06/09/2010 16:48 GMT+7

Vỡ mộng người tình ngoại

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định truy nã Eze Arinze Prince Ike (21 tuổi, còn gọi là Tu Fine và nhiều tên khác, quốc tịch Nigeria) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục phụ nữ Việt Nam.

Trong khoảng 3 tháng giữa năm 2010, hàng chục phụ nữ Việt Nam từ 20 tới 40 tuổi, biết tiếng Anh, thông qua mạng Internet đã tìm được người bạn trai lý tưởng là một sĩ quan hải quân hoàng gia Anh - Wiliam Philip - chàng sĩ quan hào hoa thường xuyên gửi email, điện thoại với những lời có cánh. Lời hứa về một tương lai tươi sáng nơi trời Tây, về những món quà giá trị khiến không ít người sống trong hân hoan chờ đợi.

“Món quà” đắt giá

Theo lời kể của chị P.T.T.H (35 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM), chị quen với một người đàn ông ngoại quốc tự giới thiệu là Wiliam Philip, sĩ quan hải quân hoàng gia Anh qua mạng Internet. Hai người thường xuyên trao đổi qua email, điện thoại và nảy sinh tình cảm. Wiliam nói chuẩn bị nghỉ phép sang Việt Nam tìm chị H nên sẽ gửi quà, tiền qua trước để chuẩn bị cho hai người nghỉ ngơi, thậm chí tổ chức đám cưới ngay.

Ngày 10-7, Wiliam gửi email thông báo đã gửi cho chị H một kiện hàng gồm nhẫn, dây chuyền, máy tính xách tay và đặc biệt là có giấu thêm 10.000 bảng Anh bên trong. Kiện hàng này được Công ty giao nhận hàng của Anh có tên Swift Coporate Delivery International (Công ty SCDI) vận chuyển. Ngay sau khi nhận được email của Wiliam, chị H nhận được email của Công ty SCDI thông báo lịch trình vận chuyển kiện hàng.

Ngày 12-7, chị H nhận được email của Công ty SCDI thông báo kiện hàng đã về tới sân bay Nội Bài, tuy nhiên bị hải quan Việt Nam phát hiện trong đó có chứa ngoại tệ, đề nghị chị H gửi 1.560 USD để thanh toán phí “bôi trơn” hải quan, giải phóng kiện hàng.

Công ty SCDI đề nghị chị H chuyển USD hoặc quy ra tiền Việt là hơn 33 triệu đồng vào một tài khoản của người đại diện tại Việt Nam là Nguyễn Thị Vân Duyên. Sau khi nhận email, chị H. nhận được điện thoại của người tự xưng là Duyên, người đại diện của SCDI tại Việt Nam. Duyên ra sức thuyết phục chị H gửi tiền nhanh để giải quyết kiện hàng.

Chỉ trong buổi sáng 12-7, Duyên đã nhiều lần liên lạc yêu cầu gửi tiền, và để chị H tin, Duyên đã kể về nhiều trường hợp tương tự trước đó bị hải quan giữ hàng, có tiền “bôi trơn” xong, lấy hàng ra được đầy đủ kiện hàng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Chị H. ban đầu còn phân vân, liên lạc lại với Wiliam thì anh này liên tục hối thúc chị trả tiền để lấy kiện hàng, dù sao cũng vẫn có lợi vì đó là những đồ trang sức rất nhiều tiền, lại thêm 10.000 bảng Anh giấu bên trong. Nếu không gửi tiền phí, sợ lô hàng bị tịch thu thì sẽ mất hết, Wiliam cũng không thể qua Việt Nam với chị H. được. Chiều cùng ngày, chị H đã nhờ em gái chuyển vào tài khoản của Duyên 33.600.000 đồng để chờ lấy kiện hàng.

Sau khi gửi tiền, chị H lại nhận được email và điện thoại của Duyên, yêu cầu gừi thêm 2.580 USD vào tài khoản vì ngoại tệ trong kiện hàng nhiều quá, cần “bôi trơn” nhiều hơn nữa mới có thể lấy ra. Nghi ngờ, chị H dò hỏi bạn bè về công ty vận chuyển SCDI nhưng không ai biết. Nghi ngờ bị lừa nên chị H đã trình báo công an.

Ngoài trường hợp của chị H, 10 phụ nữ khác đã tới cơ quan điều tra Công an TP.HCM trình báo về việc bị người tên Wiliam và đồng bọn lừa bằng thủ đoạn tương tự. Trong đó, người bị lừa ít nhất là 800 USD, người nhiều nhất là hơn 182 triệu đồng. Các nạn nhân đều gửi tiền vào tài khoản của người tên Nguyễn Thị Vân Duyên hoặc Lương Thị Kim Dung. Không chỉ có 11 trường hợp vừa nêu, Công an TP và Bộ Công an đã xác định được hàng chục nạn nhân khác ở nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên khi mời các nạn nhân tới làm việc thì vì nhiều lý do, họ không hợp tác.

Chân dung những siêu lừa

Sau khi nhận được thông tin của các nạn nhân, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP đã tìm ra chủ nhân của hai số tài khoản đã nhận tiền của các nạn nhân. Nguyễn Thị Vân Duyên (25 tuổi, ngụ tại thôn 2, P.Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) - chủ nhân của 2 số tài khoản nhận rất nhiều tiền của các nạn nhân chuyển vào. Duyên sống như vợ chồng với một người đàn ông châu Phi, tên thường gọi là Tu Fine, sinh được 2 con. Dù chung sống như vợ chồng nhưng Duyên không biết tên thật của Tu Fine là gì, làm nghề gì, bao nhiêu tuổi, cũng không lưu giữ hình ảnh hay thông tin gì khác.

Duyên được cơ quan xác định từng nhiều lần gọi điện cho các nạn nhân, nói theo “kịch bản” của Tu Fine, thuyết phục các nạn nhân gửi tiền để lấy kiện hàng. Không chỉ tham gia lừa đảo, Duyên còn được Tu Fine hướng dẫn cách thức vận chuyển ma túy từ Malaysia qua Trung Quốc, đã vận chuyển và bị phát hiện nhưng không đủ bằng chứng kết tội nên được thả.

Lương Thị Kim Dung (ngụ đường Nguyễn Cảnh Chân, P.Cầu Kho, Q1, TP.HCM) – người đứng tên một tài khoản khác nhận tiền của các nạn nhân là bị can trong một vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy do bộ Công an điều tra, đang được tại ngoại.

Dung khai nhận có một người chồng quốc tịch Nigeria đang bị bắt tại Malaysia, Dung nhận tiền của các nạn nhân chuyển cho một người bạn tại Malaysia để người này trả công bằng cách thăm nuôi chồng của Dung. Tổng số tiền Dung đã nhận của các nạn nhân và chuyển ra nước ngoài khoảng vài trăm triệu.

Một phụ nữ Việt Nam khác được xác định tham gia tổ chức này là Lưu Thị Khánh Vân (23 tuổi, ngụ KP2, P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM). Vân và Tu Fine quan hệ với nhau từ khoảng 1 năm trước, liên tục di chuyển từ khách sạn này tới khách sạn khác ở chứ không ở cố định. Từ tháng 7-2010, Tu Fine nhờ Vân gọi điện cho nhiều phụ nữ, tự xưng là Nguyễn Thị Vân Duyên - đại diện Công ty SCDI, yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản theo chỉ dẫn của Tu Fine. Vân cũng không biết tên thật, không lưu hình ảnh hay thông tin gì khác về Tu Fine.

Người tự xưng là Tu Fine có nhiều mối quan hệ phức tạp tại TP.HCM, tuy nhiên thông tin chính xác về đối tượng này hầu như không có. Tên, số hộ chiếu mà Tu Fine dùng để thuê khách sạn và giao dịch khác khi tra trong hồ sơ nhập cảnh vào Việt Nam đều không có.

Sau một thời gian xác minh khắp những nơi Tu Fine từng lưu trú, kiểm tra các dữ liệu và đối chiếu với thông tin thu thập được từ nhiều nguồn, Cơ quan điều tra đã xác định được tên thật của Tu Fine là Eze Arinze Prince Ike, mang hộ chiếu của Nigeria.

Eze Arinze Prince Ike nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 3-2008 theo diện nhập cảnh du lịch có thời hạn lưu trú dưới 1 tháng. Tuy nhiên từ đó tới nay, đối tượng này lưu trú bất hợp pháp tại Việt Nam, chung sống với nhiều phụ nữ Việt Nam và thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người khác.

Hơn 1.300 người nước ngoài lưu trú quá hạn

Thượng tá Nguyễn Văn Anh – trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72), Công an TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2010, phòng PA72 đã phát hiện và xử lý 1.330 trường hợp người nước ngoài lưu trú quá hạn thị thực tại TP.HCM. Theo thống kê, hiện có khoảng 200 tới 300 người mang quốc tịch các nước châu Phi - phần lớn là Nigeria hiện đang cư trú bất hợp pháp tại TP.HCM. Vào thời điểm đông nhất, con số này là hơn 1.000 người.

Theo một lãnh đạo Công an TP.HCM, các băng nhóm tội phạm tới từ châu Phi nói riêng và nước ngoài nói chung đang diễn biến rất phức tạp. Hầu hết các tổ chức tội phạm người nước ngoài đều có sự giúp đỡ, tiếp tay từ người Việt Nam. Đặc biệt là nhiều phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân đã trở thành người giúp sức hoặc trực tiếp tổ chức các nhóm tội phạm.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên