07/06/2011 07:05 GMT+7

Bỏ lọt tội phạm "sử dụng bằng giả"

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Ngày 3-6, TAND huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bốn bị cáo Đỗ Hoàng Em, Nguyễn Thanh Phong, Dương Quốc Phong và Hà Văn Hoàng bị tuyên phạt mỗi người 2 năm tù, riêng Hà Văn Hoàng còn thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chịu mức án tổng hợp 2 năm 3 tháng tù.

w0KRhYbX.jpgPhóng to
Từ phải qua: các bị cáo Dương Quốc Phong, Nguyễn Thanh Phong, Đỗ Hoàng Em, Hà Văn Hoàng tại tòa Ảnh: Minh tâm

Người không biết chữ làm bằng cấp cho người lớp 12

Theo hồ sơ chứng cứ vụ án, Thanh Phong không biết chữ, Quốc Phong chỉ mới học lớp 2. Cả hai đã nhiều lần bắt tay nhau sản xuất bằng giả bán cho một số cán bộ, công chức ở các tỉnh thành.

Thanh Phong quen với Hoàng Em trong dịp đám giỗ. Biết Hoàng Em cần bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc để bổ sung hồ sơ cán bộ công chức nên Thanh Phong đã nhận lời lo giúp với giá 4,5 triệu đồng. Sau đó Thanh Phong và Quốc Phong làm bằng giả giao cho Hoàng Em.

Thấy có được bằng khá dễ, không phải học hành thi cử, Hoàng Em đã nói với nhiều cán bộ xã, huyện và kêu em rể là Hoàng xem ai có nhu cầu thì đến với giá 10 triệu đồng/bằng. Mỗi hồ sơ Hoàng Em chỉ đưa 4,5 triệu đồng cho Thanh Phong và Quốc Phong, còn lại chiếm hưởng. Tổng cộng có 14 người đã đến nhóm Hoàng Em mua bằng.

Riêng Hà Văn Hoàng, ngoài việc giới thiệu cho Hoàng Em hai người mua bằng giả, kiếm lợi được 6 triệu đồng, Hoàng còn lừa gạt chiếm đoạt 27 triệu đồng của bốn người mà không đưa cho họ bằng tốt nghiệp (giả) như đã hứa.

Tại tòa, Hoàng Em trình bày sở dĩ mua bằng tốt nghiệp THPT bổ túc vì bị cáo là cán bộ xã, cần bằng để bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan và cũng muốn tiến thân. Chủ tọa thẩm vấn: “Tại sao bị cáo không dùng sức học thi lấy bằng?”.

Hoàng Em bào chữa do hoàn cảnh chiến tranh không đi học được, rồi sau đó học bổ túc nhưng tại có tuổi học không vô nên thi tốt nghiệp ba lần đều rớt. Nghe Thanh Phong nói chỉ cần bỏ ra 4,5 triệu đồng mướn người thi giùm sẽ đậu nên đến lần thi thứ 4, bị cáo quyết định nhờ Phong giúp.

Hoàng Em nói: “Bị cáo nghĩ mình cần bằng để cống hiến, phục vụ lâu dài cho đất nước chứ không nghĩ chuyện mua bằng là phạm pháp”. Chủ tọa phân tích: “Cơ quan cần kiến thức mới yêu cầu bị cáo học lấy bằng, đằng này bị cáo mua bằng thì kiến thức đâu phục vụ nhân dân?”.

“Thoát” tội

Trong phiên tòa, 14 người mua bằng đều vắng mặt. Phân nửa trong đó là cán bộ giữ chức vụ chủ chốt của huyện, xã như ông Phạm Hùng Cường - phó chánh văn phòng Huyện ủy Hồng Dân, Lê Văn Cháng - phó chủ tịch UBND xã Ninh Quới A, Bùi Trung Trực - phó chủ tịch HĐND xã Ninh Quới A...

Bà Nguyễn Hồng Hoa - trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Hồng Dân - cho biết: “Anh em lớn tuổi học hành không vô nên mới xảy ra tình trạng mua bằng như thế. Và những cán bộ này đều bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng, có người không được tham gia tái cử vào đại hội đảng bộ cơ sở”. Tuy nhiên thực tế chỉ có hai cán bộ ở tuổi 50, những người còn lại đều ở độ tuổi từ 20-42, nghĩa là không phải do tuổi tác mà không học được.

14 người này cùng rất nhiều người xài bằng giả khác đã “may mắn” thoát khỏi tội hình sự. Luật sư Đinh Văn Quế, nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, phân tích: “Trong vụ án trên, những người mua bằng giả nhưng chưa sử dụng nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu họ sử dụng bằng giả để đi học đại học, tăng lương, bổ nhiệm, xin việc... thì lúc đó hành vi của họ mới cấu thành tội phạm...”.

Theo ông Quế, thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (bằng giả) chứ chưa truy cứu đối với người sử dụng. Về nguyên tắc, như thế là bỏ lọt tội phạm: “Việc cơ quan điều tra có khởi tố hình sự hay không đối với những người sử dụng bằng giả lại thuộc về chủ trương xử lý. Không truy cứu trách nhiệm hình sự những người sử dụng bằng giả chắc chắn sẽ tạo ra suy nghĩ trong xã hội là xử lý không công bằng, nhất là khi những người sử dụng giấy tờ, tài liệu giả lại là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức”.

GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng Trường đại học An Giang, nói: “Tình trạng bằng giả hiện đang là vấn nạn nhức nhối của xã hội. Những người không có thực học, sử dụng bằng giả để thăng quan tiến chức, nắm giữ những vị trí chủ chốt thật là nguy hiểm. Kiến thức kém cỏi khó có thể đưa ra những chỉ đạo đúng đắn, xứng tầm. Đó là chưa kể sử dụng bằng giả là giả dối, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ, tạo ra sự bất công trong xã hội khi nhiều người có bằng cấp, năng lực thực thụ không tìm được công việc tương xứng. Việc xử lý không nghiêm, không đủ sức răn đe, làm cho chuyện loạn bằng giả ngày càng loạn thêm...”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên