Phóng to |
Một số bằng tốt nghiệp giả của cán bộ huyện Tịnh Biên, An Giang - Ảnh: ĐỨC VỊNH |
Điều 267 BLHS: tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-5 năm: a. Có tổ chức b. Phạm tội nhiều lần c. Gây hậu quả nghiêm trọng d. Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4-7 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. |
Với tấm bằng tốt nghiệp bổ túc THPT do Sở GD-ĐT Đồng Tháp cấp năm 1987, ông Phạm Tấn Tho mới đủ điều kiện đi học lớp cao cấp chính trị tại Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc. Nhờ vậy ông Tho dần được thăng tiến rồi giữ chức bí thư Huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện Lấp Vò. Người dân tố cáo ông ta sử dụng bằng giả,
Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp xác minh. Kết quả cho thấy ông Tho chỉ tốt nghiệp bổ túc THCS, còn quá trình học cấp III không có cơ sở chứng minh, nên năm 2008 sở ra quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp bổ túc THPT của ông Tho. Sau đó ông Tho chỉ bị xử lý mức khiển trách rồi được điều chuyển về làm phó chủ tịch Liên minh HTX Đồng Tháp.
Vẫn được tiếp tục công tác
Qua một năm kiểm tra xác minh, đến tháng 4-2011 tỉnh Sóc Trăng phát hiện 284 cán bộ sử dụng bằng giả, tất cả đều thừa nhận mua bằng, mỗi tấm từ 3-20 triệu đồng. Trong số đó chỉ có 107 viên chức của ngành giáo dục bị kỷ luật, từ chuyển công tác khác đến cho thôi việc. Còn lại phần lớn cán bộ vẫn tiếp tục công tác mà chẳng hề bị truy cứu trách nhiệm về việc sử dụng bằng giả.
Tại An Giang, đầu năm 2006 ông Dương Thành Long, phó chánh án TAND tỉnh, bị phát hiện sử dụng bằng giả. Đã vậy ông này lại thiếu trung thực, thiếu tự giác thừa nhận với tổ chức nên cuối năm 2006 bị cách chức đảng ủy viên và đến tháng 4-2007 bị TAND tối cao kỷ luật hình thức cảnh cáo. Tuy vậy, ông Long vẫn được tiếp tục giữ chức phó chánh án TAND tỉnh đến cách đây hai tháng mới nghỉ hưu.
Cũng tại An Giang, cuối năm 2010, năm cán bộ ở huyện Tịnh Biên sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, bị điều chuyển công tác khác. Gần đây nhất là chuyện phát hiện 52 cán bộ ở huyện An Phú sử dụng bằng giả, bằng không hợp pháp. Ông Nguyễn Văn Thạnh, bí thư Huyện ủy An Phú, cho biết trong thời gian chờ quyết định xử lý kỷ luật chính thức, còn có ý kiến đề nghị tổ chức khóa học đặc biệt cấp tốc, sau đó tổ chức thi lấy bằng tốt nghiệp cho số cán bộ này để họ tiếp tục... làm cán bộ.
Có thể khởi tố hình sự
Phần lớn người sử dụng bằng giả thường là cán bộ công chức. Theo Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp Trần Ngọc Ẩn, việc xử lý thường căn cứ quyết định số 94-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm để kỷ luật về mặt tổ chức (nếu là đảng viên) và căn cứ nghị định 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ để kỷ luật về mặt hành chính.
Ông Phan Tiến Trị - chủ tịch Hội Luật gia, nguyên viện phó Viện KSND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng sở dĩ không truy cứu trách nhiệm hình sự là bởi những người sử dụng bằng giả này chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, luật cũng chưa quy định rõ người sử dụng bằng giả phải bị truy cứu, xử lý hình sự thế nào.
“Trong Luật giáo dục ban hành năm 1998, điều 108 cũng chỉ đề cập truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ, mà không nói tới hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả” - một lãnh đạo ngành giáo dục cho biết.
Tuy nhiên, ông Lư Hỉ - phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh An Giang - lại cho rằng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng bằng giả. Bởi thứ nhất, khoản 1 điều 267 Bộ luật hình sự hiện hành đã quy định (xem bảng). Mặt khác, người mua kẻ bán bằng giả biết đó là phạm pháp nhưng vẫn thực hiện nên đây là hành vi phạm pháp có ý thức. Người mua, sử dụng bằng giả là đồng phạm.
Theo ông Hỉ, tại phiên tòa xét xử vụ làm bằng giả, nếu thấy chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng mua, sử dụng bằng giả thì hội đồng xét xử có quyền khởi tố hoặc yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án.
Thư bạn đọc Tôi có đọc bài “Bỏ lọt tội phạm sử dụng bằng giả” đăng trên trang Pháp luật & cuộc sống. Tôi gửi một vài ý kiến sau đây: Chuyện xài bằng giả ngày càng nhiều, từ dân thường đến công chức, đến luôn cả quan chức. “Rờ” đến đâu đụng bằng giả đến đó! Thực tiễn có nhiều hình thức xử lý kỷ luật khi phát hiện quan chức sử dụng bằng giả: về mặt Đảng là khiển trách, cảnh cáo. Về mặt nhân sự thì im ru bà rù, thậm chí “chìm xuồng” cho qua luôn. Người dân sử dụng bằng giả thì bị phạt hành chính, điển hình là cánh tài xế. Đất nước sẽ đi về đâu nếu “loạn bằng giả ngày càng loạn”, như ý kiến của GS.TS Võ Tòng Xuân? Trong khi đó theo Bộ luật hình sự, sử dụng bằng giả sẽ bị tội hình sự. Cụ thể, điều 267 tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, trong nội dung có thêm phần “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Vậy mà lâu nay có ai bị truy cứu ra tòa hình sự đâu? Thông qua bài “Bỏ lọt tội phạm sử dụng bằng giả”, quý báo Tuổi Trẻ đã đưa được sự việc ra, cộng thêm ý kiến của luật sư Đinh Văn Quế, nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, cho rằng thực tiễn đã bỏ lọt tội phạm sử dụng bằng giả rất nhiều từ trước tới giờ. Theo nghị định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức vừa được Chính phủ ban hành mới đây, công chức giữ chức vụ lãnh đạo sẽ bị cách chức nếu sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ, ngoài ra không quy định gì thêm. Bên giao thông chỉ có quy định phạt tiền khi sử dụng bằng lái giả... Vậy áp dụng luật nào? Mong quý báo làm rõ ra. Theo tôi, nếu không xử theo Bộ luật hình sự thì nạn bằng giả khó mà dẹp được. Kính chào. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận