29/08/2013 07:07 GMT+7

Bản án có nhiều "dị bản"

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Một vụ án, một lần xét xử, một hội đồng xét xử nhưng bản án công bố tại tòa, bản án giao đương sự và bản án gửi lên tòa phúc thẩm... khác nhau, khiến các đương sự không biết đâu mà lần.

Trong các ngày 24 và 26-4-2013, TAND Q.10, TP.HCM đã xét xử vụ án “tranh chấp về bồi thường sức khỏe” giữa nguyên đơn là ông N.V.N. và bị đơn là ông V.X.S.. Theo bản án, ông N.V.N. bị một khối u nhỏ bẩm sinh và được Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (ITO) chẩn đoán là khối u mỡ. Qua giới thiệu, ông N. tìm gặp bác sĩ S. để điều trị, được bác sĩ tư vấn nên mổ, và ông N. đã được phẫu thuật tại Bệnh viện ITO với chi phí gần 14 triệu đồng. Sau đó ông N. lại phải mổ lần 2 với tổng phí điều trị lên tới hơn 30 triệu đồng mà còn bị liệt cả hai chân nên ông N. kiện ông S. ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe với số tiền 2.615.470.000 đồng gồm tiền mất thu nhập của ông N., bồi thường thuốc men và chi phí điều trị phục hồi sức khỏe, tiền đảm bảo để ông N. duy trì cuộc sống, thuê người chăm sóc ông N., hoàn trả tiền mổ, bồi thường tổn thất về tinh thần do ông N. phải chịu đau đớn.

Tại phiên xét xử sơ thẩm công khai, căn cứ vào ghi chép của luật sư và một số tờ báo đưa tin thì hội đồng xét xử tuyên buộc bác sĩ S. bồi thường cho ông N. tiền mất thu nhập bằng 1/2 tháng lương cơ bản tối thiểu là hơn 44 triệu đồng, ngoài ra tòa còn buộc bác sĩ S. hỗ trợ ông N. mỗi tháng 850.000 đồng kể từ ngày án sơ thẩm có hiệu lực (không tuyên thời hạn tối đa phải hỗ trợ trong bao lâu).

Tuy nhiên, trong bản án gửi cho bị đơn là ông V.X.S. lại ghi: “Buộc ông V.X.S. có trách nhiệm bồi thường cho ông N.V.N. tổng số tiền là 57.380.400 đồng và ông S. có trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lệ cho ông N. do mất khả năng lao động cần có người chăm sóc mỗi tháng là 430.000 đồng”.

Chưa hết, tại bản án của TAND Q.10 gửi lên TAND TP.HCM (vì bị đơn kháng cáo, dự kiến xét xử phúc thẩm ngày 4-9) ở phần xét thấy và quyết định có nội dung cũng không giống nhau. Trong phần “xét thấy” (trang 8) số tiền ông S. phải bồi thường gồm hai khoản là tiền bồi thường mất thu nhập của ông N.V.N. là 39.477.400 đồng, bồi thường tiền công người chăm sóc cho ông N.V.N. là 22.460.800 đồng (tổng cộng là 61.938.200 đồng). Còn tại phần quyết định của bản án (trang 10) số tiền ông S. phải bồi thường lại gồm ba khoản: tiền mất thu nhập của nguyên đơn là 36.887.000 đồng, bồi thường tiền công cho người chăm sóc nguyên đơn N.V.N. là 20.493.400 đồng (tổng cộng 57.380.400 đồng). Ngoài ra, ông S. còn phải bồi thường chi phí hợp lệ do mất khả năng lao động cần có người chăm sóc số tiền mỗi tháng là 430.000 đồng.

Không chỉ khác nhau về số tiền bồi thường, trong bản án lưu tại TAND TP.HCM ở ngay trang 1 có ghi tên thẩm phán - chủ tọa phiên tòa và các hội thẩm nhân dân, thư ký tòa, đại diện Viện KSND Q.10, trong khi đó bản án giao cho bị đơn là ông V.X.S. lại không có tên các hội thẩm nhân dân.

Án vi phạm tố tụng sẽ bị hủy

Việc hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bản án ngay tại phiên tòa một đằng và ra bản án một nẻo là chuyện cũng thường xảy ra tại tòa án VN. Tuy nhiên lấy gì để chứng minh cho việc này thì hoàn toàn không đơn giản. Bởi lẽ, dù nguyên tắc xét xử của tòa án là công khai, nhưng tòa lại có quy định việc quay phim, chụp hình, ghi âm tại phiên tòa phải được sự đồng ý và cho phép của HĐXX. Liệu trong các phiên tòa bình thường, các luật sư, người có liên quan có ghi âm được để làm bằng chứng không?

Theo thông tin, bản án của TAND Q.10 rõ ràng đã có sự khác nhau. Về nguyên tắc, sự sai sót về tính toán cộng trừ nhân chia số liệu trong bản án là hoàn toàn có thể xảy ra, nhà làm luật cũng đã dự liệu cho việc xử lý tình huống này và có nêu rõ trong các văn bản pháp luật như điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự, NQ 02/2006 HĐTP. Tuy nhiên, nếu đã phát hiện có sai sót về số liệu thì HĐXX phải sửa chữa, bổ sung bản án theo đúng quy định trình tự thủ tục của pháp luật.

Tất cả nội dung sai sót như trên được hiểu là các căn cứ pháp lý để luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự cho rằng HĐXX đã vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Vi phạm thủ tục tố tụng là một trong những căn cứ để tòa án cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án của tòa án cấp sơ thẩm.

Luật sư Huỳnh Lâm Phát (Đoàn luật sư TP.HCM)

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên