14/01/2014 15:52 GMT+7

Vẽ chân dung nghi phạm: cần phát triển tối đa

GIA MINH ghi
GIA MINH ghi

TTO - Việc vẽ chân dung nghi phạm bắt cóc cháu bé tại bệnh viện Q.7 đã mang lại hiệu quả gần như ngay lập tức. Hầu hết ý kiến đều đánh giá cao phương pháp này, một số cơ quan điều tra tại Việt Nam cũng từng áp dụng phương pháp này nhưng chưa phổ biến và thường xuyên.

Chân dung phác họa: công cụ điều tra quan trọngChuyện phá án vụ bắt cóc trẻ sơ sinh

BPe0YOvO.jpgPhóng to
Chân dung và nghi phạm bắt cóc cháu bé

Đại tá Nguyễn Minh Thông, Chánh văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết: tại Mỹ và một số quốc gia phát triển đã thực hiện phương pháp này từ rất lâu, họ có cả ngành khoa học chuyên về lĩnh vực nhận dạng, có hệ thống dữ liệu điện tử trong đó chứa hầu hết các đặc điểm cấu trúc của nét mặt con người. Họ đào tạo ra đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực này, khi cần truy tìm đối tượng chưa có hình ảnh, họ sẽ sử dụng các nhân chứng để dựng lên chân dung gần giống nhất với khuôn mặt thật của người cần truy tìm dựa trên hệ thống dữ liệu lưu trữ, cắt ghép lại thành hình dáng đầy đủ của người cần truy tìm.

Tại TP.HCM, phương pháp này cũng từng được áp dụng, nhưng cũng là phương pháp vẽ thủ công và phải trưng dụng người có chuyên môn, kỹ thuật là các họa sỹ chứ chưa có cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này.

Đây là một phương pháp rất hữu ích, mang lại hiệu quả cao mà gần như ai cũng có thể nhận thấy. Bởi vì khi dựng được chân dung đối tượng, đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì hầu hết người dân đều có thể nhận diện, tố giác khi nhìn thấy. Thân nhân của nghi phạm - nếu biết cũng sẽ tìm cách tác động tới nghi phạm bởi chân dung đã được xác định thì khó có thể trốn thoát, buộc phải ra đầu thú. Tôi đánh giá đây là một giải pháp rất cần thiết, cần được nghiên cứu, phát triển để phục vụ công tác điều tra tốt hơn.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TT-XH (C45), bộ Công an cho rằng: phương pháp này vô cùng hiệu quả, rất cần thiết cho công tác điều tra. Dù đã được áp dụng việc vẽ chân dung nghi phạm, nhưng phương pháp này hầu như còn rất sơ khai tại Việt Nam.

Hiện nay ở Việt Nam bộ môn khoa học kỹ thuật hình sự đã có và phục vụ rất hiệu quả cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, chuyên môn sâu về phác thảo, khắc họa chân dung nghi phạm khi cần thiết thì hầu như chưa được đào đạo bài bản và chưa có đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực này. Tôi cho rằng các trường, viện của bộ Công an nói riêng và cả nước nói chung nên nghiên cứu về bộ môn này để đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực phác thảo, vẽ chân dung qua lời miêu tả.

Đặc biệt, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu, học hỏi về các phần mềm, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đặc điểm nhận dạng của người Việt để ngoài phục vụ công tác điều tra còn phục vụ vào nhiều mục đích hữu ích khác cho xã hội.

GIA MINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên