24/11/2013 08:15 GMT+7

Cần sửa đổi quy định về chứng cứ

Luật sư NGÔ NGỌC TRAI (Đoàn luật sư tỉnh Nam Định)
Luật sư NGÔ NGỌC TRAI (Đoàn luật sư tỉnh Nam Định)

TT - Các quy định về quy trình điều tra, truy tố và xét xử đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực nghiệm kiểm chứng, chứa đựng trong đó tính khoa học để khi thực hiện sẽ là cách tốt nhất giúp tìm ra sự thật khách quan của vụ án tránh oan sai. Do vậy, theo tôi, chỉ cần những người tiến hành tố tụng triệt để tuân thủ là đã quá tốt.

Hiện nay, dễ bị xâm phạm nhất là các quy định về quyền bào chữa và mời luật sư bào chữa của bị can bị cáo, và quy định điều tra viên không được ép bị can khai báo nếu họ không muốn và không được dùng mọi hình thức truy bức nhục hình.

Để hoàn thiện, tôi đề nghị cần sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật, cụ thể như sau:

"Do quy định lời khai của bị can, bị cáo cũng là chứng cứ để kết tội nên thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều điều tra viên thay vì nhọc công đi tìm các tài liệu bằng chứng xác thực khác, họ chỉ xoáy sâu vào việc bắt giam, sau đó truy bức nhục hình cho bị can khai nhận hành vi phạm tội, từ đó cho ra kết luận điều tra"

1) Sửa đổi quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, thay vì quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình thì tốt hơn nên quy định “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền giữ im lặng và chỉ khai báo khi có mặt luật sư bào chữa”.

2) Sửa đổi quy định về chứng cứ. Hiện nay, pháp luật quy định lời khai của bị can, bị cáo cũng là chứng cứ để kết tội. Trong khi chứng cứ cần sự khách quan thì lời khai lại thường không đáp ứng được tiêu chuẩn này. Cho dù bị cáo khai có lợi hay bất lợi cho chính mình thì cũng đều không khách quan. Nếu bị cáo khai báo có lợi thì có thể nghi ngờ bị cáo khai gian dối chối tội, nếu bị cáo khai bất lợi cho mình thì đó là điều không bình thường trong hành vi con người, có thể nghi ngờ việc khai báo đó thực hiện khi không được đảm bảo an toàn về thân thể hoặc tỉnh táo về tinh thần.

Còn nếu có trường hợp thật sự bị cáo ăn năn hối hận và tự nguyện khai nhận hành vi phạm tội thì đã có chế định riêng về việc đầu thú, tự thú.

3) Tiếp theo, Bộ luật tố tụng hình sự cần bổ sung quy định buộc điều tra viên phải tham gia tố tụng tại phiên tòa. Hiện nay điều tra viên không phải tham gia phiên tòa, do vậy hội đồng xét xử không có điều kiện để thẩm định lại quy trình thu thập chứng cứ, không có cơ hội đối chất giữa cán bộ điều tra và bị cáo trong việc xác định có hay không sự truy bức nhục hình.

Ngoài ra, việc quan trọng không kém là cần đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại cho cơ quan điều tra để giúp nâng cao khả năng thực hiện việc giám định tư pháp. Nhiều vụ án thu giữ được ở hiện trường dấu vết tội phạm nhưng lại không thể xác định được hung thủ từ những dấu vết đó.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tiến tới quy định “quyền được giữ im lặng”Thay đổi chính sách để hạn chế oan saiLàm thế nào để chống bức cung?Công an Bắc Giang thừa nhận “đây là việc tày đình”Nên khởi tố vụ án điều tra việc có ép cung khôngBàn tiếp “Quyền được giữ im lặng”

Luật sư NGÔ NGỌC TRAI (Đoàn luật sư tỉnh Nam Định)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên