11/05/2011 15:29 GMT+7

Rắc rối chuyện điện giật chết trâu

LÊ DUNG
LÊ DUNG

TT - Một con trâu bị điện giật chết, chủ trâu đòi bồi thường, điện lực cho rằng điện rò rỉ sau đồng hồ của một hộ dân nên chỉ đồng ý hỗ trợ 2 triệu đồng. Vấn đề không phải là con trâu, nếu tai nạn chết người thì ai chịu trách nhiệm trong trường hợp này?

8qpahvH6.jpgPhóng to

Hiện trường nơi con trâu bị điện giật chết (ảnh do gia đình cung cấp)

Ngày 10-5, ông Mai Duy Hùng (ở thôn 12, xã Đambri, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Sáng 3-5, tôi có đưa trâu đi cày thuê vườn chè cho nhà ông Nguyễn Duy Thiêm ở thôn 4, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Khi cày gần tới cột điện bằng sắt, bỗng nhiên chân trước của con trâu co giật và ngã vào dây thép chằng cột điện. Chỉ vài phút sau con trâu bị điện giật cháy sém cả cổ rồi chết tại chỗ”. Sau khi trâu chết, ông Hùng có báo vụ việc cho chính quyền địa phương, công an và Công ty Điện lực Bảo Lộc (đơn vị quản lý lưới điện khu vực này).

Không ai chịu trách nhiệm

Ông Nguyễn Ngọc Minh - công an viên thôn 12, xã Đambri - xác nhận: con trâu chết do bị điện giật, nguồn điện bị rò rỉ từ nhà ông Đỗ Hữu Bằng ở cách trụ điện khoảng 50m, sau đó dẫn qua dây cáp điện thoại và truyền đến trụ điện. Trong khi đó, bà Trần Thị Nguyệt (vợ ông Bằng) lại nói: “Họ kết luận điện rò rỉ từ gia đình tôi thì tôi nghe vậy chứ có biết gì về điện đâu. Trước đó mấy ngày, ông nhà tôi trèo lên mái nhà kiểm tra nhưng vẫn kkông sao”.

Theo đo đạc của ngành điện, điện áp tại khu vực con trâu bị giật chết là 130V/220V. Ông Ngô Quang Sơn - giám đốc Công ty Điện lực Bảo Lộc - cho biết: “Đây là đường dây hạ thế 220V do người dân tự kéo (ngành điện kéo dây đến đồng hồ chính, sau đồng hồ chính các hộ dân tự kéo). Việc rò rỉ điện xảy ra ở đường dây sau đồng hồ của một hộ gia đình, do đó không nằm trong sự kiểm soát an toàn của ngành điện. Ngành điện không có lỗi nhưng do có trách nhiệm về việc quản lý mạng lưới điện nên chúng tôi mới đề nghị hỗ trợ một phần cho gia đình”.

Điện lực chỉ đồng ý hỗ trợ

Mức hỗ trợ công ty điện lực đưa ra là 2 triệu đồng và Trung tâm Viễn thông Bảo Lộc (đơn vị quản lý cáp điện thoại khu vực này) đề nghị hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Ông Hoàng Đức Hồng - phó giám đốc Trung tâm Viễn thông Bảo Lộc - cho biết nguyên nhân khiến dây điện thoại truyền điện là do dây chịu lực (kèm theo dây điện thoại) được tuốt ra để cột vào các cột điện, đầu dây lại cọ xát với mái tôn bị nhiễm điện nên mới dẫn đến tình trạng trên. Xảy ra sự cố này là ngoài ý muốn, trung tâm sẽ xem xét để đền bù cho người dân.

Theo gia đình ông Mai Duy Hùng, mức bồi thường này quá thấp so với giá trị thực của con trâu. “Sau khi con trâu chết, gia đình chỉ bán thịt được 6 triệu đồng, trong khi đó mỗi ngày đi cày thuê con trâu có thể kiếm được 500.000-600.000 đồng. Con trâu này gia đình tôi đã mua được gần ba năm nay bằng tiền vay từ Ngân hàng Chính sách, giờ nó chết rồi không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng, khi chết nó còn mang thai được 7 tháng”- vợ ông Hùng nói. Ông Hùng đã có đơn đề nghị Công ty Điện lực Bảo Lộc và Trung tâm Viễn thông Bảo Lộc đền bù thỏa đáng thiệt hại của gia đình ông.

Lưới điện nguy hiểm

Có mặt tại nơi con trâu bị chết, chúng tôi ghi nhận các trụ sắt và đường dây điện này được mắc rất sơ sài. Tại vị trí trụ điện giật chết con trâu, các trụ điện vừa cũ vừa mới chập vào nhau, dây điện và dây chằng các trụ điện được đấu nối chằng chịt. Ông Nguyễn Duy Thiêm - chủ vườn chè nơi con trâu bị điện giật - lo lắng: “Rất may là điện giật chết con trâu nên chúng tôi mới phát hiện khu này nhiễm điện. Nếu không, không sớm thì muộn người dân cũng bị điện giật.

Ông Ngô Quang Sơn cũng thừa nhận lưới điện sau đồng hồ chính do người dân tự mắc hiện còn khá phổ biến ở những vùng nông thôn. “Nếu muốn đầu tư lại bài bản thì cần chi phí rất lớn. Trong khi đó để có điện sinh hoạt, người dân phải tự kéo điện từ đồng hồ chính về nhà”- ông Sơn nói.

LÊ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên