12/12/2013 20:37 GMT+7

Dương Chí Dũng mua 2 căn nhà cho bồ nhí bằng tiền của vợ?!

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Chiều 12-12, trong phần xét hỏi, Dương Chí Dũng thừa nhận có ba căn nhà đã bị kê biên. Trong đó có hai căn mua hơn 10 tỉ đồng cho bạn gái đứng tên. Tuy nhiên, theo Dương Chí Dũng, số tiền mua nhà cho bạn gái là lấy từ tiền của vợ chứ không phải tiền tham ô!

w5QCDB6y.jpgPhóng to
Dương Chí Dũng trước khi phiên tòa khai mạc - Ảnh: TTXVN

Từ đầu đến cuối phiên tòa, trừ bị cáo Trần Hải Sơn thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, còn lại Dương Chí Dũng và tám bị cáo khác đều phủ nhận cáo trạng. Các bị cáo đều khai mình làm đúng quy trình, thiệt hại xảy ra là điều đáng tiếc mà giờ các bị cáo phải nhận sai sót.

Đổ lỗi lòng vòng cho nhau

Riêng Dương Chí Dũng khai toàn bộ quá trình mua ụ nổi, thỏa thuận giá cả, ký hợp đồng bị cáo đều giao cho cấp dưới, cụ thể là ông Mai Văn Phúc thực hiện chứ bị cáo không hay biết điều gì.

“Bị cáo chỉ được nghe cấp dưới báo cáo lên là ụ nổi có chút hư hỏng, mua về sửa lại là có thể vận hành được. Tất cả thành viên trong hội đồng quản trị Vinalines đều đồng ý mua ụ 83M. Bị cáo giao cho cấp dưới xem xét, phê duyệt hết” - bị cáo Dũng khai trước tòa.

Bị cáo có nhận thức được hành vi của mình không, chi phí lớn như vậy mà bị cáo cứ xem qua loa vậy à? Trả lời câu hỏi này của hội đồng xét xử, bị cáo nói: “Đây là bài học của tôi, tôi đã vô trách nhiệm, không sâu sát, không điều tra kỹ…”.

Bị cáo Dũng thừa nhận ngày 17-5, do biết trước mình đã bị khởi tố và sẽ bị bắt nên bị cáo đã bỏ trốn sang Campuchia. “Bị cáo sợ quá, hoảng loạn và rối bời nên cứ thế bỏ đi. Bị cáo mua vé máy bay từ Campuchia đi Singapore rồi qua Mỹ nhưng không được nhập cảnh vào Mỹ vì người ta nói công ty của bị cáo có sai phạm gì đó. Sau đó bị cáo bay ngược lại hành trình cũ về Campuchia thì bị bắt” - Dương Chí Dũng khai.

Trong khi Dương Chí Dũng cho rằng vụ việc mua phải ụ 83M đã hư hỏng là do bị cáo giao hết cho Mai Văn Phúc, thì bị cáo Mai Văn Phúc lại đổ tại bị cáo Trần Hữu Chiều.

Bị cáo Phúc khai: “Bị cáo mới nhận chức tổng giám đốc Vinalines được hai tháng nên mọi việc đều theo sự tham mưu của cấp dưới. Tôi giao hết cho anh Chiều, anh Chiều báo cáo lại bằng văn bản, tôi thấy báo cáo đã có mấy chục chữ ký của anh Chiều và mọi người trong đó thì tôi mới ký”.

Khi được tòa hỏi bị cáo có biết cấp dưới báo cáo không trung thực về hồ sơ ụ nổi hay không, bị cáo Phúc cho biết mình “chưa được trình hồ sơ ụ nổi 83M và cũng chưa lần nào được xem hồ sơ gốc đầy đủ của ụ nổi, mà tất cả chỉ dựa vào báo cáo của anh Chiều”.

Bị cấp trên đổ lỗi, bị cáo Trần Hữu Chiều khai: “Lúc đoàn sang Nga khảo sát, bị cáo nhìn thấy trên ụ nổi 83M có cái canô đang đặt trên đó nên nghĩ là ụ nổi còn hoạt động được và đang sửa chữa tàu”. Tuy nhiên, sau quá trình xét hỏi của tòa, bị cáo thừa nhận có một số nội dung bị cáo báo cáo về ụ nổi chưa trung thực vì nghĩ “ụ nổi mua về rồi sửa chữa thì mới sử dụng”.

“Ụ nổi chứ không phải tàu biển”

Tại phiên tòa, các bị cáo đều khai 83M là ụ nổi chứ không phải tàu biển.Trong khi ba bị cáo là lãnh đạo của Vinalines đổ trách nhiệm cho nhau thì ba bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) lại cho rằng mình đã làm đúng quy trình khi cho thông quan ụ nổi 83M.

Bị cáo Đức cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển nên được phép nhập về VN. Chủ tọa hỏi: “Nếu không phải là tàu biển thì căn cứ pháp lý nào các bị cáo cho ụ nổi thông quan về VN?”, bị cáo Đức đáp: “Bộ Giao thông vận tải đã có kết luận ụ nổi không phải là tàu biển. Như vậy các bị cáo đã làm đúng. Căn cứ theo luật công ước quốc tế thì ụ nổi không có độ tuổi và được phép nhập về Việt Nam. Ụ nổi không được điều chỉnh bởi bất cứ văn bản pháp lý nào”.

Tuy nhiên, khi tòa hỏi bị cáo ụ nổi 83M có đảm bảo các điều kiện về môi trường hay không thì bị cáo không trả lời mà chỉ khẳng định mình đã làm đúng.

Bị cáo Đức và bị cáo Triện khẳng định với tòa mình đã bị các điều tra viên ép cung, dọa dẫm, bắt ký theo lời khai các điều tra viên, bị các điều tra viên ép nhận tội.

Không nhận tiền tham ô

Riêng bị cáo Trần Hải Sơn thành khẩn khai nhận trước tòa bị cáo đã nhận 1,666 triệu USD do Công ty AP chuyển ngược lại về VN cho các bị cáo và đây là tiền “lại quả” của việc mua ụ nổi 83M.

Bị cáo Sơn khai sau khi Công ty AP chuyển tiền, bị cáo đã báo cáo việc này cho Dương Chí Dũng. Dưới sự chỉ đạo của Dũng, Sơn đã rút đưa cho Dương Chí Dũng 10 tỉ, Mai Văn Phúc 10 tỉ, cho em gái bị cáo 2 tỉ, cho bị cáo Chiều 340 triệu, còn lại bị cáo hưởng 5,8 tỉ.

Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Dương Chí Dũng đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến của bị cáo Trần Hải Sơn. Bị cáo Dũng tỏ ra rất ngạc nhiên về lời khai của Sơn và nói: “Không ngờ những người bị cáo tin tưởng như anh em lại làm bị cáo bất ngờ, lại đập vào mặt bị cáo. Rất oan cho gia đình cách mạng. Đề nghị tòa làm rõ Sơn đưa tiền cho bị cáo ngày nào, giờ nào…”.

Theo bị cáo Dũng, chỉ có một lần bị cáo Sơn kéo valy đến biếu cho bị cáo mấy chai rượu quý chứ chưa hề nhận tiền của Sơn. “Tết nhất anh em chỉ biếu gói bánh, chai rượu và phong bì mấy triệu thôi” - bị cáo khai.

Khi tòa công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra đã thừa nhận việc chỉ đạo mua bằng được ụ nổi 83M và nhận tiền lại quả thì bị cáo Dương Chí Dũng nói: “Lời khai như vậy là không đúng. Không đúng mà bị cáo vẫn phải ký. Thế nên mới có việc cần cải cách để tránh oan sai. Bị cáo là cán bộ lãnh đạo mà còn bị như vậy”.

Bị cáo Dũng thừa nhận bị cáo có ba căn nhà đã bị kê biên. Trong đó có một căn nhà đứng tên hai vợ chồng bị cáo. Hai căn nhà còn lại bị cáo mua hơn 10 tỉ đồng và đứng tên bạn gái bị cáo tên là Thảo. Theo bị cáo Dũng, số tiền mua nhà này bị cáo lấy của vợ bị cáo để mua cho bạn gái chứ không phải tiền tham ô.

8g sáng 13-12, tòa tiếp tục làm việc.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Những hình ảnh tại phiên tòa xử Dương Chí DũngXét xử đại án Dương Chí DũngỤ tàu rách mua 9 triệu USDDương Chí Dũng: "Tôi không can thiệp vụ mua ụ nổi"

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên