01/09/2013 07:47 GMT+7

Chừng nào tôi mới đòi được tiền?

ĐINH VĂN LƯỢNG HOÀNG ĐIỆP ghi
ĐINH VĂN LƯỢNG HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Dành dụm, vay mượn được ít tiền để mua nhà, nhưng rồi bị lừa, chúng tôi phải mướn nhà ở gần người nợ tiền của tôi để đòi lại tiền. Thế nhưng thời gian cứ trôi qua mà cơ quan thi hành án không thi hành án, khiến vợ chồng tôi cực khổ quá chừng.

qQaMafuX.jpgPhóng to
Ông Đinh Văn Lượng - Ảnh: H.Đ.

Đó là những tâm sự của ông Đinh Văn Lượng, 66 tuổi, đang tạm trú tại tổ 3, ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Vợ chồng tôi lấy nhau nhiều năm mà không có con. Trước đó, chúng tôi đã cùng tham gia phong trào sinh viên và cùng xuống đường. Sau năm 1975, vợ tôi từng đi bộ đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tôi làm công nhân ngành đường sắt, vì sốt rét cấp tính nên về hưu sớm. Vợ tôi cũng làm công nhân, nghỉ hưu sớm rồi tham gia hoạt động đoàn thể ở địa phương. Cả hai vợ chồng đều nghèo nên lúc đi làm thì ở nhà thuê của Nhà nước. Sau khi nghỉ hưu rồi phải ra thuê nhà khác. Giá nhà cao quá nên vợ chồng bàn nhau vay mượn mua căn nhà nhỏ để sống đắp đổi qua ngày và chấp nhận phải đi xa ra ngoại thành.

Đã nghèo còn mắc cái eo

Qua người giới thiệu, vợ chồng tôi đồng ý mua một căn nhà nhỏ trên thửa đất với giá 138 triệu đồng ở xã Trung An của ông Phan Văn Hột. Ngày 9-7-2012 tôi đã đặt cọc và đưa cho ông Hột nhiều lần, tổng số tiền lên tới 52 triệu đồng. Sau đó, tôi đi hỏi cán bộ địa chính xã Trung An về lý lịch thửa đất thì được cho biết là nhà này xây dựng trái phép trên đất thuộc đường dây lưới điện quốc gia và khuyên tôi nên đòi lại tiền. Tôi hoảng quá, hai vợ chồng tất tả đến nhà ông Phan Văn Hột để đòi tiền nhưng ông Hột không trả.

Sẽ thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoàng Anh Tuấn (chấp hành viên Chi cục Thi hành án huyện Củ Chi) cho biết: “Tôi đã mời nhiều lần nhưng vợ chồng ông Hột không hợp tác, không lên cơ quan thi hành án để làm việc, bởi vậy tôi đã gửi công văn đề nghị xác minh tài sản của vợ chồng ông Hột tại địa phương và có biện pháp ngăn chặn việc mua bán sang nhượng tài sản của vợ chồng ông Hột. Tuy nhiên, do số tiền thi hành án không nhiều, chỉ có 42 triệu đồng, nếu phải dùng biện pháp cưỡng chế cả căn nhà và thửa đất cũng gây khó khăn cho những thành viên khác trong gia đình vì họ không có nhà để ở. Bởi vậy, trước mắt chúng tôi sẽ dùng biện pháp thuyết phục tự nguyện thi hành án, còn nếu vợ chồng ông Hột không tự nguyện thi hành án thì chúng tôi sẽ thông báo để cưỡng chế”.

Tuy nhiên, ông Tuấn không khẳng định bao giờ sẽ dùng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với gia đình ông Hột.

Tôi làm đơn gửi xã Hòa Phú, huyện Củ Chi là nơi ông Hột cư ngụ. Sau nhiều lần hòa giải không thành, cán bộ ủy ban xã nói tôi làm đơn kiện lên Tòa án huyện Củ Chi. Cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên ông Phan Văn Hột và vợ phải trả tiền cho tôi. Tôi đã nghèo, đã khó nhưng tại tòa ông Hột còn nói trong số 52 triệu đồng tôi đã đưa cho ông thì 10 triệu đồng ông đã cho người môi giới và tôi phải chịu. Còn lại 42 triệu đồng ông Hột nói tôi đã hứa cho ông một nửa. Vợ chồng tôi nghèo, đã không có nhà để ở, phải đi vay thì tôi lấy đâu ra tiền mà cho vợ chồng ông Hột? Dù vậy, tôi chấp nhận chịu thiệt 10 triệu đồng cho người môi giới. Cả hai cấp tòa (xử phúc thẩm ngày 17-4) đều tuyên ông Hột phải trả cho tôi 42 triệu đồng.

Mòn mỏi chờ thi hành án

Ngay sau khi bản án có hiệu lực, tôi làm đơn đề nghị thi hành án. Địa phương xác nhận vợ chồng ông Hột có tài sản riêng là căn nhà rộng 100m2 trên diện tích 400m2 đất ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi. Nhưng từ bấy đến nay chấp hành viên không thi hành bản án, trong khi đó mỗi lần tôi đi đến Chi cục Thi hành án Củ Chi rất khó khăn. Bởi tôi là người duy nhất trong nhà còn có thể mưu sinh bằng nghề xe ôm chở khách.

Chờ mãi không được thi hành án, tiền vay không thể trả được, tiền sinh nhai cũng khó khăn nên hai vợ chồng quyết định về xã Trung An (giáp xã Hòa Phú) để mướn nhà ở gần nhà ông Hột cho dễ đòi nợ. Vợ tôi bị bệnh tiểu đường, rất yếu nên không thể đi làm kiếm tiền, chỉ còn một mình tôi có thể nhúc nhắc đi lại được nên ai thuê gì làm nấy hoặc chạy xe ôm để mỗi ngày kiếm vài chục ngàn mua gạo. Nhưng không phải lúc nào cũng kiếm được ra tiền, có ngày hên thì được 70.000 đồng, ngày mưa gió thì chẳng được đồng nào.

Cứ hai tuần vợ chồng tôi lại phải thức dậy từ lúc 3g sáng lật đật chạy lên bệnh viện TP để khám và lấy thuốc. Đồng tiền ít ỏi kiếm được vì vậy bị chia thành nhiều khoản: mua gạo, mua mắm, mua thuốc và trả lãi cho số tiền đã vay. Bữa cơm của vợ chồng tôi thường không có thịt, cá mà chỉ có ít rau xanh do bà nhà tôi tự trồng... Cũng vì không có tiền, nên vợ chồng tôi đâu dám đun nấu bằng bếp gas mà hằng ngày những lúc vắng khách tôi đi nhặt cành khô, lá ải ở ven đường bỏ vào bao mang về phơi khô làm chất đốt.

Vợ chồng tôi đã nghèo khổ lắm rồi mà sao người ta còn nỡ lừa tôi để lấy tiền. 42 triệu bạc đối với nhiều người có thể chẳng là gì nhưng với tôi nó to lắm. Tôi chỉ muốn đòi lại tiền của mình mà người ta vẫn không trả. Những người ăn lương nhà nước trong cơ quan thi hành án cũng không động lòng trước hoàn cảnh bi đát ăn bữa sáng lần bữa tối của vợ chồng tôi thì tôi còn biết trông cậy vào ai?

ĐINH VĂN LƯỢNG HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên