16/04/2014 10:36 GMT+7

Vắng Trần Xuân Giá, tòa vẫn tiếp tục xử Bầu Kiên

TÂM LỤA - HÀ CHÂU
TÂM LỤA - HÀ CHÂU

TTO - Trong giờ làm việc buổi sáng, sau 10 phút nghỉ hội ý, Hội đồng xét xử vụ án "Bầu Kiên" tại TAND TP Hà Nội cho biết không chấp nhận đề nghị hoãn phiên tòa của các luật sư, tiếp tục xét xử vụ án.

Về ý kiến các luật sư yêu cầu hoãn phiên tòa chờ bản án phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, HĐXX cho rằng đây là 2 vụ án độc lập.

Tại tòa hôm nay Huyền Như cũng có mặt, sẽ làm rõ các lời khai có liên quan. HĐXX cũng cho rằng tòa đã triệu tập Ngân hàng Vietinbank và tại tòa, ngân hàng này đã có người đại diện.

Đối với việc xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Xuân Giá, tòa cho biết ngày 15-4, ông Trần Xuân Giá có đơn xin vắng mặt chỉ trong ngày 16-4, còn các ngày sau vẫn tham dự phiên xử bình thường.

Sáng nay, tòa lại nhận được đơn yêu cầu hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Xuân Giá, vì vậy Hội đồng xét xử đã yêu cầu cán bộ tòa án đi xác minh xem ông Giá có bệnh hay không. Hôm nay, tòa vẫn xét xử bình thường.

Tòa cũng cho rằng xét thấy không cần triệu tập ông Trần Mộng Hùng là Chủ tịch HĐQT ACB như đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Về việc xác định tư cách của ngân hàng ACB, HĐXX cho rằng trong quá trình điều tra, ACB tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự. Tại phiên tòa hôm nay sẽ xác định rõ tư cách là nguyên đơn dân sự hay người liên quan.

Theo Hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết phải triệu tập ai, tòa sẽ triệu tập thêm.

Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần xét xử buổi sáng, 14g chiều nay tòa sẽ tiếp tục làm việc.

Bầu Kiên mong xử sớm

Trước đó, được hỏi có ý kiến gì về phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đề nghị tòa triệu tập thêm một số nhân chứng mà theo bị cáo Kiên là rất quan trọng.

uikmysSk.jpg
"Bầu" Kiên kiến nghị với Hội đồng xét xử - Ảnh: Hoàng Điệp

Bầu Kiên đề nghị phiên tòa phải có sự có mặt của Tổng Cục thuế hoặc có văn bản, vì Tổng Cục thuế liên quan đến tội trốn thuế mà ông bị truy tố, xét xử.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: "20 tháng qua tôi có nhiều đơn cho rằng tôi không có tội, tôi bị oan, mong tòa xử sớm, công khai. Tôi không liên quan đến vụ án Huyền Như. Mong tòa xử trước về 3 tội danh không liên quan đến sự có mặt của ông Trần Xuân Giá".

Bầu Kiên còn nói sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá tại phiên tòa này làm ông rất lo lắng. Tuy nhiên bị cáo vẫn đề nghị tòa xét xử tiếp.

Bởi theo bị cáo Kiên, bị cáo thấy mình bị oan nên mong tòa xét xử về 3 tội trước, còn tội "cố ý làm trái" thì đợi bị cáo Trần Xuân Giá có mặt sẽ xử tiếp.

Sau khi Bầu Kiên phát biểu, tòa tuyên bố tạm nghỉ 10 phút để Hội đồng xét xử hội ý.

Nhiều luật sư đề nghị hoãn xét xử

Trong phần thủ tục, luật sư Lưu Tiến Dũng, bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Giá cho biết đã gửi đơn của ông Trần Xuân Giá xin hoãn xét xử phiên tòa vì sức khỏe suy giảm.

Theo đó, đơn này mới được ông Giá viết vào lúc 21g ngày 15-4-2014 và sáng nay luật sư Lưu Tiến Dũng đã nộp đơn này cho Thư ký phiên tòa.

Đơn của bị cáo Trần Xuân Giá cho rằng bác sĩ điều trị yêu cầu bị cáo phải điều trị nội trú. Bị cáo thấy không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa xét xử sở thẩm theo triệu tập của TAND TP Hà Nội.

Bị cáo Giá cũng cho biết mục đích ông xin hoãn phiên tòa không nhằm trốn tránh vì hơn ai hết bị cáo mong muốn được trực tiếp tham gia phiên tòa ngay từ thủ tục bắt đầu phiên tòa để có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo quy định pháp luật nhưng vì lý do sức khỏe nên bị cáo không thể tham dự.

Đơn ông Trần Xuân Giá viết: căn cứ khoản 1 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự thì “bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa”, nên ông Giá làm đơn đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

Luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho Bầu Kiên) đề nghị tòa bổ sung hồ sơ vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Về chứng cứ hồ sơ vụ án thì có rất nhiều chứng cứ không rõ là chứng cứ vụ án Huyền Như hay vụ án Bầu Kiên. Theo luật sư Nam, có rất nhiều hồ sơ hai vụ này được sát nhập.

Luật sư Trương Minh Đức (bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng ACB) cho biết ACB liên tục có văn bản đề nghị được cung cấp tài liệu vụ án nhưng không được cung cấp. Luật sư đề nghị xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của ngân hàng ACB.

Đồng thời, luật sư cho biết Ngân hàng ACB kiên quyết đề nghị Ngân hàng Viettinbank trả lại khoản tiền đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Một số luật sư khác cũng đề nghị hoãn phiên tòa để chờ kết quả phúc thẩm vụ án Huyền Như. Các luật sư cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong việc triệp tập bị cáo và người liên quan, nên đề nghị hoãn tòa.

Theo danh sách tham gia tố tụng, có đến 86 cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, ngân hàng tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Di lý Huỳnh Thị Huyền Như ra Hà Nội tham dự phiên tòa

Huỳnh Thi Huyền Như là người được xác định đã dùng thủ đoạn và lợi dụng uy tín của mình chiếm đoạt của ngân hàng ACB số tiền 718 tỉ đồng thông qua việc ký các hợp đồng gửi tiền với Ngân hàng ACB.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như có mặt tại phiên tòa xét xử Bầu Kiên với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank, vừa bị TAND TP.HCM kết án tù chung thân trong vụ lừa đảo 4.000 tỉ đồng) được di lý ra Hà Nội để tham dự phiên xét xử bầu Kiên.

Tại phiên khai mạc, cả 4 luật sư bảo vệ cho Nguyễn Đức Kiên đều có mặt. Đại diện của 6 công ty do bầu Kiên sáng lập cũng có mặt theo triệu tập của tòa.

Bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên) cũng được triệu tập và có mặt với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trước việc bị cáo Trần Xuân Giá và một số đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền vắng mặt tại tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đề nghị tòa tiếp tục làm việc.

BmGVAzzX.jpg
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yên, nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội - Ảnh: Tâm Lụa
Ky12skij.jpg
Nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải tại phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp
opPY8aoO.jpg
Ông Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB - Ảnh: Hoàng Điệp
IsAmOcYi.jpg
Trần Ngọc Thanh, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) - Ảnh: Hoàng Điệp
Kb5dv67I.jpg
Bị cáo Trịnh Kim Quang, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB - Ảnh: Hoàng Điệp
MZyqz7uN.jpg
Huỳnh Thị Huyền Như (bị cáo vụ án lừa đảo 4.000 tỉ đồng) tới tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan - Ảnh Hoàng Điệp

Bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt

8g15, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử đại án tại Ngân hàng ACB do Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên) và đồng phạm thực hiện bắt đầu tiến hành.

Trong phần kiểm tra những người tham dự phiên tòa, theo báo cáo của thư ký, hiện bị cáo Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) vắng mặt.

Tuy nhiên, khi phần làm thủ tục phiên tòa bắt đầu được 5 phút thì cả TAND TP Hà Nội bất ngờ bị cúp điện, hơn 10 phút sau mới có điện trở lại.

Tòa cho biết trước khi phiên xét xử diễn ra, bị cáo Trần Xuân Giá đã có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Tòa đang tiến hành thẩm tra lý lịch của các bị cáo và những người được triệu tập tham dự phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên gầy hơn so với lúc trước khi bị bắt. Ông "bầu" bóng đá nổi tiếng đến tòa với thái độ bình tĩnh, khoanh tay ngồi trước vành móng ngựa.

Trả lời tòa, Nguyễn Đức Kiên khai rõ ràng, rành mạch các chức vụ trước khi bị bắt, là Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên của 6 công ty và các chức vụ ở ngân hàng ACB.

30x8IBHG.jpgPhóng to
"Bầu" Kiên tại phiên tòa sáng 16-4, gầy hơn so với thời điểm bị bắt - Ảnh: Hoàng Điệp (chụp qua màn hình tivi)
kIXiCrk0.jpgPhóng to
Từ sáng sớm, an ninh tại TAND TP Hà Nội đã được siết chặt - Ảnh: Hoàng Điệp

Có tất cả 9 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB, Nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB) bị xét xử về 4 tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6g30 sáng, 2 xe phạm đã chở Bầu Kiên và các bị cáo khác vào bên trong tòa án.

B4XdvP4P.jpg
Quang cảnh bên ngoài TAND TP Hà Nội sáng 16-4
8 bị cáo còn lại bị xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB), Huỳnh Quang Tuấn (thành viên HĐQT ACB), Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).

Từ sáng sớm, hàng chục phóng viên báo đài đã đứng đợi trước cổng TAND TP Hà Nội để được vào theo dõi phiên xử. Các phóng viên phải có thẻ tham dự tòa, phải đi qua máy soi chiếu an ninh và theo dõi phiên tòa qua màn hình ti vi.

Nguyễn Đức Kiên bị truy tố và xét xử về 4 tội, trong đó với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định số tiền lừa đảo là 264 tỉ đồng (khoản 4 điều 139 BLHS).

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bị can Nguyễn Đức Kiên vẫn phải đối diện với mức án chung thân (theo khung hình phạt quy định tại điều luật khi số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì bị cáo có thể bị phạt tù từ 12 năm đến chung thân).

Ngoài mức hình phạt cao nhất là chung thân cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị can Nguyễn Đức Kiên còn bị truy tố ở các hành vi khác là trốn thuế (với khung phạt cao nhất đến 7 năm) kinh doanh trái phép (khung hình phạt lên tới 2 năm) và hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có khung hình phạt cho tội này lên đến 20 năm.

rQxnPmxg.jpg
Xếp hàng chờ vào phiên tòa
N5u7g1tx.jpg
Luật sư, người tham dự làm thủ tục tham dự phiên tòa
pHM9jpOO.jpg
Xuất trình giấy tờ đến tham dự phiên tòa
rmExeBuz.jpg
Máy soi kiểm tra an ninh được đặt bên ngoài khu vực xử án
yw0anS2S.jpg
nFXFUJT7.jpg
4qRcQtMW.jpg
VLCywOfZ.jpg
An ninh ngoài phiên tòa được siết chặt

Diễn tiến vụ Bầu Kiên:

- Ngày 20-8-2012, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiến hành khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên, ngõ 27 Xuân Diệu, Q.Tây Hồ, Hà Nội) về hành vi “kinh doanh trái phép” theo điều 159 Bộ Luật hình sự.

- Ngày 23-8-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật hình sự

- Ngày 17-9-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải yến về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Ngày 18-9-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố thêm hai tội danh đối với ông Nguyễn Đức Kiên về các tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Ngày 18-9-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Xuân Giá - nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB về tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội danh trên, các ông Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, nguyên là phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, ông Phạm Trung Cang nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank cũng bị khởi tố.

- Ngày 31-5-2013-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên Kiên về hành vi trốn thuế.

- Ngày 12-12-2013, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng số 02 vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can ra TAND TP Hà Nội để xét xử theo pháp luật. Đồng thời, ngày 12-12-2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.

- Ngày 3-1-2014, TAND TP.Hà Nội có quyết định trả hồ sơ vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) để tiến hành điều tra bổ sung. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội xem xét hành vi của ông Phạm Trung Cang, ông Huỳnh Quang Tuấn về tội Cố ý làm trsi quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

- Ngày 20-1-2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn và phục hồi điều tra với ông Phạm Trung Cang về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

- Ngày 27-1-2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án Bầu Kiên thay thế bản cáo trạng số 02 ngày 12-12-2012, truy tố thêm hai bị can Huỳnh Quang Tuấn và Phạm Trung Cang.

- Ngày 16-4-2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa vụ án Bầu Kiên ra xét xử.

TÂM LỤA - HÀ CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên