01/11/2012 07:49 GMT+7

Chết vẫn chưa được bồi thường oan sai

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Bắt tạm giam một công dân nhưng rồi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp, TP.HCM phải đình chỉ điều tra vì không chứng minh được việc phạm tội.

Người - bỗng - chốc - trở - thành - bị - can đã khiếu nại đòi bồi thường oan sai từ lúc còn sống, đến khi chết vẫn chưa được giải quyết.

9bHvLHx9.jpgPhóng to

Bà Mai Thanh Thúy - người được ủy quyền đòi bồi thường oan sai cho ông Dũng - trình bày sự việc - Ảnh: Quang Định

Ngày 19-10-2008, ông Lê Quốc Dũng (55 tuổi, ở phường 16, quận Gò Vấp) bị Công an quận Gò Vấp bắt tạm giam vì nghi ngờ có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Năm tháng sau, ngày 19-3-2009, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) quận Gò Vấp ký quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và thay bằng quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Dũng.

Tháng 5-2009, VKS quận Gò Vấp đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Lê Quốc Dũng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 140 Bộ luật hình sự. Theo cáo trạng, năm 2000 ông L.Q.T. (anh ông Dũng) đứng tên đăng ký chiếc xe máy Honda Future, sau đó đưa cho em gái là bà L.T.B.H. sử dụng. Ông Dũng mượn xe của bà H. đi cầm cố lấy tiền tiêu xài mà không chuộc lại nên ông T. làm đơn tố cáo ông Dũng. Cáo trạng cũng cho rằng lời khai của bà H. không có cơ sở khi bà nói chiếc xe là của bà bỏ tiền ra mua, vì bị câm điếc bẩm sinh nên bà nhờ ông T. đứng tên đăng ký giùm.

Quyết định đình chỉ điều tra tới trễ 4 tháng

Tuy nhiên, theo một tài liệu mà phóng viên có được, bà H. nhờ ông Dũng đi cầm chiếc xe chứ không phải ông Dũng mượn xe bà rồi chiếm đoạt. TAND quận Gò Vấp xét thấy chưa đủ cơ sở để xét xử nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 26-2-2010, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp ký quyết định đình chỉ điều tra bị can và vụ án. Đến ngày 7-6-2010, Công an quận Gò Vấp mới mời ông Dũng lên công bố quyết định. Đầu năm 2012, ông Dũng làm đơn gửi VKS quận Gò Vấp đề nghị bồi thường oan sai số tiền hơn 300 triệu đồng. Theo đơn yêu cầu bồi thường của ông Dũng, việc ông bị tạm giam, truy tố làm cuộc sống gia đình ông bị xáo trộn, tinh thần cha con ông bị khủng hoảng, mất thu nhập, bị hàng xóm và xã hội coi thường...

Anh Lê Quốc Dương, con trai ông Dũng, cho biết: “Tháng 6-2010, cha tôi nhận được quyết định đình chỉ điều tra nhưng do ông ốm đau suốt, lại không hiểu biết pháp luật nên không biết sẽ được bồi thường oan sai. Đầu năm 2012, được người quen chỉ bảo và làm đơn giùm nên cha tôi mới gửi đơn lên VKS quận Gò Vấp yêu cầu bồi thường. Nhiều lần cha tôi được mời lên VKS quận Gò Vấp làm việc nhưng lúc thì được trả lời đã hết thời hiệu khiếu nại bồi thường, lúc đại diện VKS quận Gò Vấp lại bảo việc bồi thường oan sai thuộc thẩm quyền của VKS TP.HCM”.

Ông Dũng mất vào tháng 8-2012 do bệnh nặng. Anh Dương tiếp tục gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai cho cha. Ngoài yêu cầu VKS quận Gò Vấp bồi thường và công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, anh Dương còn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các điều tra viên, kiểm sát viên có liên quan vì sao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can ký ngày 26-2-2010 nhưng bốn tháng sau mới mời cha anh đến công bố quyết định.

Đã hết thời hiệu?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Mai (kiểm sát viên VKS quận Gò Vấp, người phụ trách xem xét đơn của ông Dũng) cho biết: “VKS quận Gò Vấp không thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Dũng với lý do đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường theo điều 5, khoản 1 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Anh Dương bức xúc nói: “Tháng 6-2010 cha tôi mới nhận được quyết định, tháng 3-2012 đã gửi khiếu nại yêu cầu bồi thường oan sai thì chưa hết thời hiệu”.

Trong khi đó, ông Mai cho biết VKS chỉ căn cứ vào ngày công bố quyết định đình chỉ vụ án để xem xét có bồi thường hay không, còn công bố quyết định sớm hay muộn là do Công an quận Gò Vấp, VKS không liên quan.

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với thượng tá Trà Văn Lào (phó trưởng Công an quận Gò Vấp) để hỏi về việc tại sao quyết định đình chỉ vụ án ký từ tháng 2 nhưng đến tháng 6 mới công bố cho bị can nhưng bị từ chối trả lời. Thượng tá Lào cho biết: “Việc yêu cầu bồi thường thuộc thẩm quyền của VKS Gò Vấp, có yêu cầu gì cứ liên hệ bên đó”.

Anh Lê Quốc Dương đã gửi đơn lên TAND TP.HCM, VKS TP.HCM, Công an TP.HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội... về việc yêu cầu bồi thường cho cha mình nhưng tất cả đều có công văn trả lời việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS quận Gò Vấp. Anh Dương cho biết đang làm các thủ tục cần thiết để khởi kiện VKS quận Gò Vấp ra tòa.

Đương sự có quyền khởi kiện

Căn cứ theo điều 26 khoản 2 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, VKS quận Gò Vấp là cơ quan phải bồi thường cho ông Dũng. Đồng thời, do tống đạt quyết định đình chỉ muộn, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp cũng có trách nhiệm tương ứng với mức độ thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Vì Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp vi phạm thời hạn gửi quyết định đình chỉ theo quy định của khoản 4 điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát cùng cấp; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa”.

Nếu không đồng ý với cách giải quyết của VKS và Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp, anh Dương có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm kể từ ngày cá nhân biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên