29/12/2012 07:56 GMT+7

Công ty chặn tiền bồi thường của dân

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Sau khi nhận tiền bồi thường thu hồi đất, 28 hộ dân ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) mới biết mình bị chặn mất mỗi người hàng trăm triệu đồng.

9npqzoAH.jpgPhóng to

Bà Huỳnh Thị Phước nói gia đình bà còn gần 1ha cà phê nằm ngoài dự án nhưng vẫn bị thu hồi - Ảnh: TR.TÂN

Năm 2010, UBND huyện Krông Pắk phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ công trình khu trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình cho 28 hộ dân tại xã Ea Yông với tổng cộng hơn 11 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thái Bình Dương đã giao tiền để Công ty TNHH MTV cà phê Phước An (đơn vị giao khoán đất cho các hộ dân) chi trả cho dân...

Kê thiếu đất, trả thiếu tiền

Theo nghị định 69 ngày 13-8-2009 của Chính phủ (về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) thì khi thu hồi đất người dân được nhận bồi thường 40% chi phí hỗ trợ đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, ông Văn Đình Quang, thôn Phước Thành, quả quyết ông không nhận được phần hỗ trợ 40% này (119 triệu đồng). Có 21 hộ dân cũng chung tình cảnh như ông Quang: ông Y Bem Niê bị thiếu hơn 145 triệu đồng, ông Y Lam Niê bị thiếu 141 triệu đồng, bà Trần Thị Thủy bị trả thiếu hơn 116 triệu đồng...

Ngoài ra, nhiều hộ gia đình nhận khoán đất cũng cho rằng mình bị kê thiếu diện tích đất được bồi thường. Bà Huỳnh Thị Phước (thôn Phước Thành) cho biết gia đình bà có 1,05ha cà phê (trồng xen cây sầu riêng) nhận giao khoán của công ty đến hết năm 2022. Tuy nhiên, công ty chỉ kê khai diện tích của bà có 0,18ha, “quên” mất 0,87ha. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoan bị kê thiếu 0,12ha, bà Trần Thị Thủy và bà Phan Thị Long bị thiếu mỗi người 0,05ha...

Không chỉ vậy, có năm hộ dân phần lớn diện tích nằm ngoài dự án nhưng vẫn bị công ty thu hồi hết và đem bán thanh lý (bán lại) cho năm hộ dân khác. Ông Phạm Văn Cường (thôn Phước Thành) nói gia đình ông chỉ có 0,12ha đất nằm trong dự án nhưng công ty đã thu hồi toàn bộ 0,88ha đất cà phê của ông. Ông đã nhiều lần kiến nghị Công ty TNHH MTV cà phê Phước An giao lại diện tích đất dư này cho gia đình ông sản xuất nhưng công ty không chấp nhận. Sau đó công ty đã bán thanh lý 0,76ha đất thu hồi dư của ông cho một hộ dân khác tại TP Buôn Ma Thuột.

Phải bồi thường thêm tiền cho dân

Ông Hồ Sỹ Trung, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Phước An, lập luận rằng các hộ dân nói trên thực hiện hợp đồng giao khoán với công ty, khi có chủ trương của tỉnh thu hồi đất để làm khu dân cư, công ty đã thanh lý hợp đồng. Chủ đầu tư bồi thường là bồi thường cho công ty chứ không phải cho các hộ dân nữa, ông Trung khẳng định như vậy, dù chúng tôi đặt câu hỏi theo nghị định 69 của Chính phủ thì đối tượng được hưởng bồi thường 40% giá trị vườn cây lâu năm là các hộ nhận giao khoán.

Đối với năm hộ dân bị công ty thu lố diện tích đất không nằm trong dự án rồi bán thanh lý cho các hộ dân khác, ông Trung cho rằng công ty thu hồi diện tích đất rộng hơn để dự phòng, khi có chi tiết dự án công ty có thông báo công khai bán lại những lô đất nói trên, năm hộ dân này cũng biết nhưng họ không mua

Ông Nguyễn Thịnh Phát, phó chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, khẳng định hiện thanh tra tỉnh đã có dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc nêu trên. Theo đó, Công ty TNHH MTV cà phê Phước An đã mắc một loạt sai sót trong việc thu hồi đất và bồi thường, vì vậy công ty cần xem xét bồi thường thêm những khoản còn thiếu. Đối với diện tích thu lố của năm hộ dân, công ty phải hủy các hợp đồng bán đất đã ký để ưu tiên ký lại hợp đồng giao khoán cho năm hộ dân này.

Người dân có thể kiện

Theo quy định tại khoản 4, điều 16, khoản 3, điều 20 nghị định số 69/2009/NĐ-CP, nghị định 197/2004/NĐ-CP, các hộ dân nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp của Công ty TNHH MTV cà phê Phước An khi bị thu hồi đất thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (không được bồi thường về đất). Trong trường hợp các hộ thuộc diện nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ bằng tiền. Ngoài ra còn được bồi thường đối với cây lâu năm trên đất tại thời điểm thu hồi đất.

Như vậy, đối tượng được nhận bồi thường là các hộ dân chứ không phải Công ty TNHH MTV cà phê Phước An. Công ty không phải là người trực tiếp canh tác, sản xuất trên đất từ thời điểm giao khoán cho đến thời điểm thu hồi đất. Hơn nữa trong thời gian canh tác, sản xuất trên đất các hộ dân cũng đã thực hiện nghĩa vụ của mình khi nhận giao khoán là chăm sóc vườn cây cà phê, nộp sản phẩm hằng năm cho công ty nên công ty không thể nói theo kiểu phủ nhận toàn bộ công sức của các hộ dân này. Ngoài ra, thời hạn giao khoán đất cho người dân vẫn còn nhưng công ty đã vội vàng thanh lý hợp đồng để nhận tiền bồi thường từ Nhà nước, cách xử lý này của công ty vừa không đúng luật vừa trái đạo đức xã hội.

Trong việc năm hộ dân có phần lớn diện tích nằm ngoài dự án nhưng vẫn bị Công ty Phước An thu hồi hết và đem bán thanh lý cho những cá nhân khác mặc dù thời hạn được giao khoán đất của năm hộ này vẫn còn và họ vẫn có nhu cầu tiếp tục canh tác, sản xuất trên đất thì Công ty Phước An đã làm trái với quy định pháp luật. Theo nghị định số 135/2005/NĐ-CP, thời hạn giao khoán đất là theo thỏa thuận, trong trường hợp bên nhận khoán không vi phạm hợp đồng mà có nhu cầu thì bên giao khoán tiếp tục ký kết hợp đồng giao khoán để họ tiếp tục trực tiếp canh tác, sản xuất.

Nếu có đầy đủ cơ sở để chứng minh việc thanh lý hợp đồng này là trái pháp luật, gây thiệt hại cho mình thì năm hộ dân này có thể kiện yêu cầu Công ty Phước An phải bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, các hộ gia đình nhận khoán đất cho rằng mình bị kê thiếu diện tích đất được bồi thường thì có quyền khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên