05/03/2013 11:45 GMT+7

Vì sao con tôi chết?

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Gần 11 tháng nay, cứ 2-3 tuần tôi lại đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Jut (Đắk Nông) để hỏi về nguyên nhân cái chết của con tôi nhưng lần nào họ cũng bảo về đi, đang đợi ý kiến cấp trên...

HdKFn1Xr.jpgPhóng to
Địa điểm xảy ra vụ án là đoạn đường không có nhà dân...- Ảnh: Tr.T.

Ngày 5-4-2012, con trai tôi là V.V.T., 16 tuổi, đi lễ nhà thờ thì bị nhóm thanh niên trong đó có T.T.S. chặn đánh nên cháu và bạn lên xe máy chạy về nhà. Nghe mấy bạn cháu kể dù cháu đã bỏ về nhưng nhóm của S. vẫn đuổi theo để đánh tiếp.

Đến ngã ba Đá Chẻ 1 (thôn 6, xã Trúc Sơn, Cư Jut) cháu dừng xe ở lề, bước ra đường để nhặt mũ bảo hiểm đánh rơi thì bị S. tông thẳng xe máy vào người cháu rồi bỏ chạy. Sau này tôi được biết Công an huyện Cư Jut lại cho rằng cháu đi ra giữa đường ném mũ bảo hiểm vào S. nên bị xe của S. tông trúng.

Các bạn của T. đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jut cấp cứu, đồng thời báo cho gia đình. Chúng tôi thấy cháu bị thương ở sau gáy nên chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Tôi gọi điện đến số máy trực ban của Công an huyện Cư Jut hàng chục lần để báo sự việc nhưng không ai nghe máy. Trên đường đi, T. vẫn tỉnh táo và kể với chúng tôi là nhóm của S. đuổi theo đến nơi, thấy cháu đang nhặt mũ ở giữa đường đã cố tình lao thẳng vào người khiến cháu ngã ngửa.

Sáng hôm sau tôi đến Công an huyện Cư Jut làm đơn trình báo sự việc, công an huyện đã triệu tập S. và bạn bè của cậu ta, đồng thời tạm giữ chiếc xe gây tai nạn ngay hôm đó.

Công an có xem xét hiện trường hay không chúng tôi không biết và họ cũng không hề lấy lời khai lúc con tôi còn tỉnh táo. Điều tra viên chỉ dặn nếu con tôi “có việc gì” phải báo họ ngay. Ban đầu tôi nghĩ con mình bị nhẹ, nhưng ba ngày sau cháu bỗng trở nặng rồi chết. Lúc này công an huyện mới đến khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân...

Sau khi đưa cháu về quê Bình Định để lo ma chay, tôi nhiều lần đến Công an huyện Cư Jut để hỏi về diễn biến vụ án, nguyên nhân dẫn đến cái chết của con.

Thế nhưng lần nào tôi cũng nghe trả lời “về đi, chưa thể thông báo gì, đang đợi ý kiến cấp trên”... Có lần vì quá sốt ruột, tôi đến phòng trưởng công an huyện để hỏi nhưng cũng không có kết quả gì.

Tết vừa rồi vợ chồng tôi về quê, ai cũng hỏi vì sao cháu chết. Tôi bảo chưa biết, vậy là bị bà con trách làm cha làm mẹ sao quá vô tâm, con chết 11 tháng rồi mà không rõ nguyên nhân!

Chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi. Ra tết, cũng đã mấy lần tôi đến công an huyện để hỏi và họ trả lời đã điều tra xong nhưng vẫn phải chờ ý kiến cấp trên rồi sẽ thông báo. Chúng tôi chỉ muốn biết công an họ điều tra đến đâu, có vướng mắc gì mà đã 11 tháng trôi qua vẫn chưa có câu trả lời về cái chết của con tôi?

(Ghi theo lời kể của ông Võ Văn Tèo, thôn 6, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jut, Đắk Nông)

Đang xin ý kiến cấp trên

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy vào ngày 5-4-2012, nhóm thanh niên của T.T.S. và V.V.T. có xích mích nên đuổi đánh nhau. Đến ngã ba Đá Chẻ 1 (lúc này khoảng 20g30), T. dừng xe và lấy mũ bảo hiểm ném vào nhóm của S. đang chạy trên đường, xe của S. tông thẳng vào người khiến T. tử vong sau đó. Tuy nhiên, mãi đến ngày 9-4-2012, khi T. đã mất thì gia đình mới báo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Jut. Lúc này chúng tôi mới thực hiện khám nghiệm tử thi, lập lại hiện trường theo lời khai nhân chứng, người gây tai nạn. Tuy nhiên, vì không còn hiện trường nên rất khó xác định được nguyên nhân thật sự của vụ án.

Công an huyện đang điều tra xem T.T.S. có “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (điều 202 Bộ luật hình sự)? Tuy nhiên các lời khai không thể xác định rõ điểm va chạm đầu tiên chính xác ở phía bên nào của tim đường. Chúng tôi đã tổ chức thực nghiệm hiện trường, có sự giám sát của Viện KSND huyện nhưng cũng chưa xác định thật chính xác, khách quan các tình tiết của vụ án này.

Dư luận cũng cho rằng S. đã cố tình dùng xe tông vào người T. nên phải khởi tố S. tội giết người, tuy nhiên rất khó để chứng minh lập luận này... Chính vì những vướng mắc nêu trên, Công an huyện (và cả Viện KSND huyện) đã có văn bản xin ý kiến cấp trên về hướng xử lý vụ án. Do chưa có kết quả nên chúng tôi chưa báo được cho gia đình bị hại.

TR.T. ghi

Cần làm rõ trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tin báo

Theo quyết định số 18/2007 của Bộ Công an (ban hành quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ), cán bộ, chiến sĩ có nhiệm vụ tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông một cách tích cực, nhanh chóng, công minh và khách quan. Giám đốc công an tỉnh bố trí địa điểm tiếp dân để tiếp nhận tin báo, giải quyết tai nạn giao thông. Đối chiếu quy định này với các thông tin được hai bên phản ánh trong bài báo, tôi cho rằng trưởng Công an huyện Cư Jut và Công an tỉnh Đắk Nông cần làm rõ một số nội dung liên quan.

Theo gia đình nạn nhân, khi có tai nạn giao thông xảy ra, những người bạn của nạn nhân đã đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu chứ không báo ngay cho công an địa phương. Có thể vì lý do này mà các cơ quan công an không thể tổ chức ngay việc bảo vệ hiện trường để có cơ sở xử lý chính xác vụ tai nạn. Tuy nhiên, cha nạn nhân cho biết vào buổi tối xảy ra tai nạn, ông đã gọi điện đến số máy trực ban của công an huyện hàng chục lần để báo sự việc nhưng không ai nghe máy. Cũng theo người cha, sáng hôm sau (tức ngày 6-4), ông đã đến Công an huyện Cư Jut nộp đơn trình báo sự việc. Tuy nhiên, phía công an huyện cho rằng “mãi đến ngày 9-4-2012, khi T. đã mất thì gia đình mới báo cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện”. Thông tin này liệu có chính xác khi có sự khác biệt với trình bày của cha nạn nhân và không phù hợp với cách xử lý bình thường của những gia đình có người gặp nạn?

Do tính chất đặc thù của các vụ án tai nạn giao thông, nếu công an các nơi không cố gắng thực hiện đúng quyết định 18/2007 của Bộ Công an thì câu trả lời vẫn cứ tiếp tục là “không” một cách vô trách nhiệm với nỗi đau của gia đình các nạn nhân.

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên