Xe hơn trăm tấn chạy trên quốc lộ 1Hàng trăm xe quá tải nối đuôi trên quốc lộ 20Tài xế cũng mong xử nghiêm xe quá tải
Phóng to |
“Xe hơn trăm tấn” án binh bất động tại Long An - Ảnh: Sơn Lâm |
Đồng thời phát hiện thêm xe chỉ được phép chở 38 tấn nhưng giấy phép lưu hành cho phép hơn 41 tấn và xe chở lên đến cả trăm tấn.
Ông Dương Mạnh Hưng, chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, cho biết: “Ngày 21-4, qua rà soát trên quốc lộ 1, quốc lộ 51 và các tuyến nhánh, lực lượng đã không tìm được chiếc xe đầu kéo 51C-17899 chở máy biến thế”. Ông Hưng cho hay ban đêm lực lượng thanh tra hầu hết tập trung làm ở trạm cân xe lưu động trên quốc lộ 51 và chặn xe trốn trạm ở khu vực huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Lực lượng cũng không phát hiện xe “khủng” đi qua quốc lộ 51. Nếu xe “khủng” đi từ quốc lộ 1 qua tỉnh lộ 769 để ra quốc lộ 51 có thể bị vướng trạm thu phí nên chỉ có thể lưu hành trên quốc lộ 1 qua trạm cân Dầu Giây.
Xe tiếp tục lọt trạm
Tuy nhiên, ông Phan Mậu Khởi - trưởng trạm cân Dầu Giây - cho biết: “Khi nhận tin báo, chúng tôi đã bố trí lực lượng chốt chặn nhưng đến cuối ngày 21-4 vẫn không hề thấy chiếc xe khủng trên đi qua trạm cân”. Theo ông Khởi, có khả năng xe này đi vào đường nhánh ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) để né trạm rồi đi về hướng TP.HCM.
Trong khi đó, đại diện Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sau khi có thông tin xe chở cả trăm tấn đã ra khỏi địa bàn Đồng Nai, chúng tôi đang yêu cầu các tổ tuần tra, kiểm soát trên các quốc lộ làm báo cáo giải trình vì sao không phát hiện, xử lý chiếc xe này”.
Sáng 21-4, PV Tuổi Trẻ phát hiện chiếc xe đầu kéo có trọng tải hơn 100 tấn đã đậu tại cây xăng của doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Voi Lá (305 quốc lộ 1, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Nơi đây các xe tải thường tấp vào nghỉ ngơi bởi cây xăng có khoảng sân rất rộng.
Nhiều người dân chứng kiến cho biết khi xe vào đậu tại cây xăng thì phía sau xe đã được phủ bạt kín mít. Tài xế và hai phụ xe chủ yếu ở trong cabin xe, lâu lâu ra ngoài ngó nghiêng rồi lại vào trong cabin án binh bất động. Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận nhưng cả tài xế và hai phụ xe không nói chuyện gì, hỏi gì cũng chỉ lắc đầu rồi xua đi. Tối cùng ngày, chiếc xe “khủng” vẫn án binh bất động tại cây xăng Voi Lá.
Chiều 21-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo các đội CSGT phụ trách tuyến quốc lộ 1 thuộc địa phận TP.HCM mà chiếc xe chở hàng siêu trường siêu trọng nêu trên đi qua gồm các đội CSGT Rạch Chiếc, Bình Triệu, An Sương, An Lạc (thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM) đều khẳng định không ghi nhận xử lý chiếc xe quá tải nói trên. Giải thích lý do vì sao không xử lý, lãnh đạo các đội nói trên cho rằng: có thể anh em làm nhiệm vụ không phát hiện chiếc xe này vì còn làm nhiều nhiệm vụ khác như chống đua xe, kiểm tra nồng độ cồn... Cũng có thể anh em phát hiện nhưng cho rằng xe chở thiết bị chuyên dùng của Nhà nước, chắc phải đảm bảo các điều kiện nên không kiểm tra.
Giấy lưu hành đặc biệt cấp cao hơn giấy kiểm định
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chiếc xe đầu kéo mang biển số 51C-178.99 do Trung Quốc sản xuất năm 2007, có tải trọng kéo theo cho phép là 31,8 tấn. Chiếc rơmooc mang biển số 51R-057.97 được sản xuất tại VN vào năm 2002, là loại sơmi rơmooc tải (chở xe, máy chuyên dùng), có tải trọng cho phép chở theo là 38 tấn. Cả hai phương tiện này do Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Anh Phương (gọi tắt là Công ty Anh Phương, đường Man Thiện, Q.9, TP.HCM) làm chủ.
Điều khó hiểu trong vụ việc này là dù tải trọng cho phép của chiếc rơmooc chuyên dụng của Công ty Anh Phương được Cục Đăng kiểm VN cấp chỉ là 38 tấn, nhưng tài xế của Công ty Anh Phương lại xuất trình một giấy phép lưu hành đặc biệt, trong đó cho phép chở tới 41,7 tấn như lời của ông Nguyễn Thanh Long - phó chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận - khẳng định.
Chiều 21-4, ông Nguyễn Hoàng Anh - người quản lý, điều hành Công ty Anh Phương - cho biết chiếc máy biến áp này là hàng đã qua sử dụng, được đối tác thuê chở từ Hà Nội vào TP Cần Thơ để chuẩn bị cho trạm biến áp tại Cần Thơ đi vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30-4 và 1-5 tới đây. “Do chúng tôi có chức năng vận tải, có giấy phép lưu hành đặc biệt, rơmooc của chúng tôi phù hợp để chuyên chở loại hàng này nên chúng tôi nhận chở thôi”.
Trả lời câu hỏi vì sao giấy chứng nhận kiểm định chỉ cho phép chở 38 tấn, Công ty Anh Phương có thể xin giấy lưu hành đặc biệt tới gần 42 tấn, ông Hoàng Anh nói: “Tôi cũng không nhớ rõ”. Tiếp tục với câu hỏi xe chở thiết bị chuyên dụng này xuất phát từ Hà Nội khi nào, vì sao “lọt” qua gần như toàn bộ các chốt tuần tra kiểm soát, các trạm cân từ Bắc vào Nam, ông Hoàng Anh cười nói: “Tôi lu bu quá, cũng không nhớ là đi từ ngày nào. Còn anh nói lọt qua chứ có lọt qua hết đâu, bị người ta “chơi”, bị kiểm tra, lập biên bản ở Bình Thuận đó. Còn thực tế tài xế cũng phải canh me lúc công an, thanh tra giao thông tranh thủ ăn trưa, ăn tối thì anh em chạy qua thôi, chả chung chi, đút lót gì!”. Theo ông Hoàng Anh, từ trước tới nay công ty của ông vẫn thường xuyên vận chuyển loại thiết bị này, hầu hết là êm đẹp, không gặp trở ngại như lần này.
“Tôi cũng biết là quy định mới siết lại vấn đề quá khổ, quá tải, tôi nhận khuyết điểm và nghiêm chỉnh chấp hành khi bị lập biên bản, xử phạt. Nhưng đây là thiết bị nguyên khối, tôi không thể chia nhỏ hay làm cách gì khác được nên cũng đã chủ động xin các lãnh đạo cho lưu thông tới điểm đặt máy tại Cần Thơ cho kịp lễ 30-4 và 1-5” - ông Hoàng Anh phân trần.
Cần xử lý trách nhiệm các địa phương xe đã qua Ông Đặng Văn Chung - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN) - cho biết chiếc xe trên là xe siêu trường, siêu trọng, muốn hoạt động trên đường phải xin giấy phép lưu hành từ cơ quan có thẩm quyền để tính toán xem tuyến đường có đi được hay không, loại xe có cần phải gia cố hay không rồi mới cấp giấy phép. Còn bộ cân lưu động Bộ GTVT cấp cho các tỉnh không cân được loại xe này vì bề ngang của xe rộng hơn bộ cân. Bộ cân có thể cân mỗi trục 30 tấn nên có thể cân cả xe 30 trục với xe nặng 180 tấn, nhưng vấn đề không phải là xe chở nặng quá không cân được mà chiều ngang của xe, của cụm bánh xe rộng hơn chiều ngang của cân. “Như vậy quy trình xử lý của trạm cân trong trường hợp trên là đúng. Vì xe quá khổ, siêu trường siêu trọng thì không cân mà kiểm tra giấy phép lưu hành được cấp. Nếu đúng giấy phép lưu hành cấp được chở 41,7 tấn mà xe chở 100 tấn thì người vận chuyển hàng hóa là sai, bị kiểm tra xử lý là hoàn toàn đúng” - ông Chung nói, và cho biết thêm với kết cấu của trục xe như ảnh chụp trên báo Tuổi Trẻ thì xe có thể chở nhiều hơn 41,7 tấn vẫn không quá tải. Nhưng nếu xin giấy phép 41,7 tấn mà chở hàng 100 tấn thì sai nguyên tắc. Vấn đề tài xế chiếc xe trên bị xử lý không phải do chở quá tải mà là người xin giấy phép lưu hành không phù hợp với hàng hóa chở trên xe. Còn quá tải hay không thì phải kiểm tra sổ kiểm định và thông số về hàng hóa để biết khi trạm cân không cân được loại xe này. Về câu hỏi chiếc xe chở thiết bị điện quá khối lượng so với giấy phép từ Hà Nội vào Bình Thuận mới bị phát hiện xử lý, ông Chung cho biết trên quốc lộ 1 từ Hà Nội vào Bình Thuận mới chỉ có hơn 10 địa phương triển khai cân xe cả ngày lẫn đêm. Còn một số nơi chỉ làm giờ hành chính. “Vì vậy cần có quy định với trường hợp xe di chuyển từ nhiều địa phương đến một địa phương khác mới bị xử lý thì cần xử lý trách nhiệm của các địa phương mà xe đã đi qua gồm trách nhiệm cả các trạm cân và lực lượng kiểm soát xử lý vi phạm trên đường” - ông Chung nói. * Ông Nguyễn Thanh Long cho biết trong ngày 21-4 đã báo cáo Bộ GTVT về trường hợp xe đầu kéo chở máy biến áp trên. Theo biên bản xử phạt thì tài xế trên phải đến cơ quan Thanh tra Sở GTVT Bình Thuận vào sáng 27-4 để giải quyết vụ việc vi phạm. T.PHÙNG - NGUYỄN NAM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận