29/07/2011 10:32 GMT+7

Cha - con, hình - bóng

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Hai cha con không nhìn nhau dù chỉ một cái liếc mắt. Cả hai dửng dưng giống như người xa lạ nhưng bóng họ đổ dài quyện lên nhau như muốn kéo hình lại với nhau.

LPZ9TKN3.jpgPhóng to

Phiên tòa dân sự tranh chấp tiền cấp duỡng nuôi con tại TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) vắng ngắt, chỉ có ba đương sự và tôi ngồi lọt thỏm trong phòng xử có hai dãy ghế song song.

Mặc dù tòa không quy định nhưng nguyên đơn và bị đơn thường ngồi riêng mỗi dãy ghế. Phiên tòa hôm ấy cũng vậy. Người mẹ cùng với con là bên khởi kiện ngồi dãy ghế phải. Người cha là bên bị kiện ngồi dãy ghế trái. Có lẽ không muốn nhìn nhau nên hai bên ngồi xoay lưng lại. Phiên tòa chưa bắt đầu, không khí đã lặng phắt. Có cảm giác không gian phòng xử rộng thênh bởi những hàng ghế trống...

Lạt lẽo

Phiên tòa bắt đầu. Qua diễn tiến tại tòa, nội dung vụ tranh chấp hiện rõ dần. Sống với nhau được sáu năm, người cha và người mẹ ra tòa ly hôn với lý do không hợp. Tòa tuyên người mẹ được quyền trực tiếp nuôi con, người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 100.000 đồng đến khi con trưởng thành. Sau mười năm, bà yêu cầu ông thay đổi mức cấp dưỡng lên 500.000 đồng/tháng. Ông không đồng ý. Bà làm đơn khởi kiện.

Người mẹ trình bày: hiện con trai học lớp 11, năm học tới lên lớp 12 nên cần thêm những khoản chi tiêu... Bên cạnh đó, bà bị giật hụi nên phải trích một phần tiền lương công chức của mình trả nợ. Vì vậy bà mới yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho đến khi con đủ 18 tuổi. Người cha không đồng ý bởi mình đã tái hôn và có một con, phải lo cho gia đình mới, ngoài ra chuyện làm ăn dạo này gặp khó khăn.

Tòa phân tích rằng ly hôn là chuyện của người lớn nhưng con cái lại chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Vì vậy đừng nên tính toán với con mà phải bù đắp cho trẻ mới đúng. Chủ tọa nói với bị đơn: “Tuy mối nhân duyên giữa anh và chị đã hết nhưng mối quan hệ huyết thống thiêng liêng cha con giữa anh và cháu mãi vẫn còn. Anh tính xem giờ vật giá như vậy, đòi hỏi của chị cũng chính đáng. Không nói đâu xa, luyện thi đại học chỉ một môn thôi cũng đã 500.000 đồng. Vả lại chị chỉ đề nghị anh cấp dưỡng cháu đến tròn 18 tuổi mà thôi. Nghĩa là chỉ thêm mười mấy tháng. Đây là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng tương lai cháu sau này rất nhiều. Mặc dù đã tái hôn nhưng anh là chủ tiệm bán đồ điện tử cũng khá lớn. Vậy mà không lo cho con được chừng ấy tiền sao?”.

Vẫn bằng giọng đều đều, người cha nói: “Tôi vừa đưa gần 12 triệu đồng nên không có tiền đưa nữa. Với lại nó ở với mẹ, sau này tôi đâu có nhờ vả gì”.

Người con đang ngồi đầu hơi cúi xuống, chợt ngẩng lên nhìn cha. Tôi ngồi phía sau nên không nhìn rõ những xúc cảm trên gương mặt em nhưng tôi thấy rõ hội đồng xét xử ngỡ ngàng.

Sốc

Chủ tọa hỏi tiếp: “Theo lời anh, chắc anh ít đến thăm và tâm sự với con? Anh có đến họp phụ huynh cho con không?”. Người cha: “Không”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Thế anh có biết con mình học trường nào không?”. Giọng người cha hơi nằng nặng: “Tôi không biết cô ấy có gieo vào đầu thằng bé ý nghĩ thù oán gì hay không mà khi gặp tôi nó không thèm nhìn nên tôi không đến thăm, do đó tôi cũng không biết nó học trường nào”.

Người mẹ khẳng định sau khi ly hôn, người cha không hề đến thăm con lần nào. Trong suốt 10 năm, ông không làm nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đến khi bà gửi đơn cho cơ quan thi hành án thì ông mới chịu đưa gộp tổng cộng gần 12 triệu đồng. Theo bà, có lẽ từ lâu hình bóng đứa con đã đứt trong trái tim người cha nên ông không quan tâm đến con. Vì vậy gặp cha, con không chào, chứ không phải bà dạy con làm việc trái đạo.

Khi được chủ tọa gọi lên, người con trai cố đứng cách xa cha mình một khoảng cách có thể. Chủ tọa ôn tồn: “Đó là cha của cháu, có gì mà cháu phải đứng tuốt ra xa như vậy? Vì sao cháu gặp cha mà không chào?”. Người con trai kể lần đó em cùng với mấy bạn trong lớp đi chơi thì gặp cha cùng người vợ sau. Lúc đó em chỉ mới học lớp 3, chạy theo gọi “cha ơi, cha ơi”.

Ông xoay lại, nhìn thấy con nhưng quay đi. Người con nói: “Sau đó con còn gặp cha thêm lần nữa, con gọi cha nhưng cha giả vờ như không nghe. Từ đó gặp cha, con không nhìn”. Có lẽ hình ảnh đó hằn sâu trong trí óc đứa trẻ tiểu học nên đến giờ người con vẫn nhớ rõ chuyện đắng ngắt trên. Người cha không phản ứng lại những gì con nói. Tòa cũng không hỏi lại, chắc có lẽ tòa không muốn khơi sâu sợ người con bị tổn thương chăng?

Tòa tuyên tăng mức cấp dưỡng lên 500.000 đồng/tháng cho đến khi người con đủ 18 tuổi. Phiên tòa bế mạc. Người cha tất tả tìm hỏi thủ tục kháng cáo. Dưới sân tòa, cái nắng gắt tháng 3 làm bóng hai mẹ con đổ dài liêu xiêu...

Xa lạ

Nội dung vụ án khiến tôi theo chân những người nói trên đến phiên phúc thẩm tại TAND TP Cần Thơ vào một ngày cuối tháng 6. Phòng xử ngập đầy ánh sáng nhưng toát lên vẻ lạnh lẽo, bởi mỗi dãy ghế chỉ có một người ngồi. Bên cạnh người mẹ không có người con.

Trông người mẹ có vẻ mệt mỏi hơn phiên tòa trước. Bà trình bày với tòa rằng nếu không vì tương lai con sẽ không kiện cáo làm gì bởi phải phơi bày chuyện riêng tư, những chuyện không mấy tốt đẹp trước tòa là điều mình không muốn.

Bà cũng nói thêm rằng mình rất cạn nghĩ khi cho con dự phiên tòa sơ thẩm, làm cho con bị tổn thương khi nghe những lời nói của người cha. Giọng người phụ nữ buồn buồn: “Sau khi dự tòa về, con tôi lầm lì, ít nói, kết quả học kỳ 2 giảm sút rõ rệt. Cũng may là đến kỳ nghỉ hè, tôi khuyến khích con tham gia việc xã hội. Rồi nó tìm đọc nhiều sách... nên dần dần mới hết sốc”.

Vị thẩm phán chủ tọa đã phân tích rằng về tình và lý thì người cha đều không đúng. Về tình thì làm cha mẹ ai cũng phải làm những điều tốt đẹp cho con cái mình và đôi khi cần còn phải hi sinh bản thân. Còn về lý thì cha phải có nghĩa vụ với con. Có lẽ hội đồng xét xử muốn người cha tự nguyện chấp nhận số tiền cấp dưỡng trên để cải thiện phần nào mối quan hệ phụ tử nên cố ra sức thuyết phục, nhưng người cha trước sau như một vẫn không rút kháng cáo. Hội đồng xét xử của phiên phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của người cha, tuyên y án sơ thẩm.

Họ gặp nhau ở chỗ gửi xe. Người con trai đang đứng chờ mẹ ở đó. Hai cha con không nhìn nhau dù chỉ một cái liếc mắt. Cả hai dửng dưng giống như người xa lạ nhưng bóng họ đổ dài quyện lên nhau như muốn kéo hình lại với nhau. Rồi người cha vội vã dẫn xe ra trước. Người mẹ cũng dẫn chiếc xe của mình chầm chậm đi sau. Ra khỏi cổng, họ xuôi theo đường Nguyễn Văn Cừ nhưng đến ngã rẽ mỗi xe mỗi hướng, bụi đường thốc lên mờ mịt phía sau...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên