10/09/2010 05:07 GMT+7

Xử lý người trộm chó - cần có chế tài riêng

Nguyễn Thanh Xuân (Đồng Tháp)
Nguyễn Thanh Xuân (Đồng Tháp)

TT - LTS: Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Kinh hoàng các vụ giết người trộm chó” (Tuổi Trẻ 7-9) và bài phân tích tiếp theo của luật sư Huỳnh Văn Nông “Còn nhiều lúng túng trong áp dụng luật” (Tuổi Trẻ 9-9), nhiều bạn đọc tiếp tục gửi email có ý kiến về việc cần phải giải quyết một số bất cập của luật pháp liên quan đến vấn đề này.

Phạt hành chính cũng lúng túng!

Ngay cả pháp luật xử lý hành chính cũng bất cập khi xử lý hành vi trộm chó. Tại điểm a, khoản 1, điều 18, nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, những hành vi trộm cắp vặt sẽ bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng.

Tuy nhiên nghị định không định nghĩa trộm thế nào và tài sản bao nhiêu là trộm cắp vặt. Theo suy nghĩ thông thường, trộm con gà, con vịt hay trái mít, trái bưởi là trộm cắp vặt... Còn trộm con chó có được coi là trộm cắp vặt hay không có thể sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau.

Một hành vi trộm chó tưởng chừng đơn giản khi xử lý theo pháp luật, nhưng khi phân tích việc áp dụng pháp luật lại không dễ chút nào. Do đó, cơ quan ban hành luật cần có những quy định cụ thể để tránh xảy ra những trường hợp “tự xử” thương tâm kinh hoàng tương tự.

Thú cưng là “tài sản đặc biệt”

Như chúng ta biết chó không đơn thuần là vật nuôi canh giữ nhà mà đối với nhiều người đây là loài thú cưng, không thể quy ra tiền. Do đó có thể xem thú cưng (chó, mèo, chim cảnh...) là “tài sản đặc biệt” và cần phải có một chế tài đặc biệt đối với những tên trộm “tài sản đặc biệt” này.

Không thể tính bằng tiền bạc

Phải khẳng định rằng đa số người dân không nuôi chó thịt mà họ nuôi chó làm kiểng, giữ nhà, làm bạn... nên không thể ước lượng kiểu khoảng 100.000 đồng/kg chó hơi rồi nhân với trọng lượng chó bị trộm để tính ra giá trị.

Chó kiểng giá trị cao là điều chắc chắn, cũng giống như tranh nghệ thuật vậy, không thể định giá nó chỉ là tờ giấy thêm ít màu vẽ nhiều lắm cũng chỉ vài trăm ngàn đồng!?

Chó giữ nhà cũng giá trị không kém. Công năng của nó là hỗ trợ con người trong việc bảo vệ tài sản, vai trò của nó lúc này là “cộng sự” của con người.

Nếu mất “cộng sự” này thì phải thuê người hỗ trợ hoặc chính người chủ phải đầu tư thêm thời gian, sức lực để bảo vệ tài sản, chưa kể chi phí để tìm được con chó mới cộng với chi phí nuôi dưỡng, huấn luyện để nó có thể dần quen, trở thành “cộng sự” như con chó cũ. Hơn nữa, nếu con chó trên 5 năm tuổi thì chắc chắn chi phí nuôi dưỡng nó phải trên 2 triệu đồng.

Mẹ tôi nuôi chó để giữ nhà, tuy là giống chó thường nhưng sống lâu với con người nên rất tinh khôn. Bà bảo nó giúp con người giữ nhà nên con người cũng không nên đối xử bạc với nó, đi chợ bao giờ bà cũng mua thêm khẩu phần riêng cho nó, tuy chỉ là vài con cá biển nhưng phần ăn của nó mỗi năm không dưới 2 triệu đồng.

Tôi chắc là nhiều người nuôi chó cũng như bà, xem chúng như thành viên trong gia đình vậy.

Tóm lại, nuôi một con chó có rất nhiều chi phí tiềm ẩn bên trong. Còn nói về giá trị tinh thần, có những người già cô đơn xem chó như con cháu của mình, mất con chó đau buồn đến sinh bệnh.

Bản thân tôi từng mất một con chó, tôi phải thức suốt đêm lang thang tìm nó khắp nơi, biết là khó có thể tìm thấy nhưng vẫn phải đi tìm dù chỉ là một chút hi vọng, suốt mấy ngày bỏ cả công việc lùng khắp các nơi bán chó chỉ sợ mình chậm chân người ta sẽ thịt mất. Cuối cùng tôi bỏ cuộc mà lòng ray rứt không yên. Tình cảm đó chính là giá trị tinh thần không thể tính bằng tiền bạc.

Luật pháp cũng có quy định đối với tội danh xâm phạm sức khỏe, tinh thần của người khác với mọi hình thức, thế mà kẻ trộm chó vẫn an toàn chỉ vì luẩn quẩn quanh cái rào cản “2 triệu đồng”.

Người thi hành luật pháp không nên cứng nhắc. Qua các sự việc giết kẻ trộm chó diễn ra liên tiếp này, có lẽ đã đến lúc pháp luật cần phải có những điều chỉnh thích hợp đối với tội danh “trộm chó” nếu không muốn những sự việc tương tự tái diễn. Đây cũng là lời cảnh báo khi ý chí người dân chưa đồng tình với pháp luật đối với các quy định về xử trị hành vi trộm chó.

Khi có quá nhiều người tham gia đánh kẻ trộm hoặc tán đồng việc đánh kẻ trộm thì rất đáng để các nhà lập pháp phải suy nghĩ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Trộm chó bị đánh: Pháp luật phải can thiệpKinh hoàng các vụ giết người trộm chó

Nguyễn Thanh Xuân (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên