Phóng to |
Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tập đoàn Vinashin - Ảnh: TTXVN |
Theo cáo trạng, năm 2003 bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng công ty CNTT Việt Nam - Vinashin) ký quyết định việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin (Công ty Hoàng Anh) với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỉ đồng, trong đó Vinashin góp 51% cổ phần, các cổ đông khác góp 29% cổ phần, do bị cáo Nguyễn Văn Tuyên làm giám đốc.
Đầu năm 2006, bị cáo Nguyễn Văn Tuyên muốn xây dựng một nhà máy nhiệt điện độc lập để cung cấp điện cho nhà máy thép và Khu công nghiệp Mỹ Trung - Nam Định, nếu thừa sẽ bán vào lưới điện quốc gia để kinh doanh, nên đã chủ động gặp, bàn bạc và thống nhất với bị cáo Nguyễn Tuấn Dương (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long) về việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 110 MW.
Đến năm 2007, Bộ Công nghiệp có công văn gửi Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định về việc thẩm tra hồ sơ dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, nội dung nêu rõ: Không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án, thiết bị công nghệ của dự án lạc hậu, yêu cầu chủ dự án nhiệt điện Sông Hồng phải tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Tuyên tư cách là chủ đầu tư của dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, trong các năm 2006, 2007 dù biết rõ dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng không nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia; chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuẩn bị đầu tư và phê duyệt, vẫn ký thỏa thuận chọn Công ty Cửu Long làm tổng thầu theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Đồng thời, không lập báo cáo đầu tư, không lập hồ sơ thiết kế cơ sở và thực hiện thủ tục thẩm định, khởi công xây dựng công trình khi chưa có giấy phép và chưa đủ điều kiện; lập hồ sơ mua bán thép khống để vay tiền trái phiếu quốc tế của Chính phủ sử dụng sai mục đích; chuyển đặt cọc và cho Công ty Cửu Long vay số tiền 201 tỉ đồng để đầu tư và dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng sai mục đích vay vốn.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tuyên nói sai phạm của mình không thể cấu thành tội phạm. Bị cáo Tuyên thừa nhận có cái sai là đã mượn tạm trái phiếu quốc tế để đặt cọc, nhưng chỉ là “mượn tạm” trong thời gian ngắn.
Về thủ tục liên quan đến dự án, bị cáo Nguyễn Văn Tuyên nói đã trình lên Tập đoàn Vinashin và UBND tỉnh Nam Định và do “lúc bấy giờ làm tư nhân nên chưa hiểu được” các quy định cần thiết.
Về phần mình, bị cáo Phạm Thanh Bình thừa nhận hành vi liên quan được nêu trong cáo trạng, nhưng chưa nhất trí về nội dung gây thiệt hại. Bị cáo Bình cho rằng: “Nếu nói tôi đứng ra tổ chức công việc này thì tôi không tổ chức mà chỉ là chỉ đạo”.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Dương cũng đồng ý về hành vi của mình được nêu trong cáo trạng, nhưng cho rằng không gây thiệt hại đồng nào của Vinashin.
Tương tự, bị cáo Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh) xác nhận hành vi, nhưng cho rằng không gây ra thiệt hại mà chỉ là người “giúp giám đốc thực hiện công việc”.
Không phải chủ sở hữu tàu nhưng vẫn tự thanh lý
Trước đó, hội đồng xét xử đã thẩm vấn các bị cáo về việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang. Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Trần Quang Vũ (nguyên tổng giám đốc Vinashin, tổng giám đốc Công ty Nam Triệu).
Theo đại diện tổ giám định thì tàu Bạch Đằng Giang thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vinashin, Công ty Nam Triệu chỉ được giao quản lý, sử dụng. Như vậy việc Công ty Nam Triệu tự định giá và quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản là không đúng thẩm quyền. Bị cáo Trần Quang Vũ nói dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn nổi 4 sao chi phí quá cao, lại rơi vào thời điểm năm 2008 kinh tế khó khăn cho nên không thực hiện.
Việc bán đấu giá tàu Bạch Đằng Giang cũng không thành công, cho nên bị cáo Trần Quang Vũ chỉ đạo phá dỡ vỏ tàu và bán thanh lý vỏ tàu trước. Vỏ tàu Bạch Đằng Giang được bán cho Công ty Hoàng Thành với giá hơn 66 tỉ đồng. Theo cáo trạng thì việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỉ đồng.
Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận