''Chưa gặp bao giờ'' nên ''thỉnh thị''?
Cụ Nguyễn Văn Mão ở xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội và vợ là cụ Nguyễn Thị Ty có 4 con là các ông, bà Vũ Quốc Thìn, Vũ Thị Bé, Vũ Văn Diệp và Vũ Thị Tiệp. Sau khi cụ Ty mất, cụ Mão tái hôn với cụ Trịnh Thị Thân, sinh được ông Vũ Văn Hoà. Khi cụ Mão lấy cụ Thân thì 3 con lớn đã trưởng thành (ông Thìn, bà Bé đã có gia đình riêng) còn bà Tiệp lúc đó còn nhỏ nên sống chung với cha, được cụ Thân chăm sóc, nuôi dưỡng như con đẻ.
Chuyện bắt đầu cuối năm 2003, khi bà Tiệp có đơn yêu cầu Toà án chia thừa kế phần di sản (gồm hơn 600m2 đất tại xã Cổ Bi, Gia Lâm) của cụ Thân hiện do ông Hoà quản lý và sử dụng. Bà Tiệp cho rằng sau khi lớn và đi lấy chồng (ở thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) nhưng bà vẫn luôn chăm sóc, phụng dưỡng cụ Thân đầy đủ, chu đáo, do vậy, bà có quyền hưởng di sản thừa kế của cụ Thân theo Điều 682 Bộ luật dân sự.
Tuy nhiên, việc bà Tiệp có chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Thân hay không thì chưa... rõ vì thực tế cụ Thân chỉ sống với ông Hoà còn bà Tiệp đã đi lấy chồng xa.
Đối chiếu với quy định tại Điều 682 Bộ luật dân sự, TAND huyện Gia Lâm nhận định đây là ''vấn đề rất khó đánh giá''. Lúc đầu, quan điểm của Toà là ''bác yêu cầu của bà Tiệp'' nhưng sau đó ''xét thấy đây là vấn đề mới'', ''chưa gặp bao giờ'' nên Toà này đã gửi ''Báo cáo thỉnh thị'' (do Chánh án Đặng Thị Bích Nga ký) lên TAND Hà Nội xin hướng chỉ đạo!
''Thăm nom'' và ''nuôi dưỡng'' là 2 việc khác nhau
Không rõ TAND TP. Hà Nội đã chỉ đạo thế nào, chỉ biết sau đó, phiên toà sơ thẩm ngày 24-8-2004 của TAND huyện Gia Lâm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tiệp và cho bà này hưởng 174m2 đất vốn thuộc quyền sở hữu của ông Hoà!
Như trên đã nói, chuyện bà Tiệp nuôi cụ Thân chỉ hoàn toàn là lời khai từ phía bà Tiệp nên sau khi thụ lý, để xác minh tính trung thực của lời khai đó, TAND huyện Gia Lâm đã lấy lời khai của các nhân chứng. Đây cũng là một vụ kiện chia thừa kế hy hữu bởi chứng cứ chủ yếu là lời khai của một số người liên quan.
Lúc đầu, biên bản xác minh do thẩm phán Nguyễn Thị Nguyệt lập, nhưng sau đó người thực hiện xác minh và làm chủ toạ phiên toà lại là thẩm phán Phùng Đắc Dân?! Cả hai thẩm phán của TAND huyện Gia Lâm đã lấy lời khai của các cụ Đào Thị Nước, Vũ Văn Bạch, của ông Đinh Văn Tần (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi), bà Trịnh Thị Hằng và ông Trịnh Văn Hường đều trú ở xã Cổ Bi. Hầu hết các nhân chứng trên đều khai rõ việc bà Tiệp được cụ Thân nuôi dưỡng cho đến lúc ra ở riêng. Những nhân chứng này còn khai họ chỉ nhìn thấy khi cụ Thân đau ốm, bà Tiệp có đôi lần về thăm chứ không khẳng định bà Tiệp đã nuôi dưỡng cụ Thân bởi thực tế, sau khi bà Tiệp đi lấy chồng, cụ Thân chỉ sống với ông Hoà và được vợ chồng ông Hoà trực tiếp nuôi dưỡng.
Thiết tưởng lời khai của các nhân chứng đã quá rõ ràng, đủ để toà án nhận định chính xác vụ viêc và đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý nhưng khi xử sơ thẩm, TAND huyện Gia Lâm lại ''phán'': ''Bà Tiệp quý mến thăm nom phụng dưỡng cụ Thân như mẹ đẻ'' do đó, đuợc quyền hưởng 1/2 di sản thừa kế mà cụ Thân để lại!
Ngay sau khi biết tin Toà lấy lại đất của cụ Thân (hiện đứng tên ông Hoà trong sổ địa chính xã) chi cho bà Tiệp, các nhân chứng đều rất bất bình. Họ không hiểu TAND Gia Lâm đã dựa vào căn cứ nào để cho rằng bà Tiệp là người có công nuôi dưỡng chính đối với cụ Thân trong khi tất cả các lời khai của họ đều khẳng định bà Tiệp chỉ đôi lần về thăm?
Thạc sĩ, thẩm phán Nguyễn Quang Lộc, Chánh văn phòng TANDTC cho biết: Nếu thấy vướng mắc về vấn đề tố tụng, đánh giá chứng cứ... Toà án cấp dưới có quyền làm văn bản xin ý kiến của toà án cấp trên để được hướng dẫn. Trong thẩm quyền của mình, nếu thấy có sự xung đột pháp luật hay mâu thuẫn trong văn bản áp dụng mà toà án cấp trên chưa hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa đầy đủ thì toà án cấp trên phải hướng dẫn cho toà án cấp dưới cách áp dụng pháp luật sao cho chuẩn xác nhất. Tuyệt đối, Toà án cấp trên không được phép ''chỉ đạo'' Toà cấp dưới phải xử như thế này hoặc như thế kia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận