12/10/2010 07:58 GMT+7

Ai chịu trách nhiệm?

N.ẨN
N.ẨN

TT - 10g sáng 11-10, ông Q.Đ., chồng bà Hà Thị Tuyết Mai, cùng người thân ra vái nhang ngay tại nắp cống thoát nước mà bà Mai đã vướng phải dẫn đến cái chết tức tưởi.

QZpDVGBP.jpgPhóng to
Chiếc xe gắn máy trượt ngã ngay tại nơi xảy ra tai nạn của bà Tuyết Mai (ảnh chụp ngày 10-10) - Ảnh: ĐỨC TUYÊN

Khói nhang quyện nước mắt người thân của bà Mai bên dòng xe cộ tấp nập qua lại khiến nhiều người dân xung quanh tự hỏi: cái chết oan uổng của bà Mai liệu có phải là cái chết cuối cùng?

Chạy sát lề vẫn tử vong

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, sáng 9-10, khi chở con trai tên Q.T. (13 tuổi) đi học về trên đường Kha Vạn Cân (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM), do tránh dòng xe đông đúc từ sau đang chạy đến, bà Hà Thị Tuyết Mai (44 tuổi, nhân viên HEPZA - Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM) chạy xe máy nép sát vào lề và vướng phải nắp cống thoát nước nên té xe, bị xe tải phía sau lao lên cán chết. Riêng cậu con trai may mắn văng vào lề đường nên sống sót.

Nắp cống giết người

Sẽ kiến nghị hạn chế xe tải

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về tai nạn của bà Hà Thị Tuyết Mai, ông Lê Ngọc Hùng - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP.HCM - cho biết: “Cách đây vài năm Công ty Thoát nước đô thị TP đã thi công lắp đặt cống thoát nước trên đường Kha Vạn Cân. Sau đó đơn vị này đã bàn giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 quản lý mặt đường và bàn giao Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM quản lý cống thoát nước trên tuyến đường này. Hiện nay Công an Q.Thủ Đức đang điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn nói trên.

Sau khi xảy ra cái chết rất thương tâm của bà Hà Thị Tuyết Mai, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã có văn bản đề nghị Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cần di dời ngay các nắp cống vào lề đường. Đồng thời chúng tôi kiểm tra các tuyến đường nếu phát hiện có hố ga lấn ra mặt đường thì di dời ngay vào lề đường.

Hiện nay mặt đường Kha Vạn Cân rất chật hẹp nên việc cho xe container, xe tải lớn lưu thông vào đường này dễ gây tai nạn giao thông. Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 sẽ kiến nghị lắp đặt biển báo hạn chế xe tải lớn lưu thông và đề nghị cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm các xe vi phạm”.

Tận mắt chứng kiến người mẹ bị xe tải cán chết tức tưởi, giờ đây đôi mắt em Q.T. đờ đẫn, sưng húp. Cũng chẳng nói được gì, ông Đ. chỉ biết nhìn hai đứa con rồi nước mắt chảy dài. Những người hàng xóm đến phúng viếng, đưa tiễn cũng sụt sùi khóc.

Trở lại nơi bà Mai chết oan uổng, chúng tôi quan sát trên bề mặt nắp cống thoát nước ló ra đường vẫn còn để lại một vết va quẹt khá rõ. Nắp cống ló ra khỏi phần vỉa hè, thò ra đường gần một gang tay.

Ông Mến, chủ cửa hàng xe gắn máy tại số nhà 909, kể lại: “Tui ngồi trước cửa, chứng kiến khi chị Mai nép sát xe vào lề, bất ngờ lườn xe (Spacy) va vào cái nắp cống. Loạng choạng tay lái, chị Mai ngã sang trái, lăn ra đường và ngay lúc đó chiếc xe tải từ sau lao tới cán lên đầu chị ấy. Tội nghiệp đứa bé đi xe cùng, chứng kiến mẹ chết, nó gào thảm thiết: Mẹ ơi! Mẹ ơi!...”.

Cũng cách chỗ bà Mai bị tai nạn giao thông gần 50m, phía bên kia đường, khoảng giữa tháng 6-2010, bé Đ.P.V. (2 tuổi) được mẹ chở trên xe Attila cũng bị chết thảm do xe bồn cán qua người khi bé giật mình bởi tiếng còi xe và té xuống đường.

Theo quan sát của chúng tôi, đây là khúc đường cua, khá hẹp, nên khi có hai xe tải đi ngược chiều tránh nhau, người đi xe gắn máy chỉ còn cách ép sát vô lề. Trong khi ngay tại đây có cái nắp cống thoát nước thò ra đường.

“Cũng chính tại vị trí chị Tuyết Mai bị chết, cách đây gần ba năm đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông tương tự. Hôm đó người đàn ông đi xe máy bị một chiếc xe tải cán chết. Do vụ việc xảy ra trước cửa nhà nên tôi thấy, rất thương tâm và rùng rợn” - ông Hùng (chủ nhà 913) kể lại.

“Con đường tử thần”

Nhiều người dân ở đường Kha Vạn Cân (đoạn từ cầu vượt Linh Trung tới vòng xoay chợ Thủ Đức) cho rằng đây là con đường tử thần.

Ông Hùng nói: “Tôi không hiểu sao đây là con đường rất nhỏ, cong, nhiều khúc cua, vậy mà các nhà chức trách cho xe tải lớn, xe container, xe ben... chạy suốt ngày đêm. Tôi đã chứng kiến nhiều lần xe tải ép người đi xe gắn máy văng lên lề đường”.

Chúng tôi đã chứng kiến các loại xe tải lớn, xe ben, xe container, xe buýt... nối đuôi nhau trên đoạn đường khoảng 3km này. Đường dốc thoai thoải đổ từ đầu đường (khúc cầu vượt Linh Trung) xuống đến vòng xoay chợ Thủ Đức nên các xe chạy rất nhanh. Mặt đường hẹp, chỉ khoảng 7-8m ngang trong khi chúng tôi đếm được trên mười đoạn cua.

Tại mỗi điểm cua, cong lại có 1-3 mặt cống thoát nước ló ra ngoài đường. Ngay trước trụ sở UBND phường Linh Trung có đến ba miệng cống thoát nước thò ra đường suốt nhiều năm nay, thậm chí miệng cống trước nhà số 1011 thò ra đường cả nửa mét.

Một ông xe ôm đậu xe tại ngã ba Hoàng Diệu - Kha Vạn Cân nói: “Đây đích thực là những cái bẫy chờ gây tai nạn cho người đi đường. Chỉ cần hai xe tải tránh nhau hoặc đêm tối không quen đường thì người chạy xe máy sẽ va vào những nắp cống này. Nắp cống lại nằm đúng tầm cây gác chân của xe gắn máy nên khi đụng phải, người điều khiển xe chắc chắn văng ra ngoài đường. Gặp xe lớn từ sau trờ tới là chết chắc. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn do va phải nắp cống này rồi nhưng chẳng thấy ai quan tâm sửa chữa...”.

Cơ quan quản lý đường giao thông phải có trách nhiệm bồi thường

jZhR9zBa.jpgPhóng to
Nắp cống thò ra đường gây tai nạn cho bà Tuyết Mai - Ảnh: ĐỨC TUYÊN

Những cái chết oan ức của người đi đường vì tai nạn do đường sá kém chất lượng đã xảy ra liên tục trong thời gian qua, đặt ra yêu cầu cần phải xác định thật rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng đường giao thông.

Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải bảo trì, bảo vệ kết cấu và chất lượng đường giao thông. Trong vụ tai nạn khiến bà Tuyết Mai chết oan uổng, có thể thấy trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước đối với đường Kha Vạn Cân. Bằng mắt thường cũng có thể xác định việc để miệng hố ga nhô ra ngoài là không đảm bảo an toàn kỹ thuật, rất dễ gây tai nạn cho người đi đường.

Cơ quan quản lý nhà nước về đường giao thông tại TP.HCM (Sở Giao thông vận tải) phải chịu trách nhiệm về việc có những hạng mục không đảm bảo an toàn mà vẫn để người dân tham gia lưu thông trên đường đó. Ngoài trách nhiệm bồi thường về dân sự, những cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý con đường đó cũng phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ lỗi của mình.

Việc đòi bồi thường thiệt hại giữa người tham gia lưu thông với cơ quan có nhiệm vụ quản lý đường giao thông đó là việc đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật dân sự. Người bị thiệt hại có thể chứng minh thiệt hại của mình (tính mạng, sức khỏe, tài sản) từ việc gặp tai nạn do lưu thông trên đường có các hạng mục giao thông không đảm bảo an toàn để nhờ tòa án buộc cơ quan quản lý đường giao thông phải bồi thường.

Vì tâm lý ngán ngại, từ trước đến nay chưa từng có vụ kiện của người dân nào đối với cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng hạ tầng đường bộ không đảm bảo, xuất hiện những “cái bẫy” người đi đường. Trong khi đó, Luật giao thông đường bộ, Bộ luật dân sự đã có quy định rất rõ về chức năng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo tôi, người dân cần phải khởi kiện để đòi quyền của mình đúng theo quy định của pháp luật.

Những tai nạn giao thông gần đây trên đường Kha Vạn Cân

Tháng 2-2010, một chiếc xe trộn bêtông đi từ hướng Linh Trung tới vòng xoay chợ Thủ Đức mất thắng tông liên tiếp bảy chiếc xe máy và hai ôtô, cuốn năm người vào gầm xe gây thương tích nặng.

Tháng 6-2010, bé Đ.P.V. (2 tuổi) ngồi trên xe gắn máy do mẹ chở giật mình ngã xuống đường khi xe tải bóp còi và bị xe bồn trờ tới cán chết.

Tháng 8-2010, tại địa bàn phường Linh Chiểu, bốn xe gắn máy liên tiếp đâm vào nhau khiến hai người bị thương nặng.

Đường Nguyễn Văn Luông: bẫy nắp hố ga

Trong những ngày qua, nhiều người rất bức xúc về việc hàng loạt nắp hố ga trên lề đường Nguyễn Văn Luông (Q.6, TP.HCM) cao hơn nền lề đường rất nhiều, từ 3 tấc đến nửa mét. Đây là công trình do Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.

Trước hẻm 336 Nguyễn Văn Luông, đối diện trụ sở UBND P.12, Q.6 có hai nắp hố ga giữa đường rất nguy hiểm. Một cái nằm giữa đường cao hơn mặt đường 1 tấc, một cái nằm dưới lòng đường ngay sát lề cao hơn mặt đường đến 3 tấc. Anh Triệu Tín Nghĩa, chạy xe ôm khu vực trước trụ sở UBND P.12, Q.6, cho biết: “Tôi đã chứng kiến hàng chục vụ tai nạn do nắp hố ga giữa đường gây ra trên con đường này”.

Người dân khu vực hẻm 336 cho biết hai hố ga này đã được đào lên lấp xuống hơn mười lần nhưng đến nay điểm thi công vẫn chưa hoàn tất.

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên