22/05/2014 14:57 GMT+7

Đề nghị giảm án cho Dương Tự Trọng và 5 đồng phạm

 MINH QUANG
 MINH QUANG

TTO - Chiều 22-5, đại diện VKSND Tối cao đã kết luận, đề nghị Tòa phúc thẩm giảm án cho Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc công an Hải Phòng) và 5 đồng phạm trong vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.

Dương Chí Dũng khen em trai thật thà tại tòaDương Tự Trọng 18 năm tù, khởi tố vụ án lộ bí mật nhà nướcĐề nghị khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật công tác"

9RU3RNBd.jpgPhóng to
Bị cáo Dương Tự Trọng được công an dẫn giải đến tòa - Ảnh: Việt Dũng

Bà Phạm Thị Minh Yến, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, các bị cáo bị tuyên phạm tội “tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”.

Đại diện viện kiểm sát đã điểm lại, đánh giá toàn bộ quá trình phạm tội của các bị cáo, từ giai đoạn Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam) được “mật báo” sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam và lập kế hoạch bỏ trốn cho đến khi các bị cáo đưa Dương Chí Dũng sang Campuchia để xuất cảnh đi Mỹ nhưng không thành, sau đó phải về ẩn náu tại Campuchia. Đại diện viện kiểm sát đã đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án này.

VKS cho rằng hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động xuất nhập cảnh. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn tinh vi như dung sim rác, bí danh, thay đổi xe... Các bị cáo hoạt động theo sự chỉ đạo của chủ mưu là cán bộ cao cấp trong ngành công an.

Vụ án gây hậu quả nghiêm trọng bởi lẽ các bị cáo, đặc biệt Dương Tự Trọng đã biết Dương Chí Dũng đang bị khởi tố trong một vụ án tham nhũng lớn. Vụ án này được khởi tố từ đầu năm 2012, thanh tra cũng đã công bố những sai phạm. Mặc dù biết vậy nhưng các bị cáo vẫn tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn thoát sang Campuchia, gây tốn kém về việc điều tra, truy bắt; đồng thời gây ảnh hưởng đến dư luận, mất niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, ảnh hưởng đến uy tín lực lượng công an nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung.

Do đó, đại diện viện kiểm sát nhận định bản án của TAND TP Hà Nội truy tố các bị cáo theo khoản 3 là có căn cứ.

Trước đó, TAND TP Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm hôm 7 và 8-1-2014 xét xử 7 bị cáo trong vụ án về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Bản án tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên) 18 năm tù giam.

- Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hải Phòng) 13 năm tù giam

- Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng cảnh sát môi trường, Công an Hải Phòng) 5 năm tù giam.

- Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan Hải Phòng) 7 năm tù giam.

- Trần Văn Dũng (tức Dũng "Bắc Kạn") 8 năm tù giam.

- Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ PC45 Hải Phòng) 6 năm tù giam.

- Phạm Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng - Hải Phòng) 5 năm tù giam.

Về vai trò cá nhân, bị cáo Dương Tự Trọng giữ vai trò chủ mưu, là cán bộ công an, nhưng khi biết Dương Chí Dũng là anh trai bị khởi tố và có ý định trốn đi nước ngoài đã không xử lý đúng mà còn chỉ đạo các cấp dưới giúp đỡ Dương Chí Dũng đi trốn, chuẩn bị tiền cho Dương Chí Dũng ẩn náu tại nước ngoài.

Quá trình điều tra, tại phiên toà sơ thẩm bị cáo Trọng thể hiện sự ngoan cố nên HĐXX đã tuyên phạt 18 năm tù. Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo này đã ăn năn hối cải, nhận lỗi. Do đó, đại diện viện kiểm sát đồng ý đề nghị giảm án cho Dương Tự Trọng.

Đối với Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong, đều có vai trò trong việc tổ chức cho Dương Chí Dũng đi trốn sang Campuchia. Trong đó Trần Văn Dũng đưa Dương Chí Dũng sang Campuchia, đồng thời nhờ mối quan hệ để đóng dấu nhập cảnh cho Dương Chí Dũng để vào Phnompenh để đi Singapore.

Phong tham gia vào việc bàn bạc, tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn. Cả hai bị cáo đều có thân nhân xấu, Phong đang bị truy nã; Dũng có 2 tiền án. Do đó cần áp dụng mức phạt tù tương ứng. Tuy nhiên, hình phạt tù của bản án sơ thẩm có phần hơi nặng. Do đó cần xem xét giảm mức án cho hai bị cáo này.

Đối với Nguyễn Trọng Ánh, VKS xác định Ánh đã đưa điện thoại cho Dương Tự Trọng gọi cho các bị cáo khác đến để bàn bạc. Ngay tối 17-5, Ánh đã lái xe đưa các bị cáo đi Hà Nội để lo liệu... Đồng thời Ánh còn tham gia đưa Dương Chí Dũng vào TP Hồ Chí Minh, đi lên biên giới.

Do đó, bị cáo bị xác định tham gia vào hầu hết các công đoạn. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Ánh 6 năm tù nhưng nhận thấy bị cáo tham gia vào vụ án có phần nể nang. Do đó bản án sơ thẩm hơi nặng, cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.

Đối với Phạm Minh Tuấn: đã tham gia vào công đoạn đầu tiên và chỉ một công đoạn đó. VKS xét thấy mức hình phạt 5 năm tù đối với bị cáo có phần hơi nặng. Tuy nhiên, do tại phiên toà phúc thẩm bị cáo kêu oan, không nhận tội nên đại diện viện kiểm sát chỉ đánh giá bị cáo oan hay không oan chứ không xem xét giảm án.

Bị cáo Tuấn biết Dương Chí Dũng bỏ trốn ở nhiều điểm cũng như việc quan hệ thân thiết, biết công việc của Dương Chí Dũng và biết những sai phạm ở Vinalines đã bị điều tra; biết nhà Hoàng Kim Nhung và đi cùng Hoàng Văn Thắng, biết việc đưa Dương Chí Dũng đi trốn; việc đưa Dương Chí Dũng đi ở vào hoàn cảnh không bình thường... Bản án sơ thẩm xét xử Phạm Minh Tuấn đúng người, đúng tội, không oan.

Một số thiếu sót bản án sơ thẩm cần rút kinh nghiệm: một là việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với Phạm Minh Tuấn là không có cơ sở; hai là việc đánh giá vụ án có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại không áp dụng điều luật phù hợp.

Từ các phân tích trên, đại diện viện KSND tối cao tại phiên toà phúc thẩm đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh và giảm một phần hình phạt cho các bị cáo, bác kháng cáo của bị cáo Phạm Minh Tuấn.

7CYLMRr6.jpg
Các bị cáo nghe VKS đề nghị mức án - Ảnh: Minh Quang

Sau khi đại diện viện kiểm sát luận tội đối với các bị cáo, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo bắt đầu tiến hành tranh tụng.

 MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên