09/05/2012 07:47 GMT+7

Cần cụ thể hơn các điều kiện để tạm giam

CHI MAI
CHI MAI

TT - Lạm dụng biện pháp tạm giam dẫn đến các hệ lụy khôn lường cho người mắc vòng lao lý. Trang Pháp luật & cuộc sống đã đề cập việc phải tôn trọng nguyên tắc “Suy đoán vô tội” trong hoạt động tố tụng.

Xin giới thiệu tiếp những ý kiến về chủ đề này.

gAKnf3WM.jpgPhóng to

Cô Trương Thị Kim Hoàn (trái) ký biên bản về việc nhận bồi thường oan sai tại buổi TAND quận 1, TP.HCM tổ chức xin lỗi công khai đối với cô ngày 6-1-2010 - Ảnh: Đ.X.

Được tòa tuyên vô tội sau khi bị tạm giam 4 năm

Tháng 5-2004, công an bắt giữ một đường dây mua bán ma túy tại khu vực quận 1 (TP.HCM). Các đối tượng chuyên bán ma túy khai rằng cô Trương Thị Kim Hoàn (20 tuổi, ngụ phường Cô Giang, quận 1) là người cung cấp ma túy cho họ, nên tháng 8-2004 cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam cô Hoàn.

Viện KSND quận 1 đã truy tố và TAND quận 1 hai lần mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt cô Hoàn mức án 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, hai bản án sơ thẩm đều bị TAND TP.HCM tuyên hủy khi xử phúc thẩm (theo kháng cáo kêu oan của cô Hoàn).

Tháng 2-2009, sau khi ra cáo trạng lần 3 để truy tố và chuyển hồ sơ cho TAND quận 1 để xét xử lại lần 3, Viện KSND quận 1 đã rút toàn bộ quyết định truy tố cô Trương Thị Kim Hoàn vì không đủ cơ sở buộc tội. Tổng cộng cô Hoàn đã bị tạm giam hơn 4 năm. Cô được bồi thường oan sai hơn 143 triệu đồng.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng(Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương):

Phải đảm bảo quyền con người

Vấn đề tạm giam, chúng tôi đã có ý kiến nhiều rồi. Với những tội ít nghiêm trọng thì không cần thiết phải tạm giam. Và thực tế chúng ta đã có quy định chế độ bảo lãnh đối với những tội ít nghiêm trọng - điều mà ở các nước làm lâu rồi. Nhiều trường hợp bắt tạm giam rồi không có tội, hoặc không đúng tội danh dẫn đến chỗ Nhà nước phải bồi thường nhiều. Chúng ta đang “làm chắc” nhưng lại dẫn đến vi phạm nhân quyền. Đó là điều rất nguy hiểm. Vì không có tội mà giam người ta như vậy là vi phạm nhân quyền rồi.

Theo nghị quyết 49 cải cách tư pháp, công lý phải minh bạch và đảm bảo quyền con người. Đó mới là điều quan trọng.

Quy định tạm giam ở một số nước

- Luật pháp Mỹ quy định các nhân viên tư pháp có thể yêu cầu tạm giam đối với những bị cáo: chờ xét xử một tội nghiêm trọng; chờ thi hành án, chống án, hoặc trong khi chờ hoàn tất việc tuyên án; đang chịu án treo hoặc được tha có điều kiện. Một số trường hợp khác cũng có thể bị tạm giam là bị cáo không phải là công dân Mỹ, bị cáo có thể đào tẩu hoặc gây nguy hiểm cho người khác trong cộng đồng. Thời hạn tạm giam là 10 ngày.

- Tại Anh quy định thời gian tạm giam tối đa là 14 ngày. Tuy nhiên kế hoạch tăng thời gian tạm giam mà không buộc tội đối với các nghi can khủng bố lên 28 ngày hồi năm 2008 đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội.

- Tương tự tại Thụy Điển, nghi can không được bị tạm giam quá hai tuần đối với những trường hợp phạm tội có mức án trên một năm, có nguy cơ tái phạm tội, tiêu hủy chứng cứ hoặc ảnh hưởng đến quá trình điều tra, hoặc bỏ trốn.

- Trong khi đó, tòa án Phần Lan phải đưa ra quyết định bắt giam nghi can sau ba ngày tạm giam.

- Malaysia hồi tháng 4-2012 công bố luật an ninh mới nhằm chấm dứt việc giam người vô thời hạn mà không đưa ra xét xử. Luật mới, thay thế cho luật an ninh nội địa tồn tại hơn nửa thế kỷ qua, sẽ giới hạn việc tạm giam xuống còn 28 ngày và mang tính bảo vệ hơn đối với người bị bắt giam. Tuy nhiên các nhóm chống đối chỉ trích luật mới là “không thể chấp nhận được” vì vẫn cho phép bắt người mà không xét xử.

- Campuchia quy định thời hạn tạm giam là bốn tháng, tuy nhiên có thể được kéo dài thành sáu tháng. Đối với các tội ác chiến tranh, diệt chủng… thời hạn tạm giam có thể lên đến một năm nhưng không vượt quá ba năm.

Luật sư Trương Xuân Tám(ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc):

Tạm giam không phải là biện pháp duy nhất

Nếu biện pháp tạm giam bị lạm dụng sẽ dẫn đến hậu quả “vô phúc đáo tụng đình” như dân gian truyền khẩu, có khi người bị tạm giam oan sai không chờ được đến khi được minh oan, không tin mình sẽ được minh oan nên đã phẫn uất và tự vẫn trước khi sự việc được sáng tỏ.

Một xã hội văn minh là xã hội có ít nhất số người bị bỏ tù; một nền tố tụng nhân văn, tôn trọng cao cả quyền con người là một nền tố tụng có ít nhất bị can bị tạm giam trước khi xét xử công khai, đảm bảo quyền bào chữa đầy đủ cho nghi can ngay từ khi bị khởi tố.

Không cần tạm giam mà vẫn điều tra rõ ràng tội phạm được mới là một đòi hỏi, một thách thức để cơ quan điều tra nâng cao trình độ nghiệp vụ, trang thiết bị, hiện đại hóa hoạt động tố tụng.

Trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay, tạm giam không phải là biện pháp duy nhất để ngăn chặn mà còn có các biện pháp khác như cấm đi khỏi nơi cư trú (điều 91), bảo lãnh (điều 92), đặt tiền hoặc tài sản có giá để bảo đảm cho tại ngoại (điều 93).

Tuy nhiên, trong thực tế việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tùy thuộc vào ý thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng mà không có chuẩn mực rõ ràng để người dân, xã hội có thể giám sát hoạt động đó có đúng đắn hay không, có bị lạm dụng hay không. Thậm chí biện pháp “đặt tiền hoặc tài sản có giá để bảo đảm” chỉ dành cho người nước ngoài là nghi can phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng cũng rất ít khi được áp dụng. Lý do là cho đến nay cũng chưa có một quy định nào hướng dẫn về số tiền, tài sản bao nhiêu, bảo đảm cho loại tội nào... dẫn đến việc cơ quan điều tra, viện kiểm sát rất lúng túng, không muốn áp dụng và có áp dụng cũng tùy nghi không theo chuẩn mực nào.

Chúng tôi được biết trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XII này có kế hoạch sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, đảm bảo tốt hơn quyền tự do dân chủ của công dân.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng biện pháp tạm giam và tâm lý suy đoán có tội, chúng ta cần thẩm thấu hơn nữa nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự, thậm chí cần mạnh dạn thể hiện tinh thần “để lọt tội phạm còn hơn bắt oan sai người vô tội”. Các điều kiện để tạm giam, tạm giữ cần phải sửa đổi theo hướng minh bạch hơn, rõ ràng hơn, hạn chế quy định mang tính định tính chung chung.

Quyền của người bị tạm giam, tạm giữ cũng cần được quy định một cách đầy đủ, trong đó có quyền không trả lời trước khi có mặt luật sư bào chữa. Đối với những nhóm tội ít nguy hiểm cho xã hội thì không nên tạm giam, mà thay thế bằng các biện pháp ngăn chặn khác như: bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm.

Một khi có cơ quan, tổ chức có đủ uy tín bảo lãnh, hoặc thân nhân của họ có tiền bảo đảm thì cần cho tại ngoại điều tra, vì sự bảo lãnh, bảo đảm đó đã đủ sức ngăn chặn bị can bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội mới trong thời gian tại ngoại.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh (Hà Nội):

Bị án giam là mất tất cả!

Khi cơ quan điều tra bắt người - gồm bắt khẩn cấp, bắt truy nã, bắt bình thường... - đều phải được viện kiểm sát phê chuẩn. Bắt bình thường đối với người phạm tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng, trong thời hạn điều tra hai hoặc ba tháng, nếu xét thấy không đủ dấu hiệu phạm tội thì phải thả người.

Có những trường hợp sau khi hết thời hạn tạm giam, án không thuộc loại phức tạp nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa điều tra xong, cứ suy đoán là có tội nên tiếp tục giam bị can. Việc tiếp tục giam đó là lỗi do viện kiểm sát vì viện kiểm sát không thúc đẩy, giám sát, không kiểm tra sát sao vụ án...

Nếu viện kiểm sát giám sát tốt thì sẽ có ý kiến để cơ quan điều tra thay đổi hình thức ngăn chặn đối với những vụ nghi can phạm tội lần đầu, hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc mức nghiêm trọng, nhân thân tốt. Tuy nhiên có nhiều vụ án tôi thấy trong giai đoạn điều tra bị can đã bị tạm giam, đến lúc ra tòa thì buộc phải tuyên một bản án phù hợp với ngày bị tạm giam, trong khi đáng lẽ tội của người đó chỉ là án treo hoặc cảnh cáo.

Giữa án giam và án treo khác nhau rất nhiều, nhất là đối với những người làm việc trong cơ quan nhà nước. Không chỉ bị thiệt thòi, bị tước đi một số quyền trong thời gian bị tạm giam mà còn mất nhiều quyền lợi khác. Ví như người được án treo thì được trả về địa phương, cơ quan nhà nước (trừ những ngành nghề đặc biệt như lực lượng vũ trang, công an và viện kiểm sát) để tiếp tục làm việc; còn với án giam, bất luận thời gian là bao lâu thì mất hết mọi quyền lợi, kể cả công việc.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên