19/09/2013 07:35 GMT+7

Ao nhà sử dụng mấy chục năm, xã đòi quản lý

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Gia đình trung úy Đỗ Văn Trung (hiện đang công tác tại đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa) thừa kế, sử dụng từ bao đời một cái ao rộng khoảng 200m2 nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND xã tuyên bố cái ao là đất công. Giải quyết thế nào cho hợp lý hợp tình?

Fz8UfZfh.jpgPhóng to
Anh Đỗ Văn Trung và cô ruột tại mảnh đất ao giờ đã được san bằng, trồng cây cối - Ảnh: T.L.

Ông Đỗ Minh Phúc (70 tuổi), chú của anh Trung, nói: “Ở làng này đến đứa trẻ cũng biết đấy là cái ao nhà tôi, có ngờ đâu chính quyền đòi lấy lại. Họ bảo không có giấy tờ gì chứng minh cái ao là của nhà tôi. Ở làng này nhiều hộ đến nhà cửa, đất cát còn không có giấy tờ, huống hồ là cái ao. Thử hỏi không phải ao của các cụ để lại, làm sao gia đình tôi dám sử dụng năm, sáu chục năm nay mà không ai tranh chấp?”...

Xã nói: “Ao công”

Ngày 9-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Viết (chủ tịch UBND xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Đúng là từ xưa đến nay cái ao có tên là ao cụ Thức (tên của ông nội anh Trung - PV), nhiều ao có tên các cụ trong làng nhưng không phải ao mang tên ai là của người đó. Nhiều lần chúng tôi yêu cầu gia đình anh Trung cung cấp chứng cứ chứng minh ao thuộc sở hữu của gia đình nhưng gia đình đều không chứng minh được. Ao này đã được quốc hữu hóa và đưa vào hợp tác xã từ khi nào thì tôi không biết, nhưng hiện nay sổ mục kê và bản đồ địa chính đều thể hiện mảnh đất ao này do xã quản lý. Gia đình anh Trung là gia đình chính sách, các chế độ chính sách khác chúng tôi vẫn đảm bảo, nhưng đây là đất công lâu nay xã vẫn để đấy, chưa dùng vào việc gì thì thuộc sự quản lý của UBND xã”.

Trả lời câu hỏi tại sao đất của UBND xã nhưng gia đình anh Trung sử dụng mấy chục năm nay xã đều không có ý kiến, ông Viết cho biết: “Là ao công, xã chưa sử dụng vẫn để đấy nên ai muốn thả bèo thì thả”.

Được sở hữu theo thời hiệu

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), gia đình anh Trung quản lý, sử dụng ổn định cái ao có nguồn gốc thừa kế của cha ông để lại qua nhiều đời từ sau cải cách ruộng đất năm 1957 đến nay mà không tranh chấp, UBND xã không có ý kiến gì thì được “xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu”. Theo quy định tại khoản 1 điều 247 Bộ luật dân sự 2005: người chiếm hữu, người được hưởng lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật được hưởng quyền dân sự theo thời hiệu khi có đủ các điều kiện:

- Về chủ quan: phải ngay tình, công khai.

- Về thời gian: phải liên tục trong một khoảng thời gian luật định, đối với bất động sản là trong ba mươi năm, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.

- Về quan hệ quyền sở hữu: tài sản chiếm hữu phải thuộc hình thức sở hữu có tính chất tư nhân hoặc tập thể... Như vậy, bất kỳ một chủ thể nào khi đã thỏa mãn ba điều kiện như phân tích ở trên sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản đó.

Việc UBND xã Ngọc Long cho rằng cái ao là sở hữu của UBND xã và viện dẫn căn cứ theo bản đồ và sổ mục kê mà UBND huyện Yên Mỹ cung cấp có hiện trạng cái ao nhưng không có tên chủ sở hữu trên hồ sơ của xã và yêu cầu gia đình anh Trung cung cấp chứng cứ chứng minh cái ao thuộc quyền sở hữu của mình là chưa đúng. Theo công văn số 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25-4-2007 của Bộ Tài nguyên - môi trường, sổ mục kê đất được lập để phục vụ cho Nhà nước nắm đầy đủ ruộng đất và thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của pháp luật đất đai, do đó sổ mục kê đất phải thể hiện toàn bộ các thửa đất (gồm cả thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thửa chưa được cấp giấy chứng nhận), các công trình thủy lợi và sông ngòi, kênh rạch suối trong phạm vi địa giới hành chính từng xã, phường, thị trấn. Vì vậy, sổ mục kê đất cũng không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 điều 50 của Luật đất đai.

Luật sư Thạnh khẳng định: “Do gia đình anh Trung quản lý, sử dụng ổn định mấy chục năm nay qua nhiều thế hệ, không có tranh chấp, chính quyền địa phương nên xem xét, giải quyết để gia đình anh Trung làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 50 của Luật đất đai 2003. Việc này là hợp tình hợp lý, đúng pháp luật nhằm ổn định cuộc sống, an dân và thuận lợi cho Nhà nước trong quản lý đất đai”.

Lá thư từ Trường Sa

“Cụ nội tôi tên là Đỗ Văn Thức có một cái ao nhỏ trong thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Do được thừa kế của cha ông để lại, sau cải cách ruộng đất vào năm 1957 tiếp tục được sử dụng. Trước khi qua đời vào năm 1992, cụ có cho bố tôi là Đỗ Thiết Hùng sử dụng ao đó. Đến năm 1993 chuyển đổi đất theo chủ trương của Nhà nước, gia đình tôi do chưa hiểu biết cách thức nên chỉ biết sử dụng. Đến năm 2006 và 2011, do nhu cầu về đất ở, gia đình tôi có lấp ao để làm đất ở nhưng UBND xã Ngọc Long dừng việc san lấp ao của nhà tôi với lý do đất ao chưa chuyển đổi, không có tên chủ ao từ sau năm 1993 đến nay”.

Đó là nội dung trích trong đơn của trung úy Đỗ Văn Trung, hiện đang công tác tại đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa.

Phía dưới của lá đơn có xác nhận của thủ trưởng lữ đoàn 146 và đề nghị “Căn cứ quy định của Nhà nước về thực hiện chính sách ưu tiên cho những người đang công tác tại nơi khó khăn gian khổ, Đảng ủy chỉ huy đơn vị kính đề nghị địa phương giúp đỡ”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên