03/08/2013 07:23 GMT+7

Vết thương

MAI HOA
MAI HOA

TT - Nhìn cậu bé đang lùi dần vào góc nhà, bó gối, ngước nhìn di ảnh cha, khuôn mặt đầy hoang mang và hoảng sợ, có thể hiểu rằng nhát dao của người cậu không chỉ lấy đi tính mạng cha em, mà còn để lại trong tâm hồn non nớt kia một vết thương khủng khiếp hơn nhiều.

oBFtrKjc.jpgPhóng to
Hàng trăm người dân đã đến dự phiên tòa lưu động tại đường Hoàng Sa (P.7, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: M.H.

Nửa năm về trước, vụ án anh vợ giết em rể đã làm bà con lối xóm ở P.7, Q.3 (TP.HCM) bàng hoàng, kinh sợ. Và sáng 24-7, phiên tòa lưu động của TAND TP.HCM mở tại Q.3, xét xử Trần Thanh Hải về tội “giết người” có hàng trăm người dân tới dự. Bởi vì, những người biết chuyện đều hiểu rằng câu chuyện khủng khiếp đó có thể xảy ra ở nhiều ngôi nhà khác, nếu như ai đó còn chưa học được bài học nghĩa nhân, đạo lý làm người.

Từ hàng ghế của gia đình bị hại, người ta thấy những sắc mặt rất khác nhau. Một phụ nữ trẻ, là vợ của bị hại, ngồi bần thần, không ngừng lau nước mắt. Hai đứa con trai ngồi bên mẹ, một non nớt thơ ngây, một bừng bừng căm giận. Phía trên vành móng ngựa, bị cáo - cậu của hai em - đang rành rọt trả lời từng câu hỏi của hội đồng xét xử.

Bát đũa xô nhau

Trần Thanh Hải (52 tuổi) không vợ con, sống cùng với mẹ và gia đình em gái ở căn nhà nhỏ trong con hẻm 134 Lý Chính Thắng. Nhà chật, lại đông người nhưng mọi người đã vui vẻ sống hơn 20 năm nay. Dù cho có lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng hàng xóm láng giềng vẫn khen gia đình ấy sống hòa thuận, biết yêu thương nhau, kính trên nhường dưới, với láng giềng chẳng để mất lòng. Vậy mà một đêm tháng 1-2013, chẳng nghe tiếng cãi vã, họ được tin anh Đỗ Văn S. vừa bị anh vợ đâm chết ngay trong nhà.

9g tối hôm đó, anh S. và vợ là chị Trần Thị T.T. đang ngồi ăn cơm, nói chuyện với mẹ và bà dì trong bếp. Hải từ trên nhà đi xuống lấy nước uống thì nghe chị T. đang kể lại chuyện cách đây vài ngày, Hải ra chỗ chị T. bán bánh cuốn để lấy thùng nhựa đi câu cá mà còn chửi T.. Cho rằng em gái nói xấu mình, Hải tức giận cãi vã. Anh S. sợ hai người sẽ đánh nhau nên can ngăn, dùng tay ôm Hải đẩy lên phòng khách. Hải quay sang cự cãi, thách thức đánh nhau với anh S. rồi chạy vào bếp lấy con dao đâm anh S. một nhát. Anh S. chết, Hải ra đầu thú.

Khi thấy Hải bước xuống từ xe tù, chị T. giàn giụa nước mắt. Thấy anh trai có vẻ mập và khỏe hơn trước, chị không biết nên mừng hay đau xót. Hải bị đau bao tử nặng, lại không nghề nghiệp, mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào vợ chồng em gái. Thế nên, khi được hỏi có yêu cầu bồi thường hay cấp dưỡng nuôi con hay không, chị T. chỉ lắc đầu. Chị cố dùng những lời lẽ nhẹ nhàng nhất để nói về tội lỗi của anh mình. Phía dưới có tiếng xì xầm: “Án phí chắc cũng tới lượt nó đóng luôn, chứ còn bồi thường bồi thiếc gì”.

Tòa tuyên án. 20 năm tù. Bị cáo quay xuống, giơ cao hai tay, nở một nụ cười. Nhìn thấy nụ cười đó, tất cả những người dự khán đang ngồi đều đứng cả dậy, ngạc nhiên. Không ai hiểu anh ta cười vì cái gì, nhưng trong suốt phiên xử Hải đã luôn tươi tỉnh như vậy. Chỉ có khoảnh khắc duy nhất Hải cúi đầu im lặng khi nghe vị hội thẩm nhân dân phân tích: “Bị cáo đã 52 tuổi đầu, đâu còn nhỏ dại mà nói là bồng bột. Chỉ vài câu nói mà nỡ cầm dao đâm chết người ta, để cho em gái góa chồng, các cháu mồ côi. Rồi đây bản án lương tâm mới là thứ giày vò bị cáo suốt cuộc đời còn lại”.

Cho dù thứ tha

Đám đông tản ra thành từng tốp nhỏ, không ngớt bàn tán về bản án vừa rồi. Chị T. ra về trong vòng tay của những người hàng xóm tốt bụng. Họ dìu chị đi. Căn nhà, nơi xảy ra bi kịch, chỉ cách nơi xử án mấy chục bước chân, mà sao như quá sức với những người phụ nữ trong căn nhà ấy. Mẹ chị T., 75 tuổi, bị tăngxông, không đến dự phiên xử được.

Mái nhà ấy đã từng rất đầm ấm, đông vui. Vậy mà chỉ trong một năm đã vắng hết ba người đàn ông. Tang cha chưa mãn, chị T. đã phải lập thêm bàn thờ chồng. Căn nhà nghi ngút khói hương, tiếng kinh đọc rầm rì khiến không gian càng thêm lạnh lẽo. Bà cụ ngồi lặng im như chiếc bóng, tựa lưng vào một chiếc tủ thờ. Nghe con gái nói lại về bản án, bà bật khóc rưng rức, đưa tay ôm ngực: “Trời ơi, bên nào cũng là con. Đứa chết, đứa vô tù, lúc ra đã bằng tuổi già này rồi”. Chị T. cũng khóc, nói: “Nhà bỗng nhiên thiếu tay người đàn ông, thấy trống huơ trống hoác. Cái quạt treo tường hư, không ai sửa. Buổi tối phải tự tay dắt chiếc xe máy vào nhà mà sao thấy nặng nề. Trước đây, tối nằm ngủ, ảnh hay ôm con thủ thỉ, dạy phải biết lễ nghĩa, ra đường phải biết chào hỏi người lớn... Giờ ảnh đi rồi, mình tôi sao nuôi dạy con nên người...”.

Cậu con trai lớn của anh chị năm nay 20 tuổi, vẫn thương và quấn quýt với cha như ngày còn nhỏ. Chị T. nói hôm xảy ra chuyện, nếu con ở nhà thì chưa biết bi kịch này sẽ tới đâu. Lúc tòa xử, mấy cô bác hàng xóm, có cả bà con bên nội ngồi bên cạnh, cứ cố gắng tìm lời động viên, rằng người mất đã mất rồi, có xử thế nào thì cũng không thay đổi được. Người con gằm mặt, nói “cậu Hải đi tù còn có ngày về, ba con chết rồi sao về được nữa”. Sự căm giận sau chừng ấy thời gian dường như vẫn còn nguyên trong lòng người con. Nhưng bằng tất cả những gì tốt đẹp đã được cha dạy dỗ, cậu vẫn nói lời tha thứ.

Cậu con trai út - 11 tuổi, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn và lễ phép. Suốt phiên xử, cậu bé ngồi bên mẹ. Thi thoảng ngước lên nhìn những giọt nước mắt mẹ tuôn rơi, cậu đưa tay nắm lấy bàn tay mẹ. Khuôn mặt thơ ngây, ánh mắt không vương chút hận thù, người ta có thể tin tưởng hoàn toàn vào sự bao dung, sự tha thứ của cậu bé dành cho người phạm tội. Nhưng khi về tới nhà, cậu buồn rười rượi, nói nhớ ba. Cậu bé châm một nén nhang rồi ngồi lùi ra phía góc nhà, cứ ngắm nhìn tấm di ảnh mãi. Trong bức ảnh, ba cậu đang cười...

“Nhà có mình anh Hải là con trai, lại cô đơn, bệnh tật, không thương ảnh thì thương ai. Giận thì giận đấy, nhưng anh em liền khúc ruột mà...” - trong lời nói của chị T., tôi hiểu rằng dù mái ấm này không còn nguyên vẹn, nhưng hơi ấm của lòng bao dung, sự thứ tha vẫn còn.

Nhưng...

Nhìn cậu bé đang lùi dần vào góc nhà, bó gối, ngước nhìn di ảnh cha, khuôn mặt đầy hoang mang và hoảng sợ, tôi cũng hiểu rằng nhát dao của người cậu không chỉ lấy đi tính mạng của người cha, mà trong tâm hồn non nớt kia có một vết thương khủng khiếp hơn nhiều. Vết thương đó sẽ phải cần rất nhiều thời gian, cố gắng... để có thể hàn gắn cho lành...

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên