tuổi mà tôi như đứt từng khúc ruột!"

Mẹ của nạn nhân C.V.D.

Mẹ của nạn nhân, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, ủy quyền cho người cháu ruột tham gia phiên tòa. Bà bảo “sợ mình sức khỏe yếu, sẽ ngất xỉu khi nhắc lại cái chết của con trai”. Suốt phiên tòa, người mẹ ấy chỉ ngồi yên mà khóc. Người cháu đại diện gia đình bị hại chỉ xin tòa xử đúng người đúng tội để có tác dụng răn đe lớp trẻ đang ngày càng dễ bị suy đồi đạo đức.

Tòa vừa tuyên bố nghị án thì bà Nga xin phát biểu. Bà vừa khóc vừa nói giọng lạc đi vì nước mắt: “Đứa con tôi mang nặng đẻ đau, đứa con tôi đi lượm ve chai để nuôi ăn học từng ngày với tất cả hi vọng giờ không còn trên đời này nữa. Con tôi mới ra trường, làm kỹ sư hóa chất được ba tháng. Lần gần nhất về nhà nó còn dự định học lên thạc sĩ rồi xin vào nhà máy đường làm để kiếm tiền nuôi mẹ. Thế mà con tôi phải chết oan vì mấy nhát dao của kẻ say rượu.

Vậy mà gia đình tôi chưa hề nhận được lời thăm hỏi của gia đình bị cáo. Tôi nghĩ phải xem mặt mũi thằng hung ác thế nào mà giết chết con tôi, tôi giận tới mức nghĩ sẽ giết chết nó để đền mạng cho con mình. Nhưng tới đây nhìn bị cáo còn quá nhỏ tuổi mà tôi như đứt từng khúc ruột! Nó cũng trắng trẻo, cao to như con tôi. Mẹ bị cáo có đền bù cho gia đình tôi một tỉ hay vạn tỉ thì con tôi cũng không sống lại được nữa. Tòa có xử mức án thế nào cũng không bao giờ trả lại được con cho tôi. Vì thế xin tòa giảm án để cháu sớm được làm lại từ đầu”.

Cả phòng xử án lặng đi vì những lời nói quá đỗi vị tha của bà dành cho kẻ đã đâm chết con trai mình. Bị cáo từ đầu phiên tòa chỉ dùng những từ “vì uống rượu” hay “vô tình làm nạn nhân chết” giờ đang cúi đầu khóc. Những giọt nước mắt muộn màng ấy không giúp bị cáo thoát khỏi bản án tù chung thân cho hai tội giết người và gây rối trật tự công cộng.

Tòa vừa tuyên án, bà Nga lại òa khóc, lại vội vàng đứng dậy “xin tòa hãy xử cháu từ năm năm đến mười năm tù thôi để cháu làm lại cuộc đời”. Nếu không theo dõi phiên tòa từ đầu, người ta cứ ngỡ người nói câu đó là mẹ bị cáo chứ không phải mẹ nạn nhân - người vừa mất đứa con trai duy nhất.

Rời phòng xử án, hai người phụ nữ - người là mẹ nạn nhân, người là mẹ bị cáo - ngồi bệt ở sân tòa mà khóc. Họ xin số điện thoại, ghi địa chỉ nhà rồi hẹn ngày gặp lại nhau ở Tây nguyên.

Lầm lũi đi về

Tôi gặp lại bà Phạm Thị Thanh, mẹ bị cáo Trường, trong sân TAND TP.HCM khi bà đang tất tả đi nộp đơn kháng cáo cho con. Khuôn mặt người mẹ ấy đầy những vết nắng cháy, đen sạm. Chồng ốm yếu, một mình bà ngược xuôi chạy vay tiền, đi về từ Đắk Nông - TP.HCM, rồi qua Gia Lai gặp gia đình nạn nhân để xin giấy bãi nại, lo đủ giấy tờ kháng cáo.

Bà bảo: “Con tôi trước giờ là đứa thương bố mẹ, hiền lành, cả xóm ai cũng quý. Rồi nó bắt đầu hay uống rượu. Con xin đi Sài Gòn làm phụ hồ được vài tháng thì tôi chết đứng khi nhận tin nó đi tù vì tội giết người. Trước giờ nó là đứa con ngoan, một con gà cũng không dám cắt tiết thì làm sao có thể giết người. Tôi lặn lội từ Đắk Nông thăm con mà không được gặp mặt. Gia đình nạn nhân có trách móc bao nhiêu tôi cũng cắn răng chịu, vì con mình dù ở tù nhưng vẫn còn được sống, nhà người ta mất con còn đau gấp bội lần...”.

Có lẽ ở trại giam Chí Hòa, Đặng Phi Trường không biết mẹ mình phải bán đi 9 sào đất, tài sản duy nhất của gia đình, để lấy tiền khắc phục hậu quả mà Trường đã gây nên. Trường không biết mẹ mình đã ngất xỉu ngay trên rẫy cà phê khi hay tin cậu giết người. Trường không biết cả năm qua mẹ cậu ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai vì xấu hổ với tội ác của con, bà chỉ lầm lũi đi làm mướn, lầm lũi về nhà. Không còn nhà để ở, không còn đất để làm, vợ chồng bà Thanh phải ở thuê, làm mướn kiếm tiền đi thăm nuôi Trường mỗi tháng. Rồi chạy vạy vay từng đồng, từng cắc lãi nóng để đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Trong câu chuyện đầy nước mắt của mình, khuôn mặt bà Thanh chợt giãn ra khi nhắc đến gia đình nạn nhân: “Cũng may cho chúng tôi, nhà người ta có đức lắm. Tòa xử gia đình tôi phải đền cho nhà chị Nga hơn 100 triệu đồng, tôi đưa chưa đầy một nửa chị ấy cũng viết giấy bãi nại, rồi làm đơn xin giảm án, xin kháng cáo cho Trường. Chị Nga phải mướn nhà ở Gia Lai, cũng phải vay lãi nóng để lo đám tang cho con. Giờ tôi gắng vay mượn thêm, làm thuê làm mướn mỗi tháng gửi chị ấy một ít để trả tiền lãi dù chị chẳng đòi hỏi gì thêm”.

Nói qua điện thoại với chúng tôi, bà Nga bảo chỉ mong Trường được giảm án “vì nó còn quá trẻ, phải làm lại cuộc đời”. Từ sau khi con mất, bà Nga không còn đủ sức khỏe để đi lượm ve chai hay buôn bán rau ngoài chợ kiếm tiền nuôi hai con gái đang học ở Sài Gòn. Bà bảo giờ chỉ mong có tiền, có sức khỏe để đi Đắk Nông thăm gia đình Trường theo lời mời của mẹ Trường.

Tội ác và mất mát chỉ có thể xoa dịu được bằng tình thương và sự chia sẻ. Những câu chuyện đầy ắp tình người như thế đã xua đi sự nặng nề, u ám ở chốn pháp đình vốn rất nhiều vụ án tranh chấp, kiện tụng, giết người...

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên