19/07/2014 03:15 GMT+7

Sẽ không dễ "bán nhà trên giấy"

ĐÌNH DÂN - LÂM HOÀI
ĐÌNH DÂN - LÂM HOÀI

TT - Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản đã được xin ý kiến ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nhiều quy định mới nhằm siết lại vấn đề bán nhà hình thành trong tương lai (bán nhà trên giấy) vốn đang khiến nhiều người dân “sống dở chết dở”.

Mua nhà trên giấy: Khách hàng cầm dao đằng lưỡi
Có bảo lãnh mới được “bán nhà trên giấy”

Dự án chung cư Ngọc Phương Nam khởi động trở lại sau nhiều năm “đắp chiếu”. Một trong những lý do chủ đầu tư được tái khởi động dự án là khách hàng quay trở lại khi biết tiền của họ sẽ được chuyển vào một tài khoản đóng do Ngân hàng BIDV kiểm soát - Ảnh: Đình Dân

Thực tế vừa qua cho thấy hệ lụy của tình trạng trên đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện do nhiều khách hàng đã bỏ ra hàng tỉ đồng nhưng chưa biết khi nào mới được nhận nhà.

940 ngày mệt mỏi...

"Để kiểm soát dòng tiền của khách hàng đóng, tiền cần được chuyển thẳng vào tài khoản khóa do một ngân hàng hoặc một tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh và phong tỏa. Số tiền này chỉ được giải ngân vào mục đích thực hiện dự án và chịu sự giám sát của ngân hàng cùng đại diện khách hàng"

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

Đó là số ngày mà gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đi “đòi” nhà. Nhiều người trong gia đình bà gọi đó là những ngày uất ức vì bị chủ đầu tư bội tín. Hơn ba năm trước, ngày 20-6-2011, bà Hồng ký hợp đồng mua căn hộ B2.108 trị giá hơn 1,2 tỉ đồng của dự án chung cư Nhất Lan 3 do Công ty CP Đầu tư và xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng, phía BCCI cam kết giao nhà cho bà Hồng vào ngày 31-12-2011 nhưng đến nay khi đã chuyển cho chủ đầu tư gần 800 triệu đồng, bà Hồng vẫn chưa thể vào ở căn nhà mà mình đã bỏ tiền mua.

Chị Trương Thị Hồng Đào, người đại diện ủy quyền theo pháp luật của bà Hồng, bức xúc: “Suốt gần ba năm qua tôi đã phải nghỉ hẳn công việc ở công ty dược để theo hầu tòa giúp mẹ đòi nhà. Tòa sơ thẩm xử mẹ tôi thắng kiện và buộc chủ đầu tư phải trả lại tiền và tiền phạt, nhưng đến phiên phúc thẩm tòa lại một mực đề nghị gia đình tôi nhận nhà. Quá mệt mỏi, mẹ tôi chấp nhận tất cả nhưng sau phiên tòa chủ đầu tư lại bàn giao căn hộ nhếch nhác không thể vào ở được...”.

Trường hợp như bà Hồng ở TP.HCM và Hà Nội rất nhiều. Họ là các khách hàng mua căn hộ, thậm chí mua đất nền nhưng khi đóng tiền cho chủ đầu tư lại rơi vào tình trạng chờ đợi mỏi mòn. Cụ thể, tại dự án chung cư PetroVietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) do Công ty CP Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC Land làm chủ đầu tư, nhiều khách hàng đã bỏ tiền tỉ vào dự án này chỉ biết khoanh tay đứng nhìn những bức tường rêu xanh theo năm tháng. Từ tháng 8-2009 dự án này được Sở Xây dựng TP.HCM cấp quyết định phê duyệt dự án với quy mô hơn 19.000m2 bao gồm khối chung cư, khối văn phòng. Khi tiến hành dự án, chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng với trị giá căn hộ trên dưới 2 tỉ đồng. Đến nay đã có nhiều khách hàng đóng từ 70-100% giá trị căn hộ cho dự án này và theo hợp đồng chủ đầu tư đã chậm giao nhà cho khách hàng hơn hai năm nay.

Ngồi bệt giữa một đống hồ sơ kiện tụng chủ đầu tư tại Tòa án nhân dân Q.2, bà Trần Thị Châu Giang - một khách hàng mua nhà tại dự án này - nói rằng: “Tôi tiếc tiền tỉ đã bỏ vào dự án một mà bức xúc cách quản lý của cơ quan chức năng và ứng xử của chủ đầu tư mười”.

Tại Hà Nội, tình trạng cũng tương tự khi nhiều dự án chung cư bán nhà hình thành trong tương lai cũng đang đẩy khách hàng vào cảnh “tiền mất tật mang”. Chẳng hạn như dự án chung cư N03T1 khu ngoại giao đoàn Hà Nội (Xuân Đỉnh, H.Từ Liêm) do Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp làm chủ đầu tư. Dự án mở bán từ tháng 7-2011, cam kết tới cuối năm 2013 sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên, khi hạn bàn giao cận kề, dự án chỉ... xong phần móng! Và “đến nay sau hơn hai năm dự án chỉ mới thi công được vài tầng” - anh K., một khách hàng mua nhà dự án, ngao ngán nói.

Phải có bảo lãnh mới được thu tiền

Thực tế cũng có dự án sau khi rơi vào bế tắc đã khởi động trở lại sau khi có sự tham gia của bên thứ ba. Và đầu tháng 7-2014 vừa qua, dự án chung cư Ngọc Phương Nam do Công ty CP đầu tư - xây dựng An Điền làm chủ đầu tư đã được khởi công lại sau hai năm “trùm mền” vì chủ đầu tư cạn vốn. Ngoài lý do được Ngân hàng BIDV chi nhánh Bến Thành mua lại nợ và đồng ý tài trợ thêm vốn cho dự án thì việc khách hàng quay trở lại đóng tiền vào tài khoản phong tỏa đã làm dự án “hồi sinh”. Ông Đoàn Hữu Thuần, phó tổng giám đốc An Điền, cho biết: “Tài khoản này sẽ được Ngân hàng BIDV giải ngân trực tiếp qua nhà thầu, còn chủ đầu tư chúng tôi không còn trực tiếp cầm tiền mà chỉ quản lý về thi công xây dựng và tiến độ công trình”. Dự án Ngọc Phương Nam khởi công giữa năm 2009, đến năm 2011 khi đang đổ dở dang sàn tầng 9 thì bị ngưng.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng các quy định nhằm quản lý dòng tiền khách hàng đóng vào các dự án bất động sản là rất cần thiết. Điều này không chỉ kiểm soát chủ đầu tư sử dụng tiền đúng mục đích, đồng thời loại bỏ các chủ đầu tư làm ăn gian dối. “Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà thì cần siết lại vấn đề thời điểm huy động vốn và việc quản lý dòng vốn huy động từ khách hàng này trong dự thảo sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản” - ông Châu đề xuất. Đồng thời, phải có quy định chế tài đối với những chủ đầu tư sử dụng tiền của khách hàng sai mục đích.

Theo đại diện Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), luật sửa đổi lần này đã đưa ra quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai là nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư sử dụng không đúng tiền ứng trước của khách hàng. Cụ thể trường hợp muốn bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thì bắt buộc chủ đầu tư phải có bảo lãnh và việc bảo lãnh do chủ đầu tư và bên nhận bảo lãnh thỏa thuận. Như vậy, dự thảo luật không bắt buộc ngân hàng phải bảo lãnh và nếu chủ đầu tư không đủ uy tín, không thỏa thuận được với ngân hàng, không được ngân hàng bảo lãnh thì phải đầu tư xây dựng xong mới được bán (bán nhà ở có sẵn).

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang xem xét bổ sung vào dự thảo luật quy định trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng thì ngoài quy định về trách nhiệm phải trả số tiền ứng trước thì cần phải trả thêm các khoản tiền lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Khách hàng phải được đơn phương chấm dứt hợp đồng

Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), với các quy định hiện hành, trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng như thỏa thuận trong hợp đồng thì người mua phải yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại chứ không được đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Quy định như vậy là thiếu rõ ràng, dễ dẫn đến trường hợp chủ đầu tư chây lì không giao nhà cho khách hàng năm này qua năm khác. Do đó, để đảm bảo chắc chắn rằng chủ đầu tư sẽ sử dụng toàn bộ số tiền ứng trước của khách hàng vào dự án chung cư tương ứng, dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần quy định rõ nếu chủ đầu tư giao nhà không đúng thời hạn theo hợp đồng, người mua nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác.

ĐÌNH DÂN - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên