Vắng Trần Xuân Giá, tòa vẫn tiếp tục phiên xét xử Bầu Kiên“Bầu” Kiên ra tòaHoãn xét xử vụ án "Bầu" Kiên
Phóng to |
“Bầu” Kiên trước tòa - Ảnh: Quang Đức |
Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “kinh doanh trái phép”, “trốn thuế” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”được xét xử với sự có mặt của tám bị cáo (riêng bị cáo Trần Xuân Giá - nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, nguyên chủ tịch HĐQT ACB - vắng mặt vì sức khỏe không tốt). Trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị truy tố cả bốn tội danh trên, các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch ACB), Lý Xuân Hải (nguyên giám đốc ACB), Phạm Trung Cang (phó chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc ACB) bị truy tố hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty ACBI) bị truy tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong phiên tòa còn có sự xuất hiện của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (bị cáo trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 4.000 tỉ đồng) với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan của vụ án.
Tại tòa, khẳng định rằng mình bị oan sai, và trong suốt 20 tháng bị tạm giam để phục vụ mục đích điều tra, truy tố, xét xử, “bầu” Kiên trình bày đã rất nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan khẳng định mình bị oan bởi mọi hoạt động kinh doanh của bị cáo cũng như các công ty, doanh nghiệp đều thực hiện đúng pháp luật. “Tôi bị cáo buộc với bốn tội danh, trong khi bản thân tôi trong 20 tháng bị giam vừa qua, trong nhiều bản cung, nhiều đơn được gửi đi tôi cho rằng tôi không có tội và tôi bị oan. Bởi vậy, tôi mong muốn phiên tòa được xét xử sớm, công khai cho dư luận được biết thực chất vụ án này là gì” - ông Kiên nói.
Vào đầu phiên xét xử buổi chiều, đại diện Viện kiểm sát kiến nghị với tòa cho rằng căn cứ vào đơn xin hoãn xét xử của ông Trần Xuân Giá cùng với việc xác minh tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), khẳng định ông Giá không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa là hoàn toàn khách quan. Bởi vậy, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tòa hoãn phiên tòa theo Bộ luật tố tụng hình sự. Sau 10 phút hội ý, hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên tòa, thời gian xét xử sẽ được xem xét sau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Lưu Tiến Dũng, bào chữa cho ông Trần Xuân Giá, cho biết lý do ông Giá không thể đến tòa tham dự xét xử vì ông đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị. “Ông Giá nhập viện cấp cứu tối 14-4. Tình trạng sức khỏe của ông hiện không tốt vì huyết áp không ổn định, phì đại tiền liệt tuyến và đang chờ mổ. Hơn nữa, ông bị ung thư đã nhiều tháng nay. Theo kết quả chẩn đoán của hội đồng chuyên môn của Ban bảo vệ sức khỏe trung ương và của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị, bác sĩ điều trị yêu cầu ông phải điều trị nội trú” - luật sư Dũng cho biết. Cũng theo luật sư, ông Giá mong muốn được trực tiếp tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm càng sớm càng tốt.
“Bầu” Kiên tố mình bị cùm chân Ông Nguyễn Đức Kiên trình bày với tòa về việc mình bị đề nghị mặc đồng phục của trại tạm giam. Ông nói: “Ngày 15-4-2014, tôi đã nhận được ý kiến của giám thị trại tạm giam về việc tôi phải mặc đồng phục do trại cấp. Nhưng theo quy định của pháp luật, tôi thấy tôi không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải mặc những bộ đồng phục này, vì quyền công dân của tôi, tôi được mặc thường phục”. Đồng thời, ông Kiên cũng đề nghị luật sư thay mặt mình kiến nghị đến Bộ Công an về việc ban giám thị đã áp dụng biện pháp cùm chân ông khi dẫn giải. “Đây là biện pháp ngăn chặn không phù hợp. Tôi đề nghị hội đồng xét xử yêu cầu ban giám thị trại tạm giam T16 không áp dụng biện pháp cùm chân tôi trong quá trình dẫn giải” - ông Kiên nói. H.ĐIỆP |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận