Ngày 12-5-2014, TAND thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) mở “phiên tòa đặc biệt”, trong đó năm bị cáo (độ tuổi từ 19-23, phạm tội hiếp dâm) và nạn nhân (19 tuổi) đều là người khuyết tật.
Cùng học tại Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị, sau khi ra trường họ sinh sống bằng nghề may và vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, thỉnh thoảng gặp nhau, cùng đi chơi.
Một đêm, sau chầu rượu, năm thanh niên bàn bạc rủ nạn nhân đi chơi. Không biết tai họa đang chờ mình, cô gái nhận lời và bị cả năm người bạn xâm hại dã man. Mẹ nạn nhân đổ bệnh. Chỉ có người cha gồng người lên, cùng con đến phiên tòa.
Sáng tinh mơ, từ lúc cổng tòa còn đóng, người thân của năm bị cáo đã đứng ngồi lố nhố phía ngoài. Lo lắng hằn in trên mặt những ông bố bà mẹ nông dân lam lũ.
Người nào người nấy hết nhìn vào phòng xét xử đang đóng cửa im lìm, lại ngóng ra con đường còn vắng người lại qua, bồn chồn chờ đợi chiếc xe bít bùng của công an chở con mình đến phiên tòa.
Từ xe tù xuống, cả năm bị cáo đưa mắt nháo nhác tìm cha mẹ. Cha mẹ cũng nháo nhác vội vã chen đến cạnh con. Những bàn tay rối rít ra dấu, xen lẫn tiếng ú ớ. Có bị cáo bật khóc. Cha mẹ, cô dì... cũng bật khóc. Không gian nhạt nhòa nước mắt.
"Tôi làm điều đó (xin giảm nhẹ hình phạt) không phải cho các bị cáo mà cho cha mẹ họ. Tấm lòng cha mẹ nào cũng giống nhau" Cha của nạn nhân |
Phiên tòa được xử kín. Ai có giấy triệu tập của tòa mới được tham dự. Vậy nên chỉ cha mẹ các bị cáo ở lại.
Chị của một bị cáo, tay dắt con nhỏ, tay kia thấm nước mắt, lủi thủi theo những người thân khác ra khỏi phòng xét xử.
Sau khi nghị án, tòa tuyên án công khai. Người thân chờ đợi phía ngoài cổng vội vã vào phòng xét xử, vây quanh các bị cáo. Gật. Lắc. Ú ớ. Mỗi lần nhìn các bị cáo ríu ríu ra dấu, bị hại lại giật mình sợ hãi, nép vào cha.
Liên tục trấn an con, vậy nhưng bản thân người cha lại nhiều lần gục mặt xuống bàn. Có lẽ trong tâm can ông là tột cùng cay đắng.
Không may phải chịu cảnh câm điếc thì chỉ người cùng cảnh ngộ là có thể hiểu nhau, cảm thông, chia sẻ bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt. Con gái ông và các bị cáo kia từng là bạn bè, chia sẻ những điều buồn vui. Vậy mà...
Ông kể từng là bộ đội đóng quân trên đất Lào. “Có những lần bị phỉ phục kích, biết nếu mình không bắn, họ sẽ bắn mình, nên chúng tôi ở trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Nhưng giương súng lên vẫn run tay vì nghĩ có thể một mạng sống sẽ mất. Vậy mà chứng kiến cảnh con gái hoảng loạn kéo dài, mẹ nó suy sụp tinh thần đổ bệnh, đã có lúc tôi muốn bắn chết cả năm hung thủ”.
Nhưng chính người cha phẫn uất này lại bao dung, xin giảm nhẹ hình phạt cho cả năm bị cáo. Ông nói: “Tôi làm điều đó không phải cho các bị cáo mà cho cha mẹ họ. Tấm lòng cha mẹ nào cũng giống nhau. Con gây ra tội lỗi, rồi phải ngồi tù, họ cũng rất đau khổ và cay đắng”.
Tòa công bố bản án. Các bị cáo dán mắt vào những bàn tay của hai cô giáo đang “phiên dịch”. 30 tháng tù dành cho một bị cáo. Bốn bị cáo còn lại, mỗi bị cáo 36 tháng tù về tội hiếp dâm... Có bị cáo cúi mặt, có bị cáo bật khóc.
Phiên tòa kết thúc. Năm bị cáo bị áp giải lên chiếc xe bít bùng. Cha mẹ các bị cáo bươn bả chạy theo. Những khuôn mặt méo xẹo ngoái lui. Những bàn tay cố gắng ra dấu trước khi cánh cửa đóng sập. Chiếc xe mất hút.
Trên sân tòa, chỉ còn những người cha, người mẹ ở lại, thiểu não. Một bà mẹ bật khóc: “Câm điếc vậy, không biết con tui phải làm sao khi ở trong tù?...”.
Cha nạn nhân lầm lũi dắt con ra khỏi phòng xét xử. Cô gái bíu chặt lưng áo cha. Dường như ngoài người cha, tất cả những gì xung quanh đều khiến em sợ hãi. Đến bao giờ em mới hết hoảng loạn vì tội lỗi khủng khiếp mà các bị cáo gây ra, để có thể trở lại cuộc sống bình thường? Gương mặt u uất của người cha như một dấu hỏi cay đắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận