Phóng to |
Chị Hoa và con gái trong ngôi nhà rách nát - Ảnh: Lê Đức Dục |
Tên chị là Trịnh Thị Hoa. Mẹ chị mất năm 1978 khi chị mới lên 6 tuổi, em gái chị mới 3 tuổi. Cha của chị, ông Trịnh Văn Nghiên, ở vậy nuôi con. Để kiếm sống, năm 2000 chị vào Tây nguyên hái cà phê thuê, cuộc mưu sinh tận cùng cơ cực, đến mức khi trở về vào năm 2007 thì cha của chị đã mất từ năm 2003.
Rồi em gái đi lấy chồng xa, cũng vì quá nghèo nên bị bạo bệnh chết, để lại đàn con ba đứa. Chị Hoa trở về sống trên mảnh vườn với ngôi nhà cũ rách nát. Mẹ mất, cha mất, em gái mất. Chị chỉ còn niềm an ủi duy nhất là đứa con gái 6 tuổi.
Nhưng dường như số phận chưa dừng trêu ngươi với đời chị. Năm 2009 chị Hoa lâm bệnh thập tử nhất sinh, nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bà con làng xóm thay nhau chăm nom chị. Con gái chị cũng được hàng xóm thay nhau nuôi. Người góp vài ngàn, người cho lon gạo. Bác sĩ ở bệnh viện cũng ái ngại tính chuyện “lo lui” (cách nói chỉ rằng không thể cứu được, đưa về nhà lo hậu sự).
Nhưng nỗi lo con gái mồ côi đã khiến chị vượt qua bạo bệnh như một phép mầu. Biết hoàn cảnh của chị, một người quen đã nhiệt tình gõ cửa các cơ quan chức năng lo cho chị tấm sổ hộ nghèo để đỡ phần nào viện phí. Từ bệnh viện trở về, nhờ có sổ hộ nghèo nên chị được hỗ trợ để xây nhà tình thương. Và câu chuyện bắt đầu từ đây...
Hành trình đi kiện
Sáng 1-3-2010, khi bà con chòm xóm đến mừng cho hai mẹ con chị Hoa sắp có được ngôi nhà mới thì ông Trần Văn Đạt, hàng xóm của chị Hoa, bí thư chi bộ thôn Kinh Môn, kéo sang ngăn cản. Ông Đạt trưng ra một hợp đồng mua bán đất rằng mảnh đất vườn này cha chị Hoa đã bán toàn bộ cho ông và ông đã được cấp sổ đỏ. Chị Hoa tá hỏa. Trước đây chị có biết việc cha chị bán nửa mảnh vườn cho ông Đạt, nhưng nửa thửa đất còn lại (gần 850m2) - nơi đang có ngôi nhà thờ tự bát hương cha mẹ chị - mà ông Đạt cũng có sổ đỏ thì thật là vô lý.
Chị Hoa gửi đơn khiếu nại và cầu cứu lên các cấp chính quyền.
Ngày 17-3-2010, UBND huyện Gio Linh có thư trả lời rằng việc chuyển nhượng mảnh đất 1.753m2 vườn nhà của ông Trịnh Văn Nghiên và ông Đạt là “hoàn thành thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật”.
Có hai điều cần phải nêu ở đây. Một là, toàn bộ thửa đất 1.753m2 được cấp quyền sử dụng cho hộ gia đình ông Trịnh Văn Nghiên, nên một mình ông Nghiên ký tên chuyển nhượng là không hợp pháp. Thứ hai, chị Hoa cho rằng chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng không phải là chữ ký của ông Trịnh Văn Nghiên, cha chị.
Ngày 21-9-2010, UBND huyện căn cứ vào kết quả giám định của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị, trả lời chị Hoa rằng chữ ký trên giấy tờ chuyển nhượng đất là do ông Nghiên ký.
Hành trình khiếu kiện của chị Trịnh Thị Hoa cam go suốt gần hai năm qua, cho đến khi chị thấy có chút ánh sáng lóe lên. Công văn trả lời ngày 29-8-2011 của Phân viện Khoa học hình sự Tổng cục Cảnh sát tại TP.HCM kết luận các chữ ký trên những tờ hợp đồng chuyển nhượng không phải là chữ ký của ông Trịnh Văn Nghiên!
... Và thua kiện!
Chị Hoa đã làm đơn khởi kiện UBND huyện Gio Linh, yêu cầu hủy bỏ quyết định 224/2004/QĐUB ngày 25-2-2004 của UBND huyện về việc thu hồi mảnh vườn có diện tích 1.753m2 của hộ ông Trịnh Văn Nghiên (để chuyển quyền sở hữu cho ông Trần Văn Đạt), đồng thời yêu cầu UBND huyện bồi thường thiệt hại việc chị không được xây dựng nhà.
Ngày 23-9, Tòa án huyện Gio Linh xét xử sơ thẩm vụ kiện, bác bỏ đề nghị của chị Hoa. Tòa cũng tách phần đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần của chị Hoa để xử trong một phiên khác.
Chúng tôi không thể kể hết trong một bài báo về những gì mà chị đã chịu đựng trong hành trình đi kiện. Đường dây điện thắp sáng vào nhà bị cắt (sau khi chúng tôi về gặp chị thì đã được mắc lại). Thậm chí với hoàn cảnh của chị, chị đã được hưởng chế độ trợ cấp 202 (dành cho người tàn tật, tâm thần, không nơi nương tựa), tuy nhiên từ ngày chị đội đơn đi kiện thì chế độ trợ cấp này bị cắt luôn.
Khi chúng tôi hỏi ông Phan Thanh Tý, chủ tịch UBND xã Trung Sơn, ông Tý trả lời: “Chúng tôi cắt chế độ 202 của cô Hoa này tại vì hoàn cảnh cô đã khá hơn (?)”. Chúng tôi hỏi lại: “Nếu chúng tôi dẫn chứng ở Trung Sơn có nhiều người hoàn cảnh khá hơn cô Hoa mà vẫn hưởng chế độ 202, trong khi cô Hoa bị cắt thì ông giải thích thế nào?”. Ông Tý im lặng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận