Phóng to |
Tiệm vàng Hoàng Mai bị công an Bình Thạnh kiểm tra, niêm phong 559 lượng vàng |
Không cần bắt quả tang, vẫn có thể khám xétNiêm phong 559 lượng vàng: Có dấu hiệu lạm quyền?Tiệm vàng bị niêm phong 559 lượng vàng tự ngưng kinh doanh
Một câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ trong những câu chuyện thường ngày của cuộc sống: 100 USD được bán cho tiệm vàng và sau đó là một cuộc khám xét toàn diện đối với tiệm vàng này, kết thúc bằng việc tạm giữ một số lượng lớn ngoại tệ và niêm phong 559 lượng vàng SJC có tại tiệm. Tất cả các "tang vật" vàng, USD bị tạm giữ trên là do tình nghi liên quan đến việc kinh doanh trái phép.
Sau khi chứng minh được 559 lượng vàng SJC chỉ là tài sản riêng của gia đình thì chủ tiệm vàng Hoàng Mai mới được cảnh sát giải tỏa niêm phong số vàng trên. Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là tin vui cho bà Mai và những người trong gia đình của bà.
Từ hành vi hành chính của công an quận Bình Thạnh và quyết định khám nơi cất giấu tang vật là chỗ ở (tiệm vàng Hoàng Mai) của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, nghĩ về nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật...
Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định "Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính"
Như vậy, luật pháp đã quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm, trách nhiệm chứng minh có vi phạm (để làm căn cứ xử lý) là của cơ quan công quyền, người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, mình không phạm tội (mà là có quyền chứng minh).
Trong khi luật không cấm người dân giữ vàng và ngoại tệ, thì vì sao toàn bộ số ngoại tệ và vàng có tại tiệm vàng Hoàng Mai, dù không liên quan đến giao dịch mua bán 100 USD mà vẫn bị niêm phong, tạm giữ? Là do tại thời điểm công an kiểm tra, chủ tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản trên, trong khi công an đang nghi ngờ tiệm vàng này có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh.
Làm sao người dân có thể chứng minh được nguồn gốc tài sản (tiền, vàng, ngoại tệ) cá nhân của mình theo yêu cầu của cơ quan điều tra? Luật nào buộc người dân cất giữ tài sản do cha mẹ người thân để lại, hoặc do tích góp từ mồ hôi nước mắt... lại phải lưu giữ kèm theo giấy tờ nào đó xác nhận rằng đây là tài sản hợp pháp?
Một lần nữa, vấn đề nguyên tắc suy đoán vô tội, người dân không buộc phải chứng minh mình vô tội, chứng minh mình không vi phạm lại được đặt ra - để không còn những sự việc tưởng chừng là quá nhỏ, nhưng hệ quả lại khôn lường.
Thay vì cơ quan công quyền phải chứng minh tài sản đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không để có thể đưa vào diện phải tạm giữ thì sao lại đẩy nghĩa vụ cho người dân phải chứng minh đó là tài sản hợp pháp của họ?
Đối với số ngoại tệ đang bị tạm giữ (không liên quan đến hành vi mua bán 100 USD) nên được trả lại ngay cho chủ sở hữu, vì không thể xem đó là tang vật của hành vi vi phạm hành chính (theo luật xử phạt vi phàm hành chính có hiệu lực từ 1-7-2013) để bị tạm giữ, trừ khi cơ quan công an, vào thời điểm lập biên bản tạm giữ đã có đủ bằng chứng chứng minh số ngọai tệ này là do mua bán trái phép mà có, để tránh một tiền lệ không hay là tạm giữ trước rồi mới đi chứng minh đó là tang vật.
Theo điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết, để xác minh mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt, tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính...
Thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần, uy tín và danh dự của chủ tiệm vàng Hoàng Mai với tư cách là một người dân và là chủ doanh nghiệp có lẽ là không nhỏ. Có ai nghĩ đến điều này giúp cho người dân, cho doanh nghiệp?
Luật khiếu nại quy định khi người dân có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì họ có quyền khiếu nại đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Và khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Quy định của luật đã có, nhưng làm sao để quyền và lợi ích hợp pháp của người dân luôn được pháp luật bảo vệ và được tôn trọng, luôn là câu hỏi nhức nhối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận